Bộ Công an vừa đưa ra lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam, trong đó có quy định lựa chọn báo Nhân dân và báo địa phương cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam đọc giải trí.
Theo Điều 45 dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam thì trung bình 20 người bị giam, giữ được cấp một số báo Nhân dân hoặc báo địa phương. Thủ trưởng cơ sở giam, giữ tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam nghe Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh hoặc truyền thanh địa phương, đọc báo Nhân dân hoặc báo địa phương. Nếu có điều kiện thì tổ chức cho người bị giam, giữ xem một số chương trình truyền hình Trung ương và địa phương. Điều này lập tức gây ra nhiều băn khoăn trong dư luận.
Đề xuất cho phép người bị tạm giữ, tạm giam đọc Báo Nhân dân đã gây ra nhiều băn khoăn. |
TS Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (V19) - Bộ Công an, cho biết việc lựa chọn Báo Nhân dân cho những người đang bị tạm giữ, tạm giam đọc giải trí đã được thực hiện từ năm 1998 khi Chính phủ ban hành Nghị định 89/1998 về quy chế tạm giữ, tạm giam: “Nhà tạm giữ, trại tạm giam được trang bị hệ thống truyền thanh. Trung bình 20 người bị tạm giữ, tạm giam được cấp một số báo Nhân dân hoặc báo địa phương. Trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam tổ chức cho người bị tạm giữ, tạm giam nghe Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh hoặc truyền thanh địa phương, đọc báo Nhân dân hoặc báo địa phương. Nếu có điều kiện thì tổ chức cho họ xem một số chương trình truyền hình Trung ương và địa phương”.
Từ việc tổng kết thực hiện Nghị định 89/1998 để xây dựng dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam (dự kiến sẽ trình ra Quốc hội trong năm 2015 - PV), cơ quan soạn thảo đã giữ gần như nguyên vẹn các quy định liên quan đến việc này.
Theo TS Quân, Báo Nhân dân là tờ báo chính thống nên được lựa chọn như vậy. “Tuy nhiên vào thời điểm này, báo chí đã rất phát triển và khác trước đây rất nhiều nên có thể ngoài Báo Nhân dân, báo ở địa phương ra thì có thể lựa chọn thêm một vài tờ báo khác phù hợp; tất nhiên việc lựa chọn phải có tính toán và được chấp thuận. Đây mới là giai đoạn đầu lấy ý kiến góp ý rộng rãi nên cũng có thể trong dự thảo luật sắp tới sẽ không nêu rõ tên một tờ báo nào cả mà chỉ nói là “báo trung ương” và “báo địa phương” thôi” - ông Quân cho biết thêm.
Trong khi đó, một số chuyên gia luật cho rằng không nên ghi rõ tên tờ báo một cách cụ thể như vậy trong luật.