'Tái cơ cấu' đề án... tái cơ cấu nền kinh tế
Ngày 5/4, tại phiên khai mạc Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2013 tại Nha Trang, nhiều chuyên gia đã lo ngại kinh tế VN sẽ khó khăn nếu thiếu những giải pháp hiệu quả và quyết liệt hơn nữa.
Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước - phát biểu tại diễn đàn. |
Trong báo cáo mở đầu, theo “đơn đặt hàng” của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế VN - cho rằng trong các bài viết, các bài nói về kinh tế trên các diễn đàn, hai từ được dùng với tần số cao nhất là “nghiêm trọng” và “quyết liệt” - dù khác nhau về nội dung diễn đạt nhưng cũng chỉ phản ánh duy nhất một điều: Tình thế khó khăn hơn của nền kinh tế, đến độ gay gắt mà chưa hề phản ánh tính chất quyết liệt của hành động cải cách thực tế...
Trấn an chứ chưa hành động
Theo TS Trần Đình Thiên, suốt mấy năm qua, luận điểm thường được cả các nhà kinh tế lẫn các nhà hoạch định chính sách nhắc đi nhắc lại “khủng hoảng là cơ hội của cải cách” dường như đã trở thành một khẩu hiệu thuần túy cổ động, để “trấn an” hơn là một khẩu hiệu hành động.
Trong năm 2012, kinh tế VN đạt tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Thế nhưng theo ông Thiên, đây cũng là năm nợ xấu tăng 64% so với năm 2011 và tại thời điểm cuối năm 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn ghi nhận xu hướng tiếp tục gia tăng nợ xấu...
Trong khi đó, chính sách lãi suất những năm gần đây được điều hành chủ yếu bằng mệnh lệnh của NHNN, thay vì sử dụng các công cụ thị trường. Cơ chế điều hành là “áp đặt” lãi suất huy động trong khi để “tùy định” lãi suất cho vay. Sử dụng quyền được quyết định “trần lãi suất huy động”, NHNN luôn chủ động hạ giảm lãi suất huy động xuống mạnh hơn và nhanh hơn lãi suất tín dụng...
Dựa vào một lý lẽ có vẻ như rất khó bắt bẻ về mặt nguyên tắc, muốn hạ lãi suất cho vay thì trước hết phải hạ lãi suất huy động, nhưng thực tế duy trì “độ trễ” của việc giảm lãi suất cho vay so với giảm lãi suất huy động trong suốt một thời gian dài. Hậu quả là trong khi các doanh nghiệp cần được “cấp cứu”, thậm chí đóng cửa thì ngân hàng vẫn không muốn chia sẻ một phần lợi ích mình thu được với doanh nghiệp.
TS Nguyễn Đình Cung - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho rằng hai từ mà trong thời gian qua cũng được sử dụng rất nhiều, đó là từ “thu” và từ “phạt”. Theo ông Cung: “Phạt đủ thứ với đủ cách và làm như thế có nguy cơ rất lớn là đẩy nền kinh tế VN thành nền kinh tế chi phí cao, dẫn đến tình trạng nền kinh tế không cạnh tranh được”...
Xây dựng chương trình kinh tế 3 năm phục hồi
Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm và nếu mục tiêu cổ phần hóa là huy động vốn thì không hi vọng nhiều trong các năm tiếp theo. Nhiều giải pháp đã thực thi trong lĩnh vực “tái cơ cấu” này, theo ông Cung, về cơ bản chỉ xử lý vấn đề “ngọn”, không phải vấn đề “gốc”. Cách làm vẫn là “Nhà nước dẫn dắt”, “quan chức nhà nước dẫn dắt” vì lợi ích của một nhóm doanh nghiệp chứ không phải của toàn nền kinh tế.
Khi đề cập “đề án tái cơ cấu”, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng đó là cách làm theo quy trình ngược, “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Bởi khi xây dựng các đề án “tái cấu trúc” ngân hàng, tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước ra đời trước rồi mới làm đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.
Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên thống đốc NHNN đề nghị “nên làm lại đề án tái cơ cấu”, bởi “thà đừng làm còn hơn càng làm càng xuống dốc”... Tại buổi thảo luận, TS Trần Du Lịch cho rằng cần xây dựng “Chương trình kinh tế ba năm phục hồi” chứ bây giờ cứ bám theo kế hoạch năm năm đã xây dựng có khi làm không được...
Cũng phát biểu tại buổi thảo luận, bà Victoria Kwakwa, giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN, cho rằng một trong những biện pháp mà VN cần thực thi đó là công khai, minh bạch nhiều chính sách, định chế liên quan đến nền kinh tế, doanh nghiệp và quan tâm đến các đối tượng bị tác động bởi các chính sách được ban hành...
Theo Tuổi Trẻ