Đây cũng là quyển sách thiết thực trong thời điểm này.
Bạn đọc của trang Soi.today và Ăn gì cho không độc hại đều trông đợi cuốn sách tiếp theo của Pha Lê. Nhiều người kỳ vọng một cuốn sách nấu ăn với các kiểu “công thức” hoành tráng, nhưng tác giả quyết: “Không thể nhào vô viết ngay bộ tác phẩm với lùng nhùng đủ loại như vậy. Làm gì cũng phải dựa trên sự hiểu biết. Và muốn nấu bất cứ món nào, từ đơn giản tới phức tạp, trước tiên phải hiểu và cái bếp đã”.
Quyển sách mới nhất của Pha Lê – Tẩy độc bếp. |
Pha Lê chọn chủ đề bếp và bắt đầu viết từ những điều cơ bản nhất: phân biệt lợi - hại của các loại bếp như bếp củi, bếp ga, bếp ngoài trời hay bếp điện từ; chất liệu đúc nồi nào là an toàn cho sức khỏe, nồi nào sẽ giúp kho thịt cá ngon, nếu mua phải nồi có chất liệu không tốt thì dùng sao cho nó bớt hại; thế nào là tương lên men tự nhiên, đến chuyện muối hồng đào từ mỏ sâu trong lòng đất khác gì muối biển lấy từ biển, mắm cá dãnh khác gì mắm cá cơm...
Khi hiểu rõ hơn về những thứ “cần có trong gian bếp của bạn” trong ma trận những nội dung quảng cáo, bạn biết cái gì thực sự cần thiết, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mỗi người và tốt cho sức khỏe, cái gì đã bị thổi phồng về công năng, tác dụng.
Những đồ dùng quen thuộc trong căn bếp được tái hiện trong sách. |
Món ăn được vẽ sinh động. |
Thực phẩm được sử dụng hàng ngày trong gian bếp. |
Hình vẽ minh họa trong sách vô cùng đáng yêu. |
Không chỉ là chuyện sử dụng căn bếp sao cho khỏe, mà còn là cách sống hòa thuận với chính căn bếp của mình, học cách từ tốn đọc hiểu từng con dao, cái chảo, cái bếp, từng loại gia vị nêm nếm...
Yêu quý từ người trồng rau đến nghệ nhân ủ loại tương mình đang dùng cũng hay lắm, vừa tăng hiểu biết vừa an tâm nấu ăn. Vì nấu ăn phải vui, phải thoải mái, biết mình cần gì và bao nhiêu là đủ, vì nếu chỉ lo căng thẳng nhồi nhét kiến thức thì “hư bột hư đường” mất rồi!
Bạn đọc Thanh Thuy thích thú với quyển sách và chủ động giới thiệu đến bạn bè: “Tẩy độc bếp cần cho những người sắp có bếp riêng: mua nồi nào, bếp gì, dao ra sao, kéo kiểu gì, thớt thế nào; nhà đông người, người phải nấu là người thích bếp núc cần combo khác với nhà ít người; nhà ít người lại toàn những người có thú vui khác với thú vui bếp núc thì nên có tối thiểu những gì và kết hợp, chăm sóc chúng ra sao.
Tẩy độc bếp, đương nhiên, cần cho các cái bếp cũ, đã đến lúc tẩy độc vì quá nhiều thứ (mà có khi chả dùng đến mấy), quá lộn xộn, quá không hợp lý trong sắp xếp...
Tẩy độc bếp còn cần cho những người nấu theo thói quen, hoặc học lỏm, hoặc bắt chước, hoặc nghe nói, giờ sẽ được thuyết phục cách làm đúng, có căn cứ khoa học, lại hợp lý về sắp xếp thời gian và công sức”.
Nét vẽ chân dung tác giả Pha Lê. |
Vẫn là chất riêng của Pha Lê - một cây bút ẩm thực cá tính với giọng văn hài hước, “độc nhất vô nhị” và thông tin luôn được sắp xếp khoa học, dễ hiểu. Với những câu chuyện đời thường, chia sẻ trải nghiệm, tâm huyết của một người đam mê ẩm thực, "cả núi kiến thức" về bếp núc trở nên gần gũi hơn bao giờ hết.
Trong sách còn có một danh sách thực phẩm sạch để ủng hộ người nông dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh.