Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao cần phải biết cách vi trùng gây bệnh cho con người?

Chúng ta có xu hướng nghĩ về các căn bệnh. Làm gì để tự cứu mình và giết vi trùng? Có hiểu rõ mới hạ được kẻ thù, vì vậy hãy xem xét căn bệnh từ quan điểm của vi trùng.

Ví dụ tàn nhẫn nhất cho vai trò của vi trùng trong lịch sử là các cuộc chinh phục của người châu Âu đối với châu Mỹ, mà khởi đầu là chuyến hải hành của Columbus vào năm 1492.

Dẫu số người châu Mỹ bản địa chết bởi tay các nhà chinh phục Tây Ban Nha tàn bạo nhiều đến đâu đi nữa, con số đó chẳng thấm vào đâu so với số người chết bởi các loài vi trùng giết người có xuất xứ từ Tây Ban Nha.

Tại sao sự trao đổi các giống vi trùng tàn hại giữa châu Mỹ và châu Âu lại bất cân bằng đến vậy? Tại sao các căn bệnh của người châu Mỹ bản địa đã không giết chết hầu hết quân xâm lược Tây Ban Nha, bành trướng ngược sang châu Âu và quét sạch 95% dân số châu Âu?

Những câu hỏi tương tự cũng nảy sinh đối với trường hợp nhiều dân tộc bản địa khác đã bị giết gần hết bởi các loài vi trùng của lục địa Âu - Á, cũng như trường hợp những người châu Âu lẽ ra đã có thể chinh phục vùng nhiệt đới châu Phi và châu Á nhưng đã chết gần hết (trước khi kịp làm việc đó).

Như vậy, việc nhiều căn bệnh của con người có nguồn gốc từ động vật là nguyên nhân ẩn sau những mẫu hình lớn của lịch sử loài người, cũng như đằng sau một số vấn đề quan trọng nhất về sức khỏe loài người ngày nay (hãy nhớ lại AIDS, một căn bệnh đã bành trướng với tốc độ bùng nổ ở loài người mà hình như đã tiến hóa từ virus cư trú ở loài khỉ hoang dã châu Phi).

Chương này sẽ bắt đầu bằng việc xét xem “bệnh” là gì và tại sao một số vi trùng đã tiến hóa làm chính chúng ta - con người - bị bệnh. Ta sẽ xem xét xem tại sao nhiều căn bệnh truyền nhiễm quen thuộc nhất với chúng ta lại lây lan thành dịch, chẳng hạn đại dịch AIDS hiện nay và "Cái chết Đen" - dịch hạch - từng diễn ra vào thời Trung Cổ.

Sau đó, ta sẽ xét xem làm cách nào tổ tiên các loài vi trùng mà ngày nay chỉ gây bệnh cho người đã tự chuyển từ các vật chủ ban đầu là loài vật sang người.

Cuối cùng, ta sẽ xem nếu thấu hiểu rằng nhiều bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ loài vật, điều đó sẽ giúp con người ra sao trong việc giải thích về sự trao đổi vi trùng vốn đã diễn ra chớp nhoáng và hầu như một chiều giữa người châu Âu và người châu Mỹ bản địa.

Lẽ tự nhiên, chúng ta có xu hướng suy nghĩ về các căn bệnh từ quan điểm của chính mình: Ta có thể làm gì để tự cứu mình và giết vi trùng? Hãy quét sạch những quân vô lại và đừng bao giờ thèm quan tâm xem động cơ của chúng là gì! Tuy nhiên, trong cuộc sống nói chung, có hiểu rõ kẻ thù thì mới hạ được kẻ thù, điều này đặc biệt đúng với ngành y.

Vì vậy, ta hãy bắt đầu bằng cách tạm gác những thiên kiến của con người qua một bên mà hãy xem xét các căn bệnh từ quan điểm của vi trùng. Nói gì thì nói, vi trùng cũng là một sản phẩm của chọn lọc tự nhiên như chúng ta thôi.

Cac benh dich anh 1

Người dân Tournai chôn cất người chết trong "Cái chết Đen". Tranh minh họa trong cuốn biên niên sử của Gilles Li Muisis.

Khi gây bệnh cho chúng ta bằng những cách kỳ khôi, chẳng hạn như làm cơ quan sinh dục của chúng ta đau hoặc làm ta tiêu chảy, vi trùng được lợi lộc gì về phương diện tiến hóa? Tại sao vi trùng cứ phải tiến hóa để có thể giết chết chúng ta? Câu hỏi sau này dường như đặc biệt khó hiểu và mâu thuẫn, bởi khi vi trùng giết chết vật chủ thì đồng thời nó cũng tự giết mình.

Về cơ bản, vi trùng tiến hóa cũng như mọi loài khác. Quá trình tiến hóa là để lựa chọn những cá thể nào có hiệu năng cao nhất trong việc sinh con đẻ cái và giúp con cái phát tán đến những nơi thích hợp nhất để sống.

Đối với vi trùng, việc phát tán này có thể định nghĩa theo cách toán học là số lượng nạn nhân bị lây nhiễm mới từ mỗi bệnh nhân ban đầu. Con số này tùy ở chỗ mỗi nạn nhân có khả năng lây nhiễm cho các nạn nhân mới trong thời gian bao lâu và vi trùng có thể chuyển từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác một cách hữu hiệu đến đâu.

Vi trùng đã sáng tạo ra nhiều cách đa dạng để phát tán từ người này sang người khác và từ loài vật sang người. Vi trùng nào phát tán giỏi hơn thì sinh con đẻ cái nhiều hơn và rốt cuộc là loài có ưu thế trong quá trình chọn lọc tự nhiên.

Nhiều “triệu chứng” bệnh của chúng ta trên thực tế chỉ phản ánh việc một loài vi trùng chết dẫm khôn ngoan nào đó đang tiến hành điều chỉnh cơ thể hoặc hành vi của chúng ta sao cho chúng ta trở thành phương tiện phát tán vi trùng.

Cách nhẹ nhàng nhất để vi trùng có thể phát tán là cứ đợi đến khi được chuyển một cách thụ động sang nạn nhân kế tiếp. Đó là chiến lược được áp dụng bởi các vi trùng chuyên đợi cho vật chủ này bị vật chủ kế tiếp ăn thịt.

Chẳng hạn, khuẩn salmonella mà ta thường lây khi ăn trứng hay thịt đã bị nhiễm, loài giun gây bệnh giun xoắn thường lây từ lợn sang người bằng cách đợi đến khi con người giết lợn để ăn thịt mà không nấu kỹ. Loài sán gây bệnh sán tròn mà những người thích ăn món sushi của Nhật đôi khi mắc phải do ăn cá sống. […]

Một số vi trùng không đợi đến khi vật chủ cũ chết và bị ăn thịt, mà “quá giang” theo nước dãi của một con côn trùng vừa cắn vật chủ cũ xong thì bay đi tìm vật chủ mới. Cuộc quá giang không mất tiền này diễn ra nhờ phương tiện là muỗi, bọ chét, chấy rận hay ruồi tsetse, làm phát tán bệnh sốt rét, dịch hạch, sốt ban đỏ hay bệnh ngủ.

Trong số những cách phát tán qua trung gian thụ động này, cách bẩn thỉu nhất là của những vi trùng chuyên xâm nhập vào bào thai của người đàn bà và lây nhiễm cho đứa trẻ ngay từ khi mới ra đời.

Nhờ áp dụng trò láu cá này, các vi trùng gây bệnh giang mai, bệnh sởi Đức (rubella) và nay là bệnh AIDS, đang gây ra những vấn đề nan giải về đạo đức mà những ai tin vào một vũ trụ dựa trên nền tảng sự công bằng đều đang phải vật lộn một cách tuyệt vọng hầu giải quyết nó.

Những vi trùng khác, nói một cách hình tượng, “tự tay” giải quyết vấn đề. Chúng làm thay đổi cấu trúc giải phẫu hoặc hành vi của vật chủ, sao cho có thể đẩy nhanh việc giúp chúng chuyển đổi vật chủ.

Xét theo quan điểm của chúng ta, những cơn đau ở bộ phận sinh dục do các bệnh đường sinh dục như giang mai gây nên là một sỉ nhục đầy ghê tởm. Tuy nhiên, xét theo quan điểm của vi trùng, đó chẳng qua là một phương sách hữu ích nhằm buộc một vật chủ này giúp cấy vi trùng vào một lỗ mở trên cơ thể một vật chủ khác.

Những tổn thương da do bệnh đậu mùa gây nên cũng làm phát tán vi trùng theo cách tương tự qua tiếp xúc cơ thể một cách gián tiếp hay trực tiếp (đôi lúc rất gián tiếp, chẳng hạn như khi người Mỹ da trắng, với quyết tâm quét sạch những người châu Mỹ bản địa “thù địch”, gửi làm quà cho đám người châu Mỹ kia những chiếc chăn từng được bệnh nhân đậu mùa sử dụng).

Còn dữ dội hơn thế là giải pháp được sử dụng bởi vi trùng bệnh cúm, bệnh cảm lạnh thường và bệnh ho gà, chúng buộc bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, qua đó tung ra hàng đám vi trùng về phía những người có khả năng trở thành vật chủ mới.

Tương tự, vi trùng dịch tả làm cho người bệnh nhân tiêu chảy ồ ạt, qua đó phát tán vi trùng vào nguồn nước mà những người có thể trở thành vật chủ mới đang sử dụng.

Về khả năng làm biến đổi hành vi của vật chủ thì không gì địch nổi với vi trùng bệnh dại: Loài này không chỉ chui vào nước dãi của chó bị nhiễm, mà còn buộc con chó đó lên cơn điên cắn lung tung và qua đó làm nhiều nạn nhân mới nhiễm bệnh theo.

Song về khoản chịu khó vận động “tay chân” thì giải quán quân phải trao cho những loài như giun móc và sán máng, ấu trùng của loài này theo phân của vật chủ ra ngoài và sống trong nước hoặc dưới đất một thời gian, sau đó thì đào xuyên qua da mà xâm nhập vào các vật chủ mới.

Jared Diamond / Omega Plus và NXB Thế Giới

SÁCH HAY