Nếu như thời của các danh ca thế hệ 7X trở về trước hầu hết đều phải tiến thân bằng thực lực, trải qua quá trình khổ luyện, rèn giũa bản ngã và niềm đam mê với âm nhạc mà thành danh, hiện nay, có những ngôi sao ca nhạc trẻ măng vụt sáng chỉ sau một đêm. Sức mạnh của truyền thông có thể giúp nhiều người đổi đời nhanh hơn thời trước rất nhiều, trong đó, lợi thế rất lớn nằm ở các tài năng âm nhạc và những bậc "sắc nước hương trời".
Tuy nhiên, tại Việt Nam - đất nước có dân số đứng thứ 13 trên thế giới - những tưởng là một mảnh đất màu mỡ để sinh sôi các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc và hoa hậu lại đang phải đối mặt với một thực tế: khan hiếm tài năng và thiếu hụt nhan sắc.
Tài năng âm nhạc ở đâu ra?
Khi một show truyền hình thực tế ra đời với lời tuyên bố về giải thưởng duy nhất lên đến hàng trăm triệu, nghiễm nhiên nếu chỉ có vài chục người thi, hoặc toàn các thí sinh "ao làng" cũng phải có một người đăng quang và phải thi thố đủ các vòng. Tất nhiên, đó chỉ là một ví dụ giả định, nhưng không có nghĩa là sẽ không bao giờ xảy ra.
Cuộc thi Giọng hát Việt sau một mùa giải thành công ngoài sức tưởng tượng, sang đến mùa thứ hai gần như rơi vào trạng thái... ru ngủ khán giả. Nếu như ở mùa thi đầu tiên, mỗi tập thi là một lần khán giả xôn xao bàn tán, các trang mạng được mùa "giật tít", rất nhiều thí sinh được khán giả nhớ mặt gọi tên, ở mùa thứ hai, những hiệu ứng đó gần như mất tích.
Hoàng Tôn - thí sinh nổi bật hiếm hoi tại Giọng hát Việt 2013. |
Cụ thể, nếu được hỏi những thí sinh nào nổi bật nhất Giọng hát Việt 2013, có lẽ sẽ chỉ có 4 cái tên: Nguyễn Hoàng Tôn, Cát Tường, Dương Hoàng Yến và Ngọc Trâm. Đây là những "con át chủ bài" của chương trình, hiệu ứng họ đem lại còn được thể hiện qua lượt view các tiết mục trên các kênh xem trực tuyến và các tít báo. Hiện tại, cuộc thi đã trải qua 3 vòng thi nhưng vẫn có nhiều gương mặt còn... xa lạ với khán giả.
Thế nhưng, để có được 4 cái tên đứng vững trong suốt hơn 3 tháng qua, mỗi vị HLV phải tìm cho mình 16 thí sinh bước vào vòng thi Đối đầu. Như vậy, cuộc thi phải có được ít nhất 64 giọng ca nổi trội cho đủ luật chơi. Nhưng trên thực tế, đã có trường hợp các HLV bấm nút thoáng tay cốt để có đủ đội hình thi đấu.
Cuộc thi này cũng là "cuộc hội ngộ" của nhiều thí sinh vốn đã quen mặt với khán giả trong các cuộc thi âm nhạc khác như Dương Hoàng Yến, Hà Linh, Nhật Thu, Phú Quý... Với việc đang "khan hiếm" người tài ở cả vị trí thí sinh lẫn HLV nên có thông tin cho biết, cuộc thi Giọng hát Việt sẽ tạm nghỉ trong năm 2014 và quay trở lại vào 2015. Bù lại, sẽ có một cuộc thi âm nhạc khác "thế chỗ", được đồn đại là phiên bản Việt của X-Factor.
Người chiến thắng của The Winner Is... |
Còn Giọng hát Việt nhí sau khi "bứt phá" mãnh liệt so với phiên bản người lớn, chắc chắn sẽ tiếp tục tổ chức ngay mùa thi thứ 2. Các ca sĩ nhí cũng có rất nhiều sự lựa chọn để thể hiện tài năng, giống như trường hợp của cậu bé Vũ Song Vũ - người từng "nhẵn mặt" khán giả truyền hình nhờ thành tích tại Vietnam's Got Talent, hay Trí Dũng - cậu bé đoạt giải quán quân Đồ Rê Mí.
Vietnam Idol tiếp tục tìm kiếm thần tượng âm nhạc mới. |
Vấn đề "khan hiếm nhân tài" cũng là nỗi lo chung của các cuộc thi âm nhạc khác như Sao Mai điểm hẹn, Vietnam Idol. Tuy nhiên, không dễ nản lòng trên con đường tìm kiếm tài năng âm nhạc, các nhà sản xuất tiếp tục chi mạnh tay để tổ chức mùa giải mới. Vừa kết thúc giải Sao Mai cách đây chưa lâu, Vietnam Idol cũng đã bắt đầu chiếc xe casting trên khắp mọi miền đất nước để tìm ra Idol mới sau mùa giải đã qua khá im ắng, bất chấp việc hiện tại nhà sản xuất vẫn đang "rối bù" tìm người ngồi ghế nóng.
"Loạn hoa hậu" vẫn thiếu người đẹp?
Những tưởng đã qua rồi thời "loạn hoa hậu" khi các cuộc thi nhan sắc được tổ chức lan tràn, rất nhiều nhân vật được trao danh hiệu cao quý - hoa khôi, hoa hậu mà không có đóng góp gì cho cộng đồng. Việc tổ chức liên tiếp nhiều cuộc thi chẳng những gây lãng phí tiền của, cũng không góp phần giúp Việt Nam cải thiện vị trí trên bản đồ nhan sắc thế giới.
Lại Hương Thảo lên đường thi Miss World vì là lựa chọn cuối cùng? |
Đến năm 2013, để tìm được một người dự thi Miss World, sát ngày lên đường, đơn vị đại diện có vẻ như đã "cử tạm" một... Hoa khôi Thể thao lên đường chinh chiến vì không có ai mặn mà dự thi quốc tế. Điều đó có nghĩa là tổ chức rất nhiều cuộc thi nhan sắc trong nước, nhưng vẫn không tìm được người có đủ tài sức và niềm đam mê đến với đấu trường thế giới.
Khó hiểu nhất là có nhiều cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia với những tiêu chí rất nhỏ lẻ - hoàn toàn có thể tựu chung thành một cuộc thi quy mô lớn diễn ra thường niên với tên gọi thống nhất - Hoa hậu Việt Nam. Ví dụ như cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam ra đời với mục đích thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó của 54 dân tộc anh em - rõ ràng tiêu chí này là cần thiết ở mọi cuộc thi hoa hậu. Hay một số thông điệp rất "lạ" như cuộc thi Hoa khôi Thể thao nhằm tôn vinh vẻ đẹp khỏe mạnh của người phụ nữ Việt, Nữ hoàng trang sức Việt Nam nhằm tôn vinh vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt...
Hoa hậu các dân tộc Việt Nam - Ngọc Anh sẽ không bao giờ đi thi quốc tế? |
Trên thực tế, các đại diện của Việt Nam từng đến với Miss World với đủ mọi danh hiệu khác nhau: Thụy Quân - Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh (2003), Vũ Hương Giang - Nữ hoàng trang sức (2005), Minh Thu, Kiều Khanh, Thúy Vy - á hậu Thế giới người Việt (2007), Thiên Lý - á hậu Hoàn vũ Việt Nam (2008), Hương Giang - á hậu Việt Nam toàn cầu (2009). Điều này chẳng những không gây được ấn tượng với bạn bè quốc tế về cách thức tổ chức chuyên nghiệp mà cho thấy một vấn đề là hầu hết các thí sinh của Việt Nam đi thi đều với mục đích giao lưu văn hóa và... lấp chỗ trống.
