Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tài sản quý giá của BTV Trần Quang Minh

BTV Trần Quang Minh chia sẻ về gia tài bố anh đã để lại cho các con, đó là những cuốn sách.

BTV Quang Minh anh 1

Hồi bé tôi rất thích Dế mèn phiêu lưu ký, Thám tử Sherlock Holmes, Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer… Sau này lớn lên, tôi không thích đọc những cuốn sách triết lý hay giáo huấn mà vẫn thích đọc tiểu thuyết kiểu trinh thám, các tác phẩm của Sidney Sheldon hay các tác phẩm kiểu lãng mạn thời chiến…

Còn bố tôi là người rất thích đọc sách và ông được tặng rất nhiều sách, đặc biệt là những cuốn về chiến tranh, cách mạng. Vì rất nhiều tác giả là bạn của bố nên hầu như cuốn nào mở ra cũng thấy được tác giả ký tặng. Bởi thế, giá sách của nhà tôi lúc nào cũng đầy ắp. Mẹ tôi đã giữ lại cho chúng tôi và các cháu. Đến tận bây giờ, đó vẫn luôn và mãi mãi là tài sản vô giá của gia đình. Mỗi lần về nhà, tôi lại rút vài cuốn sách mang theo.

Đọc vừa để hoài niệm, vừa để nghiền ngẫm thêm. Có những cuốn, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn không chán. Tôi không thích đọc những cuốn sách nặng về triết lý hay giáo huấn mà thích đọc truyện, nhất là truyện ngụ ngôn, truyện cười dân gian Việt Nam và thế giới. Có lẽ vì vậy mà tính cách của tôi cũng khá hài hước.

Ngoài ra, tôi cũng rất thích truyện trinh thám, tiểu thuyết, đặc biệt là tiểu thuyết tình cảm thời chiến. Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Một thời hoa lửa là những cuốn tôi rất mê, rồi tuyển tập những câu chuyện thời chiến. Và tôi đã mượn chính những câu chuyện đó để làm nội dung. Những cuốn sách thực sự hỗ trợ tôi khi sản xuất các chương trình. Mỗi mảnh đất tôi đặt chân đến đều mang trong mình những câu chuyện và khi đến đó, tôi ngay lập tức nhớ lại những gì mình đã đọc. Những câu chuyện bên lề cũng chính là yếu tố giúp chương trình trải nghiệm của tôi thêm hấp dẫn!

BTV Quang Minh anh 2

BTV Trần Quang Minh ở trường quay.

Hiện tại, tôi chỉ đọc sách công nghệ, sách về công nghệ số (dạy kỹ năng làm phim, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng sản xuất chương trình trên mạng…) để phục vụ công việc của mình. Làm truyền hình mấy chục năm rồi nhưng khi dựng Come Minh Vietnam, tôi nhận thấy nếu đi theo format quen thuộc sẽ không còn phù hợp với xu hướng hiện đại. Tôi hay đi hiệu sách ở Lý Thường Kiệt, mua những cuốn sách về công nghệ như cách xử lý hình ảnh, cách làm hậu kỳ, Photoshop nâng cao, dựng Adobe Premiere như thế nào…

Đó không hẳn là chia sẻ từ các chuyên gia mà từ những bạn trẻ - rất thú vị và gần gũi, ví dụ 1000 status hay và ý nghĩa - nó không hẳn là sách nhưng là hơi thở của cuộc sống. Giấc mơ trong năm nay của tôi là xuất bản cuốn sách của riêng mình. Đó là cuốn sách mang tính tự sự, chỉ đơn giản là kể lại, ghi lại về những nơi tôi đã đi qua, những gì tôi cảm nhận về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.

Tôi luôn khát khao truyền tải thông điệp yêu nghề và mong các bạn trẻ khi “dấn thân” vào nghề làm báo nói chung và truyền hình nói riêng cần được trải nghiệm, cần có nhiều kỹ năng và đặc biệt là kỹ năng tác nghiệp truyền hình - multitask: tự làm đạo diễn, biên kịch, diễn viên, tiền kỳ - hậu kỳ, phóng viên hiện trường. Tôi nghĩ đây cũng là xu hướng truyền hình, đào tạo ra một “phóng viên chiến trường”. Với sự phát triển của công nghệ số, một phóng viên, nhà báo hoặc người làm truyền hình cần có những tố chất đó!

https://vietnamnet.vn/mc-tran-quang-minh-2165366.html

MC Trần Quang Minh/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm