Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tại sao biến chủng được đặt tên Delta, Alpha?

Tên virus trước kia vốn chỉ có ý nghĩa trong các nghiên cứu khoa học. Nhưng lúc này, tên gọi biến chủng của Covid-19 đã và đang là nỗi niềm gây lo âu cho hàng tỷ người.

bien chung Covid-19 anh 1

20H/501Y.V2. - VOC 202012/02 - B.1.351, đây là 3 cái tên mà các nhà khoa học cùng sử dụng để gọi chủng Covid-19 lần đầu được phát hiện ở Nam Phi, trước khi nó có tên Beta như hiện tại, theo New York Times.

Những chuỗi ký tự, chữ số, và dấu chấm chứa đựng ý nghĩa lớn đối với các nhà khoa học, nhưng làm thế nào để người không chuyên có thể hiểu được chúng? Kể cả cái tên dễ nhớ nhất, B.1.351, cũng có thể bị hiểu thành một họ virus khác nếu bị thiếu hoặc đặt nhầm một dấu chấm.

“Cái khó là nghĩ ra tên gọi khác biệt, chứa đựng thông tin, không bao hàm từ chỉ địa danh, nhưng vẫn dễ nhớ dễ đọc”, Emma Hodcroft, nhà dịch tễ học nguyên tử thuộc Đại học Bern (Thụy Sĩ), cho biết. “Điều này nghe qua rất đơn giản nhưng lại là yêu cầu khó khăn, nhất là khi phải truyền đạt nhiều thông tin như vậy”.

bien chung Covid-19 anh 2

Việc gọi tên biến chủng của Covid-19 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch bùng phát toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Tầm quan trọng của tên bệnh

Truyền thống đặt tên một loại virus mới theo tên địa phương đầu tiên phát hiện đã có từ lâu.

Chẳng hạn, bệnh Zika được đặt tên theo một cánh rừng ở Uganda, trong khi Ebola là tên một con sông ở Congo. Một số ví dụ khác bao gồm sởi Đức (hay còn gọi là rubella), virus Tây sông Nile, hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

Những thế kỷ trước, bệnh giang mai từng được người Italy gọi là “bệnh Pháp”, trong khi người Pháp gọi đó là “bệnh Naples” (Naples là một thành phố ở Italy). Nga từng gọi giang mai là “bệnh Ba Lan”, trong khi Ba Lan gọi đó là “bệnh Đức”.

Rõ ràng không ai muốn tên đất nước, thị trấn, hoặc con sông nơi họ sống được gắn liền với một loại bệnh nguy hiểm. Vì thế, xu hướng hiện tại là đặt tên bệnh không gắn liền với vị trí địa lý để tránh tạo tâm lý kỳ thị.

bien chung Covid-19 anh 3

Số vụ tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á có xu hướng tăng sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi SARS-CoV-2 là "virus Trung Quốc". Ảnh: Reuters.

Hơn nữa, nếu dùng tên địa danh đặt cho bệnh, chính quyền địa phương ấy có thể sẽ do dự thu thập thông tin về biến chủng hoặc ngần ngại báo cáo để tránh bị đổ lỗi.

Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra hướng dẫn về việc khuyến cáo không lấy tên địa lý, tên người, hoặc tên loài động vật để gọi tên bệnh truyền nhiễm.

Việc hạn chế dùng địa danh còn có một lý do khoa học: Các nhà nghiên cứu trên thực tế không biết nguồn gốc chính xác của một căn bệnh ở đâu.

Chẳng hạn, như chủng Covid-19 từng được gọi là biến chủng Nam Phi (hiện được gọi là chủng Beta). Đúng là biến chủng này lần đầu tiên được phát hiện tại Nam Phi, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện được bệnh nhân đầu tiên mang chủng Beta. Rất có thể Nam Phi là nơi đầu tiên phát hiện chủng Beta chỉ vì nước này giải trình tự gene nhiều hơn những nước khác.

