Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tai nạn giao thông do rượu bia làm mất 250 tỷ đồng/ngày

Ngoài các tổn thất về người, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho hay tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia gây thiệt hại 250 tỷ đồng/ngày.

Ngày 21/7, Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia đã họp báo công bố Kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ năm 2016.

Kế hoạch này gồm 6 nội dung chính: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường năng lực thực thi pháp luật về nồng độ cồn; tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tăng cường vai trò cộng đồng và huy động kinh phí xã hội hóa; xây dựng các mô hình thí điểm.

Ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, cho biết đây là lần đầu tiên Ủy ban có kế hoạch triển khai thực hiện chuyên đề một nhóm vi phạm pháp luật giao thông đó là nồng độ cồn bằng cách huy động các bộ, ban ngành, đoàn thể vào cuộc.

Hiện, tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng gia tăng và đang ở mức báo động. Ông Khuất Việt Hùng đưa ra con số thống kê có tới 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

“Các nghiên cứu gần đây cho thấy uống rượu bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ bị hưng phấn, chạy xe với tốc độ cao. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10-30%, làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ…dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông”, ông Hùng nói.

Tai nan giao thong do bia ruou anh 1
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Bảo Lâm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ủy ban ATGT Quốc gia đã làm khảo sát 18.000 nạn nhân tai nạn giao thông trong bệnh viện các tỉnh phía Bắc. Kết quả cho thấy nạn nhân liên quan đến rượu bia chiếm 36,9% (nam giới chiếm 36,2% và nữ giới là 0,7%).

Tại Bến Tre, 6 tháng đầu năm nay có 326 trường hợp bị tai nạn giao thông vào viện, 195 trường hợp đồng ý để lấy máu kiểm tra thì 100% các trường hợp đều bị vi phạm nồng độ cồn.

Do đó, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Bộ Y tế cần có quy định để đưa ra quy định kiểm tra bắt buộc nồng độ cồn trong máu đối với các nạn nhân tai nạn giao thông khi được đưa vào bệnh viện, không cần đợi chỉ định của lực lượng cảnh sát giao thông.

Hiện việc kiểm tra nồng độ cồn với người bị tai nạn giao thông đang được thực hiện theo Thông tư liên tịch 26 giữa Bộ Y tế và Bộ Công an. Đại diện Bộ Y tế cho biết việc này đang có những vướng mắc do các cơ sở y tế còn lúng túng đợi chỉ định, yêu cầu của lực lượng công an.

“Bộ Y tế sẽ có những hướng dẫn cụ thể để thực hiện kiểm tra nồng độ cồn trong máu đối với 100% nạn nhân bị tai nạn giao thông. Các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên đều đủ trang thiết bị kỹ thuật, y - bác sĩ để thực hiện điều này”, đại diện Bộ Y tế chia sẻ.

Bên cạnh thiệt hại về số người tử vong và thân nhân nạn nhân tai nạn giao thông gánh chịu những hậu quả tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, ông Hùng cũng đưa ra con số thiệt hại về kinh tế khi thế giới mất đi 1.500 tỷ USD/năm. Con số này tại Việt Nam là 250 tỷ đồng/ngày và mỗi năm tai nạn giao thông gây thiệt hại 2,9% GDP.

Ngoài ra, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân, cơ quan chức năng cũng cần có chế tài xử phạt nghiêm đủ mức răn đe.

Tại Nghị định 46, hành vi vi phạm uống rượu bia khi tham gia giao thông bị xử phạt hành chính lên tới 18 triệu đồng. Đặc biệt, Luật Hình sự quy định mức độ vi phạm có nguy cơ làm chết người, tổn thương sức khỏe người khác thì đưa ra chế tài xử lý hình sự.

 

Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm