Thị trường máy bay tư nhân Trung Quốc vừa trải qua một năm kinh doanh đầy khó khăn. Đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh doanh của tầng lớp thu nhập cao nước này đang lao dốc. Nguyên nhân được lý giải một phần do thương chiến và suy thoái kinh tế.
Tỷ phú Trung Quốc thắt chặt chi tiêu xa xỉ
Theo công ty phân tích dữ liệu WingX, lượng các chuyến bay tư nhân của Trung Quốc đã giảm tới 12% trong năm 2019. Đây là kết luận đưa ra từ dữ liệu của 10.000 chuyến bay trên 953 máy bay kinh doanh của 264 hãng khai thác khác nhau.
Giới siêu giàu Trung Quốc vẫn ưa dịch chuyển bằng máy bay riêng trong kỳ nghỉ tết cuối năm. Ảnh: AFP |
Richard Koe, giám đốc điều hành của WingX, lý giải chính cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và nền kinh tế Trung Quốc suy giảm là nguyên nhân quan trọng nhất cho tình trạng này, tiếp đến là do cơ sở hạ tầng và nhân sự có trình độ còn hạn chế ở Trung Quốc.
Theo Báo cáo về tỷ phú của PwC và UBS năm 2019, giá trị tài sản ròng của những người giàu nhất Trung Quốc lần đầu tiên sụt giảm 12,3% sau nhiều năm liền tăng trưởng. Số lượng tỷ phú Trung Quốc cũng giảm mất 48 vị trí chỉ còn 325.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn bị trói buộc trong cuộc thương chiến kéo dài, điều này khiến cho tài sản tư nhân liên tục biến động và chứa đầy rủi ro. Đáng nói, theo SCMP, người giàu Trung Quốc trước đó vừa chứng kiến tài sản tăng trưởng ngoạn mục, gia tăng gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm kề trước.
Trước tình hình khó khăn, người mua chật vật và mất khả năng duy trì các máy bay tư nhận hiện có. Điều này dẫn đến tình trạng thanh lý, rao bán thứ tài sản xa xỉ này diễn ra phổ biến hơn.
Xu thế này diễn ra mạnh mẽ và đang dần lan ra toàn cầu. Dự báo thị trường 5 năm tới của Jetcraft cho thấy tổng doanh số của các máy bay kinh doanh mới sẽ không thay đổi cho đến năm 2023. Đó là còn chưa kể đến giá bán các máy bay độc quyền có thể tăng mạnh do số lượng máy bay đã bán hết và khan hiếm hơn.
Koe nhận định việc mua bán lại máy bay phản lực tư nhân ở Trung Quốc sẽ khiến số lượng lớn tài sản đắt đỏ này dịch chuyển khỏi đất nước tỷ dân, và thường là di dời đến Mỹ.
Mitchc Koe cho biết thêm: “Khó có thể chờ đợi sự tăng trưởng (thị trường máy bay tư nhân Trung Quốc) trong năm 2020, mặc cho những nỗ lực cải tiến các kỹ thuật mới để phù hợp với khu vực thị trường này”.
Điểm sáng là các kỳ nghỉ lễ và sự kiện
Tuy nhiên, vẫn có những động lực để kích thích tăng trưởng thị trường này. Người giàu Trung Quốc vẫn ưa chuộng sử dụng máy bay tư nhân để tham dự các sự kiện nổi bật khắp thế giới. Serena Lui, giám đốc điều hành dịch vụ độc quyền của Asia Sky Group cho hay dịch vụ trợ giúp xa xỉ cho người giàu Trung Quốc vẫn tăng trưởng và câu lạc bộ máy bay tư nhân vẫn phát triển.
Giới siêu giàu Trung Quốc chuyển sang thuê máy bay tư nhân thay vì mua hẳn, theo SCMP. Ảnh: AFP. |
Vistajet, hãng cho thuê máy bay phản lực tư nhân dự báo mức tăng trưởng 14% về số giờ bay ra/vào Trung Quốc trong quý III/2019. Ian Moore, giám đốc thương mại của Vistajet cho biết người giàu nước này vẫn ưa thích dịch chuyển và thị trường mua bán vẫn có thể sôi động.
Trong đó, dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, giới siêu giàu Trung Quốc rục rịch với các chuyến nghỉ xa xỉ bằng máy bay tư nhân. Nhật Bản hiện là điểm đến hấp dẫn nhất do chuẩn bị đăng cai Olympics 2020. Các điểm đến đắt giá khác là Phuket và Koh Samui. Bangkok và Seoul, từng là thiên đường ẩm thực và mua sắm khá hấn dẫn, không còn được ưa chuộng do khách hàng ưa trải nghiệm nhiều hơn.
Trong đó, thủ phủ Cape Town ở Nam Phi, Male ở Maldives, Bhutan, Papua New Guinea, Nha Trang và Helsinki đều là những điểm đến nổi bật nhất của các hãng khai thác cho thuê máy bay tư nhân Trung Quốc.
Ngoài ra, nhiều khách hàng Trung Quốc còn sử dụng máy bay riêng để tận hưởng các kỳ nghỉ du lịch kết hợp giải trí. Giới đại gia ưa thích sử dụng các dịch vụ xa xỉ này cho các dịp kỷ niệm quan trọng, kỳ nghỉ gia đình hoặc thậm chí là với các vật nuôi.