Việc đặt tên sai có thể để lại hậu quả lâu dài. Chẳng hạn, sau hơn một thế kỷ, nhiều người vẫn tin rằng loại virus gây ra đại dịch cúm năm 1918 xuất phát từ Tây Ban Nha vì cái tên cúm Tây Ban Nha, trong khi những ca mắc đầu tiên được ghi nhận ở Mỹ, theo bà Hodcroft.

Thông lệ đặt tên virus

Trong khi WHO chịu trách nhiệm đặt tên cho bệnh, việc đặt tên virus mới thuộc về một nhóm nhà phát sinh chủng loại học và virus học thuộc Ủy ban Quốc tế về Phân loại Virus (ICTV).

Tháng 2/2020, ICTV đặt tên cho virus corona mới xuất hiện trong năm 2019 là SARS-CoV-2, tức hội chứng hô hấp cấp tính nặng thứ 2.

Stanley Perlman, một thành viên trong nhóm nghiên cứu virus corona của ICTV, cho biết lý do chọn tên như trên là cấu trúc gene của loại virus mới “có nét tương tự rõ rệt” với virus SARS-CoV từng gây ra dịch SARS trong năm 2003.

bien chung Covid-19 anh 4
Bức tường tưởng niệm nạn nhân Covid-19 tại một nghĩa trang ở Mỹ. Ảnh: New York Times.

Vì ICTV chỉ đặt tên cho virus ở cấp loài trở lên, tên của các biến chủng virus bắt nguồn từ cách gọi thông thường giữa các nhà khoa học với nhau và sẽ thay đổi tùy từng mầm bệnh, bà Hodcroft nói.

Một cách thường dùng để phân loại virus là dựa trên kháng nguyên - một bộ phận trong virus sẽ làm kích hoạt phản ứng miễn dịch. Ngoài ra, đột biến của kháng nguyên cũng có vai trò đặc biệt quan trọng.

Chẳng hạn, cúm A có hai kháng nguyên nổi bật được lần lượt gọi là H và N. Mỗi lần các kháng nguyên này đột biến, chúng sẽ được gán cho một con số mới, ví dụ H1N1. Virus cúm A có 18 đột biến H và 11 đột biến N có thể kết hợp với nhau để tạo ra 198 hình thái khả thi, nhưng tới nay con người mới phát hiện 131 hình thái.

“Những loại virus này thường xuyên đột biến nên chúng ta không thể đặt tên mới cho từng loại được”, ông Abdool Karim nói. “Chúng ta chỉ đặt tên mới khi nào virus thay đổi một kháng nguyên quan trọng”.

Sự hỗn loạn của biến chủng SARS-CoV-2

Tháng 11/2020, các nhà nghiên cứu ở Nam Phi giải trình tự một biến chủng SARS-CoV-2 mới với khả năng lây nhiễm cao hơn, bao gồm biến chủng N501Y cho phép protein gai có thể bám chặt hơn vào tế bào người.

Đột biến nói trên thay thế loại axit amin asparagine (ký hiệu N), vốn thường được thấy ở vị trí thứ 501 của protein gai với tyrosine (một loại axit amin khác ký hiệu là Y).

“Trong lúc ngồi uống trà, chúng tôi quyết định gọi biến chủng này là 501Y.V2”, ông Abdool Karim nói.

Phần đầu của cái tên 501Y.V2 nói lên đột biến quan trọng nhất của virus, trong khi V2 chỉ đơn giản có nghĩa đây là biến chủng thứ 2 được xác định có dạng đột biến ấy.

bien chung Covid-19 anh 5

Biến chủng Gamma từng được báo chí gọi là biến chủng Brazil. Ảnh: Alamy.

Tương tự, biến chủng Alpha lần đầu được phát hiện ở Anh được gọi là 501Y.V1, biến chủng Gamma lần đầu được phát hiện ở Brazil là 501Y.V3.

