Việc Phạm Anh Khoa lên tiếng “xin lỗi” sau khi liên tiếp bị tố gạ gẫm, quấy rối tình dục đã gây xôn xao dư luận tối 12/5. Trong buổi talk show, Phạm Anh Khoa có một “người đồng hành” là bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc CSAGA - tổ chức kêu gọi bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam.
Lời “xin lỗi” của Phạm Anh Khoa và cả vai trò của CSAGA trong buổi talk show đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội của khán giả và cư dân mạng. Ngay tại fanpage chính thức của CSAGA và cả trang cá nhân của bà Nguyễn Vân Anh cũng tràn ngập những bình luận đầy giận dữ.
Rất nhiều cư dân mạng đặt cùng đặt một câu hỏi: “Vì sao bà Nguyễn Vân Anh và CSAGA lại đứng về phía Phạm Anh Khoa thay vì các nạn nhân?”.
Anh Khoa và đại diện tổ chức CSAGA - đại diện bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Ảnh: Cắt màn hình. |
Từ khi nào hành vi quấy rối trở thành "vô tình gây hiểu lầm"?
CSAGA là tên viết tắt của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên. CSAGA là tổ chức phi chính phủ được thành lập từ năm 2001 với mục đích thúc đẩy việc thực hiện quyền cho phụ nữ và trẻ em trước bạo lực, kỳ thị tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Vân Anh là người đứng đầu tổ chức. Phạm Anh Khoa là đại sứ trong chiến dịch “Đàn ông đích thực nói không bạo lực với phụ nữ”. Hình ảnh của Phạm Anh Khoa được đặt ở vị trí trung tâm trên website chính thức của tổ chức.
Không ít người cho rằng CSAGA bảo vệ Phạm Anh Khoa thay vì các nạn nhân bị quấy rối tình dục ngay từ thông cáo báo chí chính thức. Tổ chức này tuyên bố: “Trước sự phân tích của đại diện trung tâm CSAGA, ca sĩ Phạm Anh Khoa đã nhận thức rõ phong cách tập luyện, ngôn từ và hoạt động như vậy có thể vô tình gây hiểu lầm và tổn thương cho bạn diễn nói riêng cũng như một số phụ nữ nói chung”.
Đa phần khán giả thắc mắc: “Từ khi nào quấy rối tình dục có thể được thanh minh là vô tình gây hiểu lầm?”. Nữ ca sĩ Tóc Tiên phân tích câu chuyện này đang nói về một người đàn ông ở ngưỡng tuổi U40 không phải là U20 còn trẻ và non nớt để có thể bàn tới hai chữ “hiểu lầm”.
Thông cáo từ tổ chức cho rằng hành vi của Phạm Anh Khoa là vô tình gây hiểu lầm và tổn thương cho người khác. |
Các cư dân mạng quyết liệt bày tỏ sự không đồng tình với thông cáo mà họ mô tả là mang tính “nhân đạo” với Phạm Anh Khoa. “CSAGA đang nhân đạo với Phạm Anh Khoa và gia đình anh ta nhưng lạnh lùng với các nạn nhân”, bạn Minh Hoàng chỉ trích.
Trong hơn 40 phút trò chuyện, bà Vân Anh như một người chỉ đường, dẫn lối cho Phạm Anh Khoa hiểu rằng bản thân đang có những hành vi quấy rối tình dục với phụ nữ. Nam ca sĩ nhiều lần cười trừ không biết hoặc lắc đầu trước những câu hỏi về quấy rối tình dục.
Thậm chí Phạm Anh Khoa thanh minh rằng mình chưa từng được hiểu về các quy tắc ứng xử trong nghề sau hơn 10 năm hoạt động showbiz. Đôi lúc, anh ta mỉm cười khi nói về chuyện bị tố quấy rối tình dục. Nụ cười đó với nhiều khán giả là điều không thể chấp nhận được.
Trên website của CSAGA là hình ảnh trung tâm của Phạm Anh Khoa với thông điệp bảo vệ phụ nữ khi là đàn ông đích thực. |
“Hiểu lầm? Bản năng đàn ông là gạ tình? Nam tính là dám làm không dám nhận? Tổ chức này chọn sai đại sứ và không dám nhận sao? Những cô gái nạn nhân quấy rối tình dục không dám lên tiếng vì những tổ chức hữu danh vô thực như thế này”, bạn Đào Trọng Quý bức xúc.
Stylist M.P, người tố Phạm Anh Khoa xâm hại tình dục, nói với Zing.vn: "Tôi tưởng sau những chia sẻ về tổn thương mà tôi và các nạn nhân lên tiếng, Khoa sẽ nhận ra và thể hiện bằng hành động, trước tiên là những lời nói xin lỗi chân thành. Tuy nhiên, khi xem xong clip tôi chỉ thấy Khoa nói vòng vo, chủ yếu nói để xoa dịu để dư luận bớt dậy sóng".
Đại sứ bảo vệ phụ nữ nhưng còn học lớp vỡ lòng về quấy rối tình dục?
CSAGA khẳng định tiếp tục đồng hành cùng Phạm Anh Khoa trong các chương trình bảo vệ phụ nữ sắp tới. Nam ca sĩ cũng hứa sẽ mạnh mẽ và quyết liệt hơn cùng chiến dịch #Metoo.
Đa phần khán giả khi bình luận đều tin rằng nếu được mời làm đại sứ cho chiến dịch bảo vệ phụ nữ, Phạm Lịch hay Nga My mới là sự lựa chọn sáng suốt, thay vì một kẻ bị tố quấy rối tình dục như Phạm Anh Khoa.
