Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương cho gia đình, anh em, bạn bè. Văn đàn Việt Nam giờ đây lại vắng bóng một gương mặt tài năng, ưu tú.
Trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình, nhà văn Anh Đức không viết quá nhiều nhưng những tác phẩm của ông đều để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi chất trữ tình, thấm đẫm tình đất, tình người miền Nam. Nhiều nữ nhân vật trong tác phẩm của Anh Đức như chị Sứ (Hòn Đất), chị Tư Hậu (Một chuyện chép ở bệnh viện)... để lại ấn tượng không phai mờ trong lòng người đọc nhiều thế hệ.
Nhà văn Anh Đức khi còn trẻ. |
Anh Đức - Cây bút trữ tình tiêu biểu
Nhà văn Anh Đức tên thật là Bùi Đức Ái, sinh ngày 5/5/1935, quê ông ở xã Bình Hòa, tỉnh Long Xuyên, nay là tỉnh An Giang. Ngay từ năm 13 tuổi, ông đã tham gia công tác tại các tạp chí Lá lúa, Văn nghệ miền Nam.
Từ năm 1952 ông làm phóng viên báo Cứu quốc Nam Bộ, sau đó ông tập kết ra Bắc và về công tác ở phòng văn học tại Đài tiếng nói Việt Nam. Năm 1957, ông về làm việc ở Hội Nhà văn Việt Nam cho đến năm 1962, ông trở về miền Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ. Bút danh Anh Đức cũng ra đời từ đó. Ông từng là Ủy viên thường vụ của Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Anh Đức có nhiều tác phẩm tiêu biểu như Biển động (1952); Lão anh hùng dưới hầm bí mật (1956); Một chuyện chép ở bệnh viện (1958), được lấy làm kịch bản cho phim truyện Chị Tư Hậu (1962); Biển xa(1960); Bức thư Cà Mau (1965); Hòn Đất (1966), tác phẩm này được lấy làm kịch bản cho phim truyện Hòn Đất (1983); Giấc mơ ông lão vườn chim (1970)...
Ông đã được trao giải Nhất truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ (1958), Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965). Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật...
Nhà văn Anh Đức được đánh giá là một trong những cây bút khá tiêu biểu cho dòng trữ tình, cho một kiểu văn xuôi giàu chất thơ. Ông sở trường về truyện ngắn, ký. Dưới ngòi bút của Anh Đức, nhân vật của ông đều là những con người dạt dào tình cảm cách mạng với những hành động cách mạng rất sinh động, chân thực. Quan trọng hơn cả là qua những tác phẩm của mình ông đã xây dựng được một số tính cách Nam Bộ, thành công nhất là hình ảnh người phụ nữ và người nông dân.
Với các nữ nhân vật, ông khắc họa hình ảnh họ kiên cường, bất khuất trong chiến đấu, giàu tình yêu thương, đảm đang, trung hậu trong đời sống. Nhân vật nữ được tác giả chăm chút nhiều hơn cả có lẽ là chị Sứ, nhân vật chính trong tiểu thuyết Hòn Đất.
Các tác phẩm kýcủa Anh Đức tập trung phản ánh cuộc chiến đấu, sinh hoạt của nhân dân miền Nam, lên án mạnh mẽ tội ác của kẻ thù. Trong nhiều bài ký, ông vận dụng lối kể chuyện và miêu tả kết hợp với mô tả chính luận, với những liên hệ trữ tình. Sự kết hợp đó làm cho câu chuyện và hình ảnh con người trong ký của Anh Đức trở nên sinh động trong mắt người đọc...
"Hòn Đất" - tiểu thuyết đầu tiên của nền văn học chống Mỹ
Sinh thời, nhà văn Anh Đức tâm niệm: "Điều quan trọng với tôi là phải khắc họa cho được tính cách nhân vật. Điều quan trọng nhất đời văn, theo tôi, là phải cố khắc họa cho được nhân vật, để lại được nhân vật trong lòng người đọc với độ bền thời gian." Và quả thật, những nhân vật trong tác phẩm của ông đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng độc giả nhiều thế hệ, đặc biệt là nhân vật chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất.