Nhưng đây không phải tên duy nhất của một biến chủng. Từ đầu đại dịch, nhiều hệ thống khác nhau đã hình thành để gọi tên biến chủng SARS-CoV-2, phổ biến nhất là Nextstrain và Pango. Mỗi hệ thống đều có đặc điểm riêng.

Theo hệ thống Pango, biến chủng Alpha, Beta, và Gamma lần lượt được gọi là B.1.1.7, B.1.351, và P.1. Trong khi đó, theo hệ thống Nextstrain, những biến chủng này sẽ lần lượt có tên là 20I (V1), 20H (V2), và 20J (V3).

Đương nhiên, những hệ thống này không được hình thành để tạo ra những cái tên dễ nhớ cho đại chúng mà chỉ nhằm cung cấp cho các giới khoa học một ngôn ngữ chung để trao đổi và điều tra sự biến hóa của SARS-CoV-2.

Một cách gọi tên mới

Vì những lý do trên, WHO một lần nữa tìm cách phát triển hệ thống tên gọi mới cho các biến chủng nguy hiểm nhất. Một nhóm chuyên gia đã được WHO tập hợp để tạo ra hệ thống tên gọi “dễ phát âm và không gây kỳ thị”.

Việc phát triển một hệ thống tên gọi rõ ràng, dễ hiểu, và vượt qua rào cản văn hóa - ngôn ngữ là một quá trình phức tạp. Đó cũng là lý do nhóm chuyên gia của WHO mất nhiều thời gian để có thể đưa ra cách dùng bảng chữ cái Hy Lạp như hiện tại từ cuối tháng 5.

Trước đó, nhiều cách gọi tên khác từng được cân nhắc như tên gọi chim chóc, quái vật trong cổ tích, màu sắc, thần Hy Lạp,… nhưng nhiều lựa chọn trong số này đều được sử dụng làm thương hiệu sản phẩm hoặc tên công ty.

bien chung Covid-19 anh 6

Trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO Maria Van Kerkhove cho biết cơ quan này đang xem xét dùng tên chòm sao cho biến chủng nếu dùng hết bảng chữ cái Hy Lạp. Ảnh: WHO.

Một ý tưởng khác là đánh số cho các biến chủng đáng lo ngại là VOC1, VOC2, VOC3… cũng bị hủy vì nghe giống cách chửi thề trong tiếng Anh.

Thay vì đặt tên lại cho mọi biến chủng của SARS-CoV-2, hệ thống mới của WHO chỉ áp dụng cho 4 biến chủng đáng quan ngại và 4 biến chủng đáng quan tâm.

Nhưng cách gọi tên biến chủng của WHO vẫn còn khuyết điểm: SARS-CoV-2 vẫn liên tục đột biến nên có thể sẽ tạo ra số biến chủng vượt quá 24 chữ trong bảng chữ cái Hy Lạp.

Về vấn đề này, trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO Maria Van Kerkhove, cho biết cơ quan này đang xem xét dùng tên chòm sao cho biến chủng nếu dùng hết bảng chữ cái Hy Lạp.

Lựa chọn tiếp theo có thể được thông báo “tương đối sớm”, Telegraph dẫn lời bà Van Kerkhove đưa tin ngày 7/8. Hiện, đội ngũ pháp lý của của WHO đang rà soát lại để “đảm bảo chúng tôi không động chạm tới ai với những cái tên mới”, tiến sĩ Van Kerkhove nói.

WHO 'dán nhãn' mới cho biến chủng Ấn Độ

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt B.1.617, còn được biết đến với tên gọi biến chủng Ấn Độ, vào nhóm biến chủng gây lo ngại toàn cầu.

Hàng trăm chuyên gia hối thúc ông Biden ngăn chặn ngay biến chủng mới

Hơn 175 chuyên gia cùng ký tên vào lá thư để gây sức ép yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden lập tức có hành động khắc phục tình trạng bất bình đẳng vaccine và ngăn biến chủng mới.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm