Trong phiên giao dịch kết thúc cuối tuần này (giờ Mỹ), cổ phiếu Tesla được giao dịch ở mức 223,07 USD, giảm 16% so với mức 265,25 USD của ngày 30/9.
Đó là mức giảm lớn nhất của hãng xe điện kể từ tháng 3/2020, khi đại dịch bao trùm nước Mỹ. Tài sản của CEO Tesla từ 28/9-7/10 giảm 43 tỷ USD, xuống còn 210 tỷ USD theo thống kê của Bloomberg Billonaire Index.
Ngày 3/10, Tesla công bố giao 343.000 xe điện trong quý III, thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích. Cùng lúc đó, CEO Elon Musk gây chú ý khi đề xuất giải pháp chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.
Tỷ phú giàu nhất thế giới còn khiến giới công nghệ xôn xao khi có động thái nối lại thỏa thuận thâu tóm Twitter, điều mà ông muốn từ bỏ vào tháng 7. Trước hàng loạt thử thách, Musk thừa nhận vừa trải qua "7 ngày dữ dội".
Tesla và robot hình người gây thất vọng
Theo công ty dữ liệu Street Account, giới phân tích dự báo Tesla sẽ giao 364.660 chiếc xe điện trong quý III. Tuy nhiên, Tesla cho biết công ty chỉ sản xuất 365.000 chiếc, và giao tổng cộng 343.000 xe điện trên toàn cầu trong 3 tháng gần nhất.
Trong số đó, Tesla sản xuất 19.935 chiếc Model S và Model X, 2 mẫu xe điện thuộc dòng đắt tiền, còn lại là 345.988 chiếc Model 3 và Model Y. Tổng lượng xe sản xuất của công ty cao hơn quý trước, và kể cả cùng kỳ năm ngoái.
Robot hình người của Tesla gây thất vọng tại buổi trình diễn ngày 7/10. Ảnh: CNET. |
Dù sản lượng tăng, CNBC cho biết số liệu xe xuất xưởng và giao hàng của Tesla trong quý III thấp hơn dự đoán của giới phân tích, dù công ty đã khởi động 2 nhà máy mới ở Brandenburg (Đức) và Austin, bang Texas.
Các nhà phân tích nhận định Tesla đang gặp khó khăn tại Trung Quốc, trước sức ép cạnh tranh của hãng xe điện BYD. Vào tháng 7, hãng xe này đã tạm ngừng hoạt động nhà máy ở Thượng Hải để nâng cấp. Việc sản xuất được khôi phục sau một tháng.
Ngày 7/10, Tesla tổ chức sự kiện AI Day 2022 để giới thiệu nguyên mẫu robot hình người mang tên Optimus. Dù vậy, màn trình diễn của Tesla khiến giới chuyên gia thất vọng khi chuyển động của Optimus còn thô cứng và kém linh hoạt, không khác gì những robot hình người được phát triển nhiều năm qua.
"Ý tưởng con robot này sẽ làm được điều hữu ích trong 5 năm tới thật nực cười, còn quá nhiều lỗ hổng", Melonee Wise, CEO Fetch Robotics, công ty chuyên sản xuất robot giúp việc, cho biết.
Wise cũng nghi ngờ tuyên bố của công ty về việc sử dụng Autopilot, hệ thống hỗ trợ tự lái trên xe Tesla để điều khiển robot, vì đi bộ trên đôi chân và lái xe là 2 việc hoàn toàn khác nhau.
Ý tưởng giải quyết xung đột
Ngày 3/10, CEO Elon Musk đăng bài thăm dò ý kiến lên Twitter về quan điểm của ông nhằm kết thúc xung đột giữa Nga và Ukraine. Vị tỷ phú đề xuất các cuộc trưng cầu dân ý có sự giám sát của Liên Hợp Quốc ở 4 tỉnh Ukraine vừa được Nga tuyên bố sáp nhập.
CEO Tesla cũng đề nghị Crimea, bán đảo mà Nga sáp nhập năm 2014, được chính thức công nhận là của Nga. Ông cũng kêu gọi đảm bảo nguồn cung cấp nước cho Crimea, và Ukraine cần duy trì sự trung lập.
