Tái cơ cấu nền kinh tế: Dễ thực hiện sẽ thiếu hiệu quả
Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng:"Quá trình tái cơ cấu chắc chắn đau đớn, nếu cả làng đều vui thì khó mà hiệu quả được".
Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế sau khi đưa ra bàn thảo và lấy ý kiến góp ý của Quốc hội đã có những điều chỉnh. Cơ quan soạn thảo Đề án là Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều ngày 8/10/2012, đã có buổi họp quan trọng xung quanh việc thực hiện Đề án này.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung- Viện phó Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, trước tiên cần phải định vị lại vai trò của Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. TS. Cung cho rằng Đề án Tái cơ cấu chỉ là một trong số các công cụ triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển Kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 và Phương hướng nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015 (theo Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 24/4/2012 của Chính phủ). Vì thế, Đề án chỉ là một bộ phận, một phần của kế hoạch 5 năm, chứ không thay thế cho kế hoạch này.
Nói cách khác, tái cơ cấu chỉ góp phần chứ không phải là giải pháp bảo đảm đạt được mục tiêu chiến lược về tăng trưởng kinh tế, cho dù thời gian thực hiện tương ứng với Chiến lược này.
Từ việc định vị này, TS. Cung cũng cho biết, Chương trình hành động dự kiến cũng được ban hành cùng nội dung Đề án. Theo đó, việc giao nhiệm vụ cho các bộ, ban ngành cũng được đề cập.
Bài toán cân bằng tái cơ cấu và đảm bảo tăng trưởng vẫn chưa được Đề án giải quyết hợp lý. |
Đồng ý với việc đề bài được đặt ra cho Đề án bị “bó buộc” trong bối cảnh hiện nay, thế nhưng, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nhận xét, Chương trình hành động dự kiến có vẻ “dễ thực hiện, mà thiếu hiệu quả”. Theo Thứ trưởng Sinh, việc đưa ra những câu chung chung kiểu phát triển hợp lý, hay tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước là “nói suông”. Đề án chưa nêu được những mục tiêu cụ thể như về mức độ tăng trưởng kinh tế hợp lý cho thời điểm trong và sau tái cơ cấu.
Tại Chương trình hành động dự kiến, nhiệm vụ giao cho các Bộ cũng cần có mục tiêu cụ thể, chứ không thể bao gồm toàn bộ những gì các Bộ đang triển khai. "Quá trình tái cơ cấu chắc chắn là phải đau đớn, vậy chẳng có lý gì mà vui cho được? Nếu cả làng đều vui, tức là chẳng có tác dụng gì”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bùi Tất Thắng cho rằng khi chỉ dựa trên những khung khổ có sẵn, thì Đề án không thể có gì mới. Hiện, việc xây dựng Đề án được đặt vấn đề liên quan tới kỹ thuật chứ không liên quan đến thể chế. Thế nhưng, nếu chỉ giải quyết các yếu tố liên quan đến kỹ thuật thì cũng không thể thực hiện Đề án một cách triệt để, vì Đề án tổng thể có tầm bao phủ rất rộng và động đến đâu cũng thấy “vướng”.
Về Chương trình hành động dự kiến, vị viện trưởng này thẳng thắn, nếu cách chia việc vẫn theo lôgic cũ, và “các Bộ vẫn cười” thì chắc chắn không thể thực hiện được Đề án như kỳ vọng của rất nhiều người.
Đã thực sự đột phá?
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, nội dung Đề án chưa thực sự có điểm đột phá, mới dừng ở khung chung mà chưa có gì cụ thể.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng chỉ ra rằng, hiện nay đang có xu thế luật chuyên ngành “chèn ép” luật chung. Chính do có quá nhiều luật chuyên ngành nên dẫn đến một vấn đề, hay một lĩnh vực có thể bị điều chỉnh bởi rất nhiều luật khác nhau, dẫn đến sự chồng chéo, khó dẫn chiếu khi thực hiện luật trong cuộc sống. Để xử lý vấn đề này, ông Hoàng cho rằng, cần phải sử dụng một luật để sửa nhiều luật.
Theo Đề án, các dự án đầu tư xây dựng công trình sẽ được chia thành 3 loại: Dự án cấp quốc gia, Dự án cấp vùng, Dự án cấp địa phương để có cơ chế quản lý phù hợp.
“Chúng ta đã hỗ trợ quá nhiều trong khi nguồn lực hạn chế. Liệu chúng ta có dám dừng hết các dự án địa phương để tập trung nguồn lực cho dự án quốc gia không?”, một đại biểu đặt câu hỏi.
Đặt vấn đề có dám từ bỏ những gì đang có, hy sinh cả sự tăng trưởng cùng sự ổn định để thay đổi và phát triển, TS. Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ tổng hợp kinh tế quốc dân cho rằng, cần có đánh giá những chính sách đang làm méo mó cơ cấu kinh tế của đất nước.
Phải thổi sức sống mới cho Đề án
Tại buổi họp, Vụ trưởng Vụ quản lý các Khu kinh tế, Vũ Đại Thắng cho hay, để thực hiện hóa Đề án này, cần phải trả lời 4 câu hỏi, về thời gian, nguồn lực, cơ quan triển khai và tính đồng bộ
Để tăng tính đồng thuận và khả năng hiện thực hóa thành công Đề án, ông đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư đứng ra làm thí điểm tái cơ cấu đầu tư công. “Bộ đã nghĩ, đã viết, thì cần phải làm, phải hành động. Khi đã có thực tiễn thì chắc chắn sẽ có được sự đồng thuận và ủng hộ cao”, ông Thắng khẳng định.
Nhấn mạnh rằng, Đề án này như một cuộc đổi mới lần thứ hai, PGS, TS. Bùi Tất Thắng cho rằng, việc thực hiện Đề án không thể giao cho một hay một vài bộ triển khai mà cần một cấp rất cao trực tiếp chỉ đạo thực hiện. “Phải thay đổi cách làm luật, cần tái cơ cấu cách làm luật, cũng như phải có một hệ thống riêng để xây dựng luật mới giải quyết được các nút thắt”, ông Thắng nói.
Đồng tình với viện trưởng Thắng, PGS, TS. Đào Văn Hùng (Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển) cho rằng, không thể giao nhiệm vụ cho từng bộ để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, mà phải có một ủy ban đặc biệt do trực tiếp Thủ tướng làm trưởng ban thì mới có thể triển khai được.
Về chi phí để thực hiện Đề án, ông Hùng lưu ý, Chính phủ có cơ chế, chính sách để khuyến khích khu vực này, hạn chế khu vực khác, nên để thực hiện thành công tái cơ cấu, Chính phủ cần sự hỗ trợ rất lớn từ bên ngoài.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh yêu cầu nhóm tác giả Đề án phải thổi sức sống mới cho Đề án. Để Đề án có thể thay đổi, biến đổi đất nước cần phải có trí tuệ của tập thể và phải được chuẩn bị rất công phu. Ông cho rằng, việc cần làm ngay là phải xác định rõ mục tiêu tái cấu trúc, cũng như cần chỉ ra một cách sâu sắc các nguyên nhân dẫn đến yếu kém hiện nay, đặc biệt là vấn đề thể chế.
Bộ trưởng cũng yêu cầu ban soạn thảo phải chọn và đưa ra được những giải pháp thật cụ thể, có hiệu quả chứ không chung chung như Đề án cũ.
Theo Cafef/TTVN