Lại Hương Thảo đi thi Miss World nhưng không có nhiều thời gian chuẩn bị. |
Khi có quá nhiều cuộc thi cùng chung mục đích diễn ra, lẽ dĩ nhiên sẽ dẫn đến tình trạng "thừa thầy thiếu thợ". Thực tế là trong dàn hoa hậu của Việt Nam đăng quang những năm gần đây, để tìm được một người muốn thi quốc tế cũng là cả một vấn đề nan giải, hoặc đi thi nhưng muốn có được thành tích cao thì lại càng vượt sức tưởng tượng.
Số lượng hay chất lượng?
Muốn có được một mùa thi tài năng âm nhạc thành công, phần lớn phụ thuộc vào yếu tố thí sinh - đó cũng được coi là niềm may mắn của nhà sản xuất. Vietnam Idol sau 2 năm tạm nghỉ kể từ mùa giải Uyên Linh đăng quang vẫn chưa tìm ra được một gương mặt nào đạt được thành tích nổi trội trong âm nhạc, hoặc có những ca khúc được công chúng đón nhận. Nhân vật nổi tiếng nhất sau mùa Idol thứ 4 có lẽ lại là cô nàng có giọng hát rất... khó nghe - Hương Giang Idol.
Xét một cách công bằng, để tìm được những nhân tố nổi trội như Uyên Linh, Văn Mai Hương là điều không hề đơn giản, đây có lẽ cũng là hai cái tên nổi trội nhất trong suốt cả 4 mùa thi đã qua. Sao Mai điểm hẹn chất lượng hơn ở chỗ đề cao tính chuyên môn, ra đời khi truyền hình thực tế chưa phát triển, vì thế trở thành bệ phóng cho rất nhiều ngôi sao ca nhạc phía Bắc, trong đó phải kể đến Tùng Dương, Ngọc Khuê, Mỹ Dung, Cao Thái Sơn...
Tùng Dương - ngôi sao bước ra từ cuộc thi âm nhạc. |
Riêng với Giọng hát Việt, sau mùa giải đầu tiên lăng xê rất thành công cả một dàn sao trẻ măng, mùa thi thứ 2 có lẽ vẫn chưa tìm được ai xứng tầm Bùi Anh Tuấn, Hương Tràm, Đinh Hương - những tên tuổi vụt sáng chỉ sau một đêm. Công thức chiêu mộ nhân tài của nhà sản xuất dù cực kỳ hấp dẫn nhưng vẫn vấp phải cái khó là... không có nhiều giọng ca đủ sức chớp lấy cơ hội đổi đời.
Còn ở khía cạnh sắc đẹp, dễ thấy khi có sự đầu tư nghiêm túc - người đẹp Việt không thua kém bạn bè quốc tế. Đó là khi Mai Phương, Nguyễn Thị Huyền, Mai Phương Thúy, Thùy Lâm "đường đường chính chính" đi thi với danh hiệu cao quý, xác định rõ mục tiêu đại diện cho nước nhà, giây phút hai chữ "Việt Nam" được tôn vinh trên đấu trường quốc tế là điều hoàn toàn xứng đáng.
Thùy Lâm là Hoa hậu Hoàn vũ duy nhất của Việt Nam và là người Việt đầu tiên đạt thành tích tại Miss Universe. |
Tiếc rằng hiện nay, các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức liên tục nhưng không có cuộc thi nào nhằm mục đích cử đại diện tranh tài với các nước bạn, các đại diện của Việt Nam luôn phải chịu rất nhiều thiệt thòi, trong khi kinh phí để họ có thể lên đường dự thi không rẻ.
Nếu chỉ tính ở sân chơi trong nước, việc có nhiều hay ít các cuộc thi là do sự đầu tư của các nhà sản xuất nhằm thu về lợi nhuận cho riêng họ. Xem xét ở góc nhìn tổng quát, chẳng có khán giả nào muốn "nghe đi nghe lại" chừng ấy giọng hát xuất hiện ở mọi cuộc thi, hoặc có quá nhiều tiếng ca nhưng chỉ một vài người đủ sức lay động khán giả. Cũng không ai muốn thấy một cô hoa hậu chưa thật xứng tầm nhưng được cử ứng thí hết cuộc chơi này đến kỳ thi khác.