Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao Apple không còn giữ được bí mật cho iPhone?

Việc có quá nhiều người theo dõi, cùng với một hệ thống đối tác cung cấp linh kiện, gia công sản phẩm lên đến 200 công ty đã khiến Apple mất khả năng kiểm soát thông tin mật.

Vào một thời điểm nào đó trong tháng 9, Giám đốc điều hành của Apple  - Tim Cook - sẽ xuất hiện trên một sân khấu rực rỡ tại San Francisco (Mỹ). Ông sẽ lướt nhìn giới báo chí, nhân viên Apple và các nhân vật quan trọng trong làng công nghệ và nói: “Chúng tôi vô cùng hưng phấn khi giới thiệu sản phẩm mà chúng tôi đã nỗ lực hoàn thành trong thời gian qua”.

Sau đó ít phút, Phil Schiller - Chủ tịch phụ trách marketing của Apple - sẽ xuất hiện và giới thiệu iPhone 6. Bất kỳ một ai, chỉ cần có đôi chút quan tâm đến Apple đều sẽ biết, Schiller định giới thiệu một sản phẩm như thế nào.

Đó là một chiếc iPhone mới, mỏng hơn, dùng màn hình 4,7 inch. Ông này cũng sẽ thao thao bất tuyệt về hiệu năng của dòng chip A8 thế hệ mới và camera cải tiến trên chiếc iPhone 6. Đám đông bên dưới, như thường lệ sẽ “ồ”, “wow” ngay cả khi, họ không cảm thấy bất ngờ với phần lớn thông tin được chia sẻ.

Tại sao chuyện này xảy ra? Tại sao một công ty vốn nổi tiếng với khả năng giữ bí mật sản phẩm tốt nhất thế giới lại để những bản mẫu chiếc iPhone 6 của họ lang thang khắp nơi từ Âu sang Á?

Theo một số nhà phân tích, nhà báo và những người quan sát ngành công nghiệp di động, chính những đối tác cung cấp linh kiện của Apple cùng với sự bùng nổ của hệ thống tin tức trực tuyến chính là nguyên nhân dẫn đến việc, từng thông tin nhỏ nhất liên quan đến sản phẩm của Apple bị đưa lên mặt báo.

“Bản thân Apple không để lộ thông tin”, Horace Dediu - một nhà phân tích cho biết. Apple có quá nhiều đối tác. Họ có hợp đồng làm ăn với hơn 200 công ty trong việc cung cấp, sản xuất và lắp ráp sản phẩm. Những đối tác này không trung thành tuyệt đối với Apple.

“Tại châu Á, rất khó để giữ một bí mật nào đó, vì đây là vấn đề liên quan đến yếu tố văn hóa. Họ có xu hướng muốn xây dựng lòng tin với nhau thông qua các mối quan hệ cá nhân”, Yukari - tác giả của cuốn "Apple thời hậu Steve Jobs" cho biết. Vì vậy, khi một người nào đó xuất hiện và sẵn sàng tạo dựng một mối quan hệ, người làm việc tại chuỗi cung cấp linh kiện của Apple sẵn sàng trò chuyện một chút trên tinh thần của "những người bạn" và để lộ thông tin.

Apple vẫn luôn giữ bí mật. Chẳng hạn, không một ai biết trước về thương vụ giữa Apple và IBM, hay vụ thâu tóm Beats mới đây. Nếu Apple không phải là một công ty quá lớn và không phụ thuộc vào hàng loạt các đối tác cung cấp linh kiện, họ chắc chắn vẫn là hãng công nghệ giữ bí mật sản phẩm tốt nhất trên thế giới.

Đức Nam

Bạn có thể quan tâm