Sau 7 năm vẽ tranh, Huỳnh Thái Ngọc (27 tuổi), người sáng tạo nhân vật Thỏ Bảy Màu, quyết định rẽ sang hướng đi mới để đứa con tinh thần đến được với nhiều đối tượng khán giả hơn.
_____
Năm 20 tuổi, tôi phát hiện bản thân thích vẽ và thường xuyên luyện vẽ một cách vô thức.
Ở trên tường nhà, bàn học, tập vở... bất cứ thứ gì tôi chạm tới đều có những nét vẽ tùy hứng, ngây ngô.
Tôi xin ba mua cho chiếc bảng vẽ, tối ngày mày mò, gò nét với mong muốn tạo ra một nhân vật hư cấu đơn giản, đáng yêu cho riêng mình.
Sau nhiều lần thử, một chú thỏ trắng ngờ nghệch, biểu cảm đáng thương ra đời. Hàng chữ "Muốn bùng cháy" nhằm thể hiện cảm xúc riêng qua nhân vật này.
Khi đăng tải bức vẽ lên mạng, tôi không ngờ chú thỏ ấy lại đem đến hiệu ứng lớn tới vậy. Chỉ qua một đêm, bài đăng đó nhận được hàng trăm lượt thích, chia sẻ.
"Ồ, nhiều tương tác quá trời. Mình muốn tiếp tục vẽ về chú thỏ này và chia sẻ với mọi người", tôi ở tuổi 20 suy nghĩ đơn giản như vậy đấy!
Tôi tự nhận mình là người ít nói, nhưng trong đầu luôn tưởng tượng, tò mò với đủ thứ chuyện trên đời. Ngại bị phán xét, tôi mong muốn dùng Thỏ Bảy Màu để biểu đạt, giải tỏa nỗi lòng.
Những ngày sau đó, tôi liên tục cho ra đời những bức vẽ xoay quanh chú thỏ. Những suy tư ngốc nghếch, có phần "chát chúa" được truyền tải tới độc giả qua nét mặt "ngây thơ vô số tội" của đứa con tinh thần.
Bắt đầu cầm bút vẽ từ năm 2014 nhưng phải tới một năm sau, tôi mới có bước ngoặt đầu tiên trong sự nghiệp. Một công ty game tìm đến và muốn tôi dùng Thỏ Bảy Màu để quảng cáo cho sản phẩm của họ.
Dẫu nhiều năm trôi qua, cảm giác phấn khích, háo hức khi lần đầu được đối tác quan tâm vẫn khiến tôi nhớ mãi không quên.
Đó là lần đầu tôi nhận ra có cả một hệ thống khổng lồ đằng sau mỗi chiến dịch quảng cáo. Tôi dần tiếp xúc với khái niệm agency, client, influencer hay KOL, tìm hiểu cách thức làm việc với các đối tác truyền thông.
Từ những bức vẽ vui thông thường, tôi dần đưa Thỏ vào những câu chuyện có nội dung, lồng ghép nhãn hàng, tạo ra các nhân vật mới để chúng tương tác với nhau nhằm làm nổi bật ý đồ mà tôi hoặc nhãn hàng muốn truyền tải.
Khi làm việc, tôi luôn giữ quy tắc không để đối tác can thiệp, thay đổi tính cách nhân vật. Điều này là một trong nhiều yếu tố giữ cho nhân vật hư cấu giữ nét đặc trưng, không bị lẫn lộn với bất kỳ ai và chiếm trọn lòng tin của khán giả.
Bước ngoặt thứ 2 khiến tôi có thêm niềm tin, động lực bám nghề tới tận bây giờ cũng diễn ra vào năm 2015, khi cuốn sách đầu tay Thỏ Bảy Màu – Timeline Của Tui Có Gì? được ra mắt.
Lúc đó, thị trường comic ngắn (truyện tranh ngắn) ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, công việc tôi đang làm chưa có chức danh. Đã có lúc tôi cảm thấy hụt hẫng, tự hỏi việc mình làm có đem lại giá trị không, hay chỉ dừng lại ở những bức vẽ gây cười trên mạng.
Việc trở thành tác giả sách nhắc nhở tôi rằng những giá trị mình mang lại không chỉ nằm trên thế giới ảo mà còn có thể lan tỏa tới cuộc sống thực, định hình lại vai trò influencer của mình.
Tôi tiếp tục vẽ, nỗ lực hoàn thiện Thỏ Bảy màu và thế giới của nó sao cho đáng yêu hơn, tròn trịa hơn, hoàn chỉnh hơn để có thể xuất hiện trên nhiều sản phẩm khác nhau và thống nhất về mặt hình ảnh.
Đầu năm nay, tôi thành lập studio cùng 8 thành viên khác, tập trung sản xuất video viral và hoạt hình ngắn xoay quanh thế giới Thỏ Bảy Màu.
Nhờ thành công mà quảng cáo dưới dạng hoạt hình đầu tiên đem lại, tôi nhận ra rằng đây sẽ là hướng đi tiềm năng cho Thỏ trong tương lai. Giờ, khi thị trường sáng tạo nhân vật hư cấu dần bão hòa, chúng tôi bắt đầu dồn sức vào lĩnh vực ấy.
Làm hoạt hình vất vả hơn vẽ truyện rất nhiều. Nếu chỉ cần 15-30 phút để "xuất xưởng" một chú thỏ nhí nhố, việc đưa nhân vật này lên màn ảnh có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí cả tháng, kéo theo chi phí sản xuất và đòi hỏi sự phối hợp của nhiều người.
Song, tôi cảm thấy hào hứng hơn, có nhiều động lực hơn khi dấn thân vào một lĩnh vực mới. Tham vọng của tôi là cho ra mắt một series hoạt hình thuần Việt, lấy Thỏ Bảy Màu làm trung tâm để chứng minh rằng văn hóa nước ta độc đáo, thú vị thế nào.
Sau 7 năm vẽ truyện, tôi cảm thấy mình là một người vừa may mắn, vừa hội tụ đủ yếu tố để theo nghề lâu tới vậy. May mắn vì luôn được công chúng ủng hộ; đủ sức sáng tạo, tâm huyết và khả năng để vẽ và làm nội dung.
Từng có người hỏi tôi: "Không ngừng hoàn thiện Thỏ, sáng tạo nội dung mới, tìm tòi ý tưởng như vậy có áp lực không?". Thực ra, tôi không thấy vậy.
Có lẽ do bản tính ít nói, tôi dồn sự tò mò, trăn trở của mình vào các bức vẽ nhiều hơn. Trong đầu tôi luôn nảy ra nội dung nhờ quan sát cuộc sống dưới nhiều góc độ khác nhau.
Tất nhiên, ai cũng có lúc "cạn ý tưởng", nhưng không vì vậy mà tôi thúc ép bản thân hay "đạo content" của người khác. Với tôi, điều quan trọng khi sáng tạo không phải là giữ mình không bị đuối, mà là nhận ra lúc nào mình rơi vào tình trạng này.
Khi đó, tôi chọn cách dừng vẽ, ra ngoài gặp gỡ bạn bè hoặc đi dạo một mình để nạp năng lượng. Như vậy, tôi mới có thể chạy bền cùng Thỏ được.