Elon Musk gây chú ý với đề xuất hòa bình cho chiến sự tại Ukraine. Ảnh: Getty Images. |
Bài viết của Musk nhận được sự ủng hộ của Điện Kremlin, nhưng khiến người dân Ukraine tức giận. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đáp trả bằng câu hỏi. "Các vị thích Elon Musk nào hơn?", đồng thời đưa ra 2 lựa chọn: Elon Musk ủng hộ Ukraine và Elon Musk ủng hộ Nga.
"Biến đi là câu trả lời rất ngoại giao của tôi dành cho ông", Đại sứ Ukraine tại Đức, Andriy Melny đáp trả vị tỷ phú. Các nhà lãnh đạo châu Âu khác cũng lên tiếng phản đối kế hoạch của Musk, trong đó có Tổng thống Lithuania Gitanas Nausėda.
"Vậy thì thử cách này xem: Ý chí của những người sống ở Donbas và Crimea sẽ quyết định xem họ là một phần của Nga hay Ukraine", Musk tiếp tục viết. Ông khẳng định không quan tâm nếu đề xuất của mình không được nhiều người ủng hộ.
Cú "quay xe" trong thương vụ với Twitter
Elon Musk công bố kế hoạch thâu tóm Twitter với giá 44 tỷ USD vào tháng 4. Tuy nhiên sau 3 tháng, vị tỷ phú tuyên bố rút khỏi thỏa thuận, cho rằng ban lãnh đạo Twitter không trung thực về lượng tài khoản giả trên nền tảng.
Twitter nhanh chóng khởi kiện vị tỷ phú tại Tòa án Delaware Chancery, yêu cầu hoàn tất thỏa thuận như kế hoạch.
Trước tình trạng cổ phiếu Tesla sụt giảm và 2 bên chuẩn bị ra tòa vào ngày 17/10, CEO Tesla gửi đơn lên tòa án, đề cập việc nối lại thỏa thuận mua lại mạng xã hội với giá ban đầu là 54,20 USD/cổ phiếu.
Thương vụ thâu tóm Twitter nóng trở lại với động thái bất ngờ của Musk. Ảnh: Daily Sabah. |
Trong bức thư, Musk muốn Twitter hoặc tòa án tiếp tục tranh tụng, yêu cầu dời phiên tòa ngày 17/10. Một thẩm phán tại tòa quyết định CEO Tesla cần hoàn tất thỏa thuận thâu tóm Twitter trước ngày 28/10 nếu không muốn ra tòa.
Trong khoản thời gian này, Musk cần tập hợp các ngân hàng, nhà đầu tư để nhận khoản vay đã cam kết. Vị tỷ phú có thể phải bán một phần cổ phiếu tại Tesla để đảm bảo nguồn tài chính cho thương vụ. Tuy nhiên, ông chỉ có thể làm như vậy từ ngày 19/10, khi Tesla công bố kết quả kinh doanh quý III.
Những điểm tích cực
Điểm sáng trong một tuần đầy biến động của Musk được ghi nhận vào ngày 5/10, khi tên lửa tái sử dụng Falcon 9 mang theo tàu vũ trụ Dragon Endurance, chở 4 người lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy tại Florida (Mỹ).
Tên lửa của SpaceX tiếp tục đưa thành công nhóm phi hành gia lên ISS. Ảnh: NASA. |
Cho đến nay, đó là sứ mệnh chở phi hành đoàn thứ 5 của SpaceX, hợp tác với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), cũng là sứ mệnh có phi hành đoàn thứ 8 của công ty chỉ trong 2 năm. Trong các phi hành gia lên ISS ngày 5/10 có Anna Kikina, nhà du hành vũ trụ người Nga.
Elon Musk cũng tuyên bố khởi động dây chuyền sản xuất Tesla Semi, xe tải chạy điện đã trễ hẹn trong nhiều năm. Dự kiến những chiếc xe đầu tiên được giao cho Pepsi vào ngày 1/12.