Ngày 10/3, tại ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (Hà Nội), hàng trăm sinh viên đã có dịp được trò chuyện trực tiếp với nhà văn Nhật Bản nổi tiếng Takahashi Genichiro - tác giả của tiểu thuyết Vĩnh biệt, các gangster - tác phẩm từng đạt giải thưởng văn học Gunzo.
Nhà văn Nhật Bản nổi tiếng Takahashi Genichiro. |
Nhà văn Takahashi Genichiro sinh tại Onomichi, quận Hiroshima, Nhật Bản. Ông từng theo học tại khoa Kinh tế của đại học Quốc gia Yokohama nhưng chưa tốt nghiệp. Là một sinh viên có tư tưởng tiến bộ, ông đã bị bắt và trải qua nửa năm trong tù. Điều đó khiến cho ông mắc phải chứng bệnh mất khả năng ngôn ngữ.
Bác sĩ khuyên Takahashi nên bắt đầu viết lách để hồi phục khả năng ngôn ngữ của mình. Chính trong thời gian này ông đã bắt đầu sự nghiệp văn chương và cho ra đời tiểu thuyết đầu tay Sayonara, gyangutachi (Vĩnh biệt, các gangster) vào năm 1982.
Vĩnh biệt, các gangster là một khám phá về hình thức biểu hiện, với văn xuôi được trình bày bằng thơ, sơ đồ, tranh, và cách thổi giai điệu vào kích cỡ của từng chương sách. |
Giới phê bình đã ca ngợi cuốn sách như là một trong những tác phẩm quan trọng của văn học Nhật Bản thời hậu chiến. Tác phẩm đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, Ý, Brazil và Bồ Đào Nha. Bản dịch tiếng Việt mới được xuất bản vào năm 2013. Takahashi Genichiro còn được biết đến với các bài tiểu luận đề cập đến nhiều chủ đề phê bình văn học.
Các cuốn sách của ông được đánh giá rất cao và nhận được nhiều giải thưởng lớn như giải Mishima Yukio năm 1988, Itoh Sei... Năm 2012, Takahashi Genichiro đã giành được giải thưởng Tanizaki danh giá bậc nhất cho cuốn tiểu thuyết Tạm biệt, christopher Robin.
Dù chưa từng tốt nghiệp đại học, nhưng với tài năng văn chương, tháng 4/2005, ông đã được mời làm giảng viên khoa Quốc tế, ĐH học Meiji.
Tại buổi giao lưu, Takahashi còn đề cập đến lịch sử phát triển của văn học Nhật Bản trong suốt 100 năm. Ông cho rằng hai nước Việt Nam và Nhật Bản đều có sự giống nhau khi cùng chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.
Ông chia sẻ: “Thế hệ nhà văn chúng tôi được coi là thế hệ đoạn tuyệt với quá khứ cùng những ảnh hưởng rộng lớn của văn hóa Trung Quốc. Trách nhiệm của chúng tôi là hướng về văn học Phương Tây, với độc giả chủ yếu là những người trẻ từ 20-30 tuổi”.