Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tác giả 'Khúc thụy du' qua đời ở tuổi 77

Theo thông tin từ gia đình, nhà thơ Du Tử Lê qua đời tại nhà riêng ở Mỹ vào tối ngày 7/10, hưởng thọ 77 tuổi.

Du Tử Lê là một trong những nhà thơ được yêu mến ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ đất nước có nhiều biến động. Ông tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Hà Nam. Sau năm 1954, ông theo gia đình di cư vào Nam, theo học trường Chu Văn An, trường Trần Lực và trường Đại học Văn hóa Sài Gòn. Ông tu nghiệp báo chí tại thành phố Indianapolis, bang Indiana (1969) và định cư tại Mỹ từ năm 1975.

Du Tử Lê là tác giả của 70 tập thơ và văn xuôi với nhiều bài thơ nổi tiếng đã trở nên quen thuộc với độc giả như: Khúc thụy du, Khúc tháng hai, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển, Khúc tháng chín, Một bài thơ nhỏ...

Nha tho Du Tu Le qua doi anh 1
Nhà thơ Du Tử Lê. 

Trong suốt thập niên 1980-1990, thơ Du Tử Lê xuất hiện trên các tờ báo nổi tiếng như: Los Angeles Times và New York Times. Nhiều bài thơ được dịch trong tuyển tập Understanding Vietnam (sách giáo khoa về văn học Việt Nam cho nhiều đại học tại Âu châu). Du Tử Lê cũng là một trong sáu nhà thơ Việt nam thế kỷ 20 có thơ được dịch trong tuyển tập World Poetry - An Anthology of Verse from Antiquity to Our Times (W.W.Norton New York, 1998). 

Ba tác phẩm gần đây nhất của Du Tử Lê được in tại Việt Nam là: Khúc thụy du, Giữ đời cho nhau Chúng ta những con đường. Nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc như: Đêm nhớ trăng Sài Gòn, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển (nhạc sĩ Phạm Đình Chương), Khúc thụy du (nhạc sĩ Anh Bằng), Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau (nhạc sĩ Phạm Duy)...

Nha tho Du Tu Le qua doi anh 2
Một số tác phẩm của nhà thơ Du Tử Lê được phát hành tại Việt Nam. 

Du Tử Lê, cùng với Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn, Tô Thùy Yên... tạo ra một không gian lãng mạn, khí khái, nhân văn, giàu suy tưởng đặc thù của khí hậu văn chương miền Nam của một thời kỳ đất nước nhiều biến động. Nhà thơ Du Tử Lê là một phần không thể không nhắc đến trong vốn văn chương dân tộc.

Một đoạn đối thoại nhỏ giữa nhà thơ và một bạn văn đã được ghi lại trong lời đề tựa của tập thơ Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển:
- Khi viết, ông có nghĩ tới người sẽ đọc thơ ông không?
- Hoàn toàn không.
- Vậy ông nghĩ gì khi làm thơ?
- Tôi chẳng nghĩ gì cả. Một tứ thơ chợt đến, và tôi cầm lấy bút.



Thu Hoài

Bạn có thể quan tâm