Alison Parker, 24 tuổi, và Adam Ward, 27 tuổi. Ảnh: Telegraph |
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 26/8 nói với đài ABC rằng ông "đau khổ" khi biết tin hai phóng viên là Alison Parker, 24 tuổi, và Adam Ward, 27 tuổi, bị bắn chết dưới tay Vester Flanagan - cựu nhân viên đài WDBJ - khi đang ghi hình trực tiếp tại một trung tâm thương mại ở bang Virginia.
"Trái tim tôi tan vỡ mỗi khi đọc hoặc nghe thông tin về những vụ việc như vậy. Những gì chúng ta được biết là số lượng người chết vì các vụ án liên quan tới súng tại Mỹ đã vượt xa con số nạn nhân của khủng bố", ông Obama nói.
Nhà Trắng cho hay, vụ xả súng tại bang Virginia là một ví dụ về "tình trạng bạo lực súng đạn đang trở nên quá phổ biến" tại Mỹ.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói rằng, Quốc hội nước này có thể sớm thông qua dự luật có tác động rõ rệt tới việc giảm bạo lực liên quan tới súng.
Trong khi đó, ứng viên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton cho biết, bà cảm thấy "đau khổ và tức giận" trước vụ việc. "Chúng ta phải hành động để ngăn bạo lực súng và không thể chờ lâu hơn", cựu Ngoại trưởng Mỹ cho hay.
Tỷ lệ vụ xả súng hàng loạt cao nhất thế giới
Một người đàn ông đau buồn trước 32 khối đá đại diện cho 32 người thiệt mạng sau vụ xả súng do Cho Seung Hui thực hiện tại đại học Công nghệ Virginia, ngày 15/4/2008. Ảnh: Getty |
Một nghiên cứu của nhà tội phạm học Adam Lankford thuộc Đại học Alabama (Anh) cho thấy Mỹ là quốc gia có tỷ lệ các vụ xả súng hàng loạt cao nhất thế giới.
Theo Lankford, số lượng các vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ tăng 5 lần trong 50 năm qua, nhiều hơn bất kỳ quốc gia khác. Ông cũng nhấn mạnh xu hướng văn hóa bạo lực là điều đáng lên án.
90 trong tổng số 291 vụ xả súng hàng loạt trên thế giới trong giai đoạn 1966 – 2012 xảy ra tại Mỹ. Con số này tương đương 31%. Trong khi đó, Philippines đứng thứ hai với 18 vụ, Nga (15 vụ), Yemen (11 vụ) và Pháp (10 vụ).
Nhà tội phạm học Lankford nêu một số yếu tố dẫn tới tình trạng này, gồm tỷ lệ người sở hữu súng cao tại Mỹ, tình trạng ảo tưởng về sự nổi tiếng của những kẻ xả súng hàng loạt và "mặt tối của sự ngoại lệ". Ông cũng tin rằng hệ thống chăm sóc y tế của Mỹ đối với bệnh nhân tâm thần cũng là một trong số các nguyên nhân, nhưng bản thân nó không phải là yếu tố chính.
"Nhiều thập kỷ qua, người ta tự hỏi liệu mặt tối của sự ngoại lệ Mỹ có phải là xu hướng văn hóa bạo lực và trong những năm gần đây, có lẽ hình thức bạo lực phổ biến tại Mỹ là xả súng hàng loạt tại nơi công cộng", Lankford nhận định.
Nhiều kẻ xả súng hàng loạt luôn ảo tưởng về sự vĩ đại và tìm kiếm sự nổi tiếng qua việc giết người. "Họ cho rằng cách duy nhất để tên và khuôn mặt của mình xuất hiện trên các tạp chí, truyền hình là giết hại những người không có vũ trang gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em", nhà tội phạm học nói.
Bản phân tích năm 2013 của nhóm kiểm soát súng Mayors Against Illegal Guns, chỉ rõ, trong vòng 16 km, 98% dân số Mỹ sống gần một cửa hàng bán súng. Theo Lankford, cách rõ ràng nhất để Mỹ giảm các vụ xả súng hàng loạt là giảm số lượng vũ khí hiện có.
Các nhà lập pháp Mỹ coi việc sở hữu súng là quyền cơ bản của con người, chỉ sau quyền tự do ngôn luận. Hiến pháp Mỹ thông qua Luật sở hữu súng thuộc Luật về Quyền cá nhân năm 1791, cho phép người dân có thể mang chúng tới bất cứ đâu.
Ngày nay, quyền sở hữu súng vẫn luôn nhận sự đồng tình của nhiều người dân Mỹ bởi họ coi đây là cách thể hiện quyền tự do dân chủ. Hơn một nửa số tiểu bang đã thông qua Luật sở hữu súng. Ở một số bang khác, người dân chỉ được dùng loại súng có tính sát thương thấp và phải giữ chúng tại nhà.
Tiềm ẩn nguy hiểm
Theo USA Today, công việc của các phóng viên nước ngoài luôn tiềm ẩn mối nguy hiểm mà họ buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, vụ giết hại hai nhà báo của đài WDBJ ngay trên sóng trực tiếp là một lời nhắc nhở mới về mối nguy khó lường trước đối với các phóng viên trong nước.
Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), ít nhất, 5 phóng viên bị giết tại Mỹ kể từ năm 1992.
Vụ giết hại nhà báo gần đây nhất trước sự cố nổ súng hôm 26/8 diễn ra vào tháng 8/2007 khi Chauncey Bailey, giám đốc biên tập của tờ Oakland Post tại bang California, bị bắn chết ở thành phố Oakland.
"Tại Mỹ, các vụ án liên quan tới việc giết hại nhà báo là tương đối hiếm", USA Today dẫn thông tin từ UPJ cho hay.
Vụ xả súng xảy ra trong bối cảnh những nguy hiểm đối với các nhà báo tăng cao trong năm nay. Ít nhất 39 nhà báo đã bị sát hại trên khắp thế giới, theo UPJ.