Năm 2014, tổ chức chuyên nghiên cứu thống kê tài sản của giới siêu giàu trên thế giới Wealth-X và Ngân hàng Thụy Sĩ (UBS) từng cho biết Việt Nam có 210 cá nhân thuộc giới siêu giàu thế giới, với tổng tài sản trị giá 20 tỷ USD. Số này có 2 tỷ phú USD với tổng tài sản khoảng 3 tỷ USD. Còn theo Knight Frank, trong vòng 10 năm tới Việt Nam sẽ chỉ có 3 tỷ phú USD.
Đến nay, 2 trong số 3 tỷ phú USD theo dự báo của Knight Frank đã lộ diện là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Hàng không Vietjet –Vietjet Air.
Tổng tài sản tăng 2,8 tỷ USD, thứ hạng nhảy hơn 500 bậc
Ông Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên được tạp chí Forbes liệt kê vào danh sách tỷ phú USD thế giới vào năm 2013, với khối tài sản ước đạt 1,5 tỷ USD. Phải 4 năm sau đó, Việt Nam mới có thêm tỷ phú USD thứ 2 được công nhận.
Đầu năm 2017, lần đầu tiên Forbes công nhận Việt Nam có 2 tỷ phú USD, trong đó bà Nguyễn Thị Phương Thảo chính là nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam và duy nhất của Đông Nam Á hiện nay.
Khối tài sản của 2 tỷ phú USD Việt Nam hồi đầu năm 2017. Ảnh: Forbes. |
Theo số liệu thống kê của Forbes thời điểm đó, khối tài sản của bà chủ hãng "hàng không bikini" sở hữu khoảng 1,2 tỷ USD, và xếp thứ 45/56 nữ tỷ phú tự thân của thế giới. Với 1,2 tỷ USD khi đó, bà Thảo xếp thứ 1.678 trong danh sách những đại gia giàu có nhất thế giới.
Forbes cũng cập nhật tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng lên 2,4 tỷ USD xếp thứ 867.
Trong vòng chưa đầy một năm, khối tài sản của 2 tỷ phú USD Việt Nam tăng “chóng mặt” tổng cộng hơn 2,8 tỷ USD, giúp vị trí trên bảng xếp hạng người giàu của cả hai nhảy vọt.
Nếu như ông Vượng từng mất tới 4 năm để tăng khối tài sản ròng của mình từ 1,5 tỷ USD lên 2,4 tỷ USD vào đầu năm nay thì chỉ 9 tháng sau đó, khối tài sản của ông đã tăng liên tục 1,8 tỷ USD hiện đạt 4,2 tỷ USD.
Mức tăng tài sản của ông Vượng thậm chí còn nhanh hơn mức tăng của tỷ phú gốc Việt Hoàng Kiều trước đây. Điều này cũng giúp ông chủ tập đoàn Vingroup "nhảy" 358 bậc trên bảng xếp hạng giới siêu giàu thế giới. Hiện tại, ông Vượng xếp thứ 509 trong danh sách này.
Trong khi đó, khối tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đã tăng 1 tỷ USD trong 9 tháng qua, giúp bà chủ hãng hàng không này tăng 570 bậc trên bảng xếp hạng giới siêu giàu.
Phần lớn tài sản đến từ cổ phiếu
Forbes từng cho biết việc xếp hạng các tỷ phú, triệu phú trên thế giới rất khó khăn. Và để xác định tài sản của các tỷ phú, tạp chí này đã kết hợp rất nhiều phương pháp tính toán khác nhau.
Cụ thể, tạp chí định giá tài sản của các tỷ phú dựa trên giá trị cổ phiếu của họ trên các sàn chứng khoán, bất động sản sở hữu, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ.
2 vị tỷ phú của Việt Nam cũng đang là những đại gia giàu có bậc nhất trên sàn chứng khoán Việt với khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng tại đây.
Cụ thể, ông chủ tập đoàn Vingroup đang sở hữu khối tài sản gần 54.000 tỷ đồng, tương đương 2,38 tỷ USD đến từ 27,45% cổ phần nắm giữ tại Vingroup. Giá trị khối lượng cổ phiếu này đang đóng góp vào tổng tài sản ròng của ông Vượng gần 57%.
Tương tự, khối tài sản trên sàn chứng khoán của bà Thảo cũng đạt trên 23.700 tỷ đồng, xấp xỉ 1 tỷ USD, tương đương hơn 45% tổng tài sản ròng của bà theo ước tính của Forbes. Toàn bộ tài sản trên sàn chứng khoán của vị nữ tỷ phú này đến từ cổ phần sở hữu tại Vietjet Air.
Cổ phiếu "hot" trên sàn chứng khoán
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VIC của Vingroup và VJC của Vietjet Air cũng đang có đà tăng rất mạnh, đẩy khối tài sản ròng của 2 tỷ phú USD biến động liên tục. Chỉ trong vài ngày, khối tài sản ròng của hai vị tỷ phú này đã tăng hàng trăm triệu USD.
Cổ phiếu VIC đang chứng kiến chuỗi ngày rực rỡ khi liên tục thiết lập đỉnh mới. Kể từ khi công ty khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ôtô tại Hải Phòng, cổ phiếu VIC đã bật tăng từ ngưỡng 42.000 đồng/cổ phiếu trong nhiều năm tăng vọt lên mốc 76.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa công ty này cũng tăng lên trên 196.500 tỷ đồng, xấp xỉ 8,66 tỷ USD.
Hiện tại, ngoài là lãnh đạo cao nhất tại "đế chế" 8,66 tỷ USD, tỷ phú Vượng còn là cổ đông cá nhân lớn nhất tại đây. CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam sở hữu 33,37% vốn Vingroup cũng là công ty liên quan tới vị tỷ phú này. Trong những báo cáo vào năm 2013-2014, ông Vượng sở hữu trên 50% vốn tại đây.
Cổ phiếu VJC của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air cũng đang tăng trưởng liên tục, hiện được giao dịch với giá 130.000 đồng/cổ phiếu, giúp vốn hóa hàng hàng không này đạt trên 58.000 tỷ đồng, tương đương 2,56 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, thị giá VJC đã tăng hơn 44%.