Không biết thế nào là hành vi quấy rối tình dục nhưng Phạm Anh Khoa tiếp tục là nghệ sĩ đồng hành cùng CSAGA. |
"Nghĩ sao khi để kẻ quấy rối tình dục phụ nữ tham gia chương trình bảo vệ phụ nữ? Liệu tổ chức này có nên mời thêm anh Minh Béo về tham gia chương trình thiếu nhi không?", cư dân mạng Junie Vũ giận dữ viết trên trang cá nhân của bà Nguyễn Vân Anh.
"Chúng tôi không thể chấp nhập cách CSAGA thay vì bảo vệ phụ nữ thì tẩy trắng cho kẻ gây tội và còn thông cáo trên trang web sẽ đồng hành với kẻ quấy rối tình dục phụ nữ trong chương trình bảo vệ phụ nữ. Nực cười", Junie Vũ khẳng định.
Một phụ nữ đã có gia đình tên Lê Uyên lên tiếng: “Ai sẽ chịu trách nhiệm trả lại cho các cô gái bị quấy rối kia quãng thời gian bị trầm cảm? Cậu ta còn yêu cầu mọi người bớt khắt khe. Chúng ta chỉ có thể nhân hậu và ôn hoà với những người thực sự hối lỗi và cầu thị”.
“Người đi tuyên truyền bảo vệ phụ nữ lại là người quấy rối tình dục. Đáng lẽ tổ chức phải có hành động quyết liệt, tập hợp các nạn nhân, là chỗ dựa để họ lên tiếng và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố điều tra thay vì mời người bị tố cáo lên phân tích, vỗ về, cam kết chương trình hành động. Định giao trứng cho ác lần nữa à?”, độc giả Đào Trọng Quý nhận được 178 lượt tán đồng khi góp ý.
CSAGA không tiếp cận Phạm Lịch, Nga My vì đã hiểu đủ qua báo chí?
Thời gian qua, CSAGA luôn tự hào là tổ chức khởi xướng chiến dịch #Metoo tại Việt Nam. Nhưng đoạn clip trò chuyện cùng Phạm Anh Khoa bị đánh giá là đã đi ngược với ý tưởng và quan điểm này.
Khán giả tin rằng nếu CSAGA làm việc đồng thời với Phạm Anh Khoa và các cô gái sẽ có cái nhìn khách quan hơn là việc đưa ra thông báo riêng của nam ca sĩ. Lúc đó, CSAGA mới đúng là trung gian kết nối và làm tròn vai trò của mình.
CSAGA mới tiếp xúc thông tin về Phạm Lịch qua báo chí. |
“Trong đó có thể là cả tư vấn để nhìn nhận lại xem Phạm Anh Khoa đã làm, đã nói những gì, có gì sai khác với lời tố cáo hay không, rồi làm rõ liệu có hiểu nhầm hay không, nếu sai thì sai ở đâu, hay nếu oan thì oan ở đâu. Sai ở đâu xin lỗi đàng hoàng, mà có hiểu nhầm thì cũng có người ở giữa giúp đôi bên nhìn nhận khách quan hơn”, độc giả Minh Hoàng góp ý.
“Sau cuộc gặp, công bố kết quả với công chúng. Tôi tin rằng đó mới là cách làm đúng ý nghĩa. Chứ không phải lên tiếng theo kiểu dĩ hoà vi quý nhận lỗi chút nào tốt chút ấy như cách CSAGA đang làm”, Minh Hoàng góp ý thêm.
Trước câu hỏi về việc liên hệ Phạm Lịch, Nga My cùng tìm hiểu sâu vấn đề, bà Nguyễn Vân Anh đã trả lời trên Zing.vn: “Tôi đã theo dõi tất cả ý kiến của họ và tôi thấy tương đối đầy đủ trên báo chí rồi. Sở dĩ tôi mời Anh Khoa là vì chúng ta cần sự thay đổi của nam ca sĩ, và phía Anh Khoa cũng chưa hề lên tiếng trước đó.
Khán giả H.T bức xúc: “Là một tổ chức bảo vệ phụ nữ, họ cần gặp trực tiếp và trao đổi thêm với các cô gái thay vì đọc báo rồi thuyết phục một phía từ Anh Khoa”.
Tóc Tiên, Phan Lê Ái Phương và nhiều nghệ sĩ nữ kêu gọi phụ nữ hãy tự bảo vệ bản thân trước khi chờ đợi bất kỳ tổ chức nào giúp đỡ. |
“Hơn nữa, họ nên nhớ rằng Phạm Anh Khoa là ca sĩ. Anh ta có quá nhiều kênh trả lời. Thậm chí, anh ta chỉ cần mở họp báo đã có đông phóng viên có mặt. Còn các nạn nhân, họ ít tiếng nói hơn, yếu đuối hơn. Họ mới là người cần sự chia sẻ từ các tổ chức như thế này”, bạn H.T phản hồi.
"Dành 45 phút để xem hết cuộc phỏng vấn của chị và Khoa, tôi rất băn khoăn không hiểu tổ chức CSAGA của chị đang thực sự bảo vệ đối tượng nào, kẻ quấy rối hay nạn nhân bị quấy rối", cư dân mạng Chi Trân bày tỏ bức xúc trên trang cá nhân bà Nguyễn Vân Anh.
"Tác động cả 2 mà lại không phỏng vấn, bảo vệ những người bị hại trước, lại đi làm talk show bao biện cho kẻ gây hại, có thể là mục tiêu ban đầu tốt nhưng tiếp cận sai hướng rồi cô ạ", cư dân mạng Kiều Giang nói thẳng với bà Nguyễn Vân Anh.