Hòn Đất là tiểu thuyết đầu tiên của nền văn học chống Mỹ, ở vùng giải phóng miền Nam, tác phẩm đã phản ảnh kịp thời hiện thực cách mạng miền Nam trong giai đoạn chiến tranh đặc biệt. Tác giả vừa nêu được những phẩm chất tiêu biểu của người chiến sĩ giải phóng miền Nam, vừa mô tả được tính cách của con người Nam Bộ: nghĩa khí, bộc trực, nhân ái...
Ông bắt đầu viết tiểu thuyết Hòn Đất tại Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam đóng giữa những cánh rừng già thuộc Đông Nam Bộ vào cuối năm 1964, khi đó ông còn rất trẻ, mới 29 tuổi. Sang đầu năm 1965 thì ông viết xong và gửi ra Hà Nội, Nhà xuất bản Văn học xuất bản đầu tiên năm 1966.
Tác phẩm này cùng tập truyện và bút ký Bức thư Cà Mau của ông đã được tặng Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu. Hòn Đất cũng đã được dịch và xuất bản ra nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Espéranto, Tây Ban Nha, Nga, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản...
"Hòn Đất" là câu chuyện về một trận đánh trong hàng ngàn trận đánh xảy ra trên chiến trường miền Nam trong giai đoạn sau đồng khởi, Mỹ tiến hành chiến tranh đặc biệt. Cuộc chống cự diễn ra trong hang Hòn Đất và ngoài xóm, trong thế chênh lệch: bên ta có mười mấy người bị vây trong hang với vũ khí thô sơ, cũ kỹ, còn phía Mỹ-ngụy tới gần 2.000 quân với vũ khí tối tân.
Nói về lý do chọn trận đánh có thật xảy ra tại Hòn Đất-Kiên Giang vào cuối 1962 để viết thành một tiểu thuyết có cùng tên với địa danh ấy, nhà văn Anh Đức đã từng viết: Trước hết là do bản thân câu chuyện tựa như là cả miền Nam chiến đấu được thu nhỏ, có tính tiêu biểu - có khả năng từ cái tiêu biểu mà khái quát hóa, thể hiện ở các mặt: tinh thần quân dân đoàn kết chiến đấu bất khuất dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, vận dụng phối hợp ba mũi giáp công, lực lượng đôi bên chênh lệch. Và điều quan trọng hơn cả là viết ra câu chuyện này như gióng lên tiếng chuông báo trước: chiến tranh đặc biệt nói riêng và chiến tranh xâm lược nói chung bất kể dưới hình thức nào do Mỹ tiến hành sẽ thất bại.
Ngoài ra, về mặt dựng truyện, ông cũng nhấn mạnh rằng: một yếu tố khiến ông tin tưởng là ngay từ trong chuyện đã xuất hiện một người con gái, đã sống và đã chết như một nữ anh hùng. Đó là chị Phan Thị Ràng, mà trong tiểu thuyết ông đặt tên là Sứ. Việc có được và hình thành vun đắp ra được một nhân vật phụ nữ như thế, từ lâu trong đời viết của ông là một niềm khao khát, muốn khắc họa. Đó là sự quen thuộc, gần gũi như trước đó ông đã từng khắc họa chị Tư Hậu trong Một chuyện chép ở bệnh viện.
Nhà văn Anh Đức cũng đã khẳng định Hòn Đất là một tiểu thuyết viết về cuộc chiến đấu mà cũng là một tiểu thuyết về một đời người con gái. Ông đã rút ra từ nhiều mẫu người con gái miền Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang để đúc lại thành một người. Đó là chị Sứ. Ông thật sung sướng, tự hào về một chị Sứ trong Hòn Đất ông đã xây dựng nên từ một nguyên mẫu đã trở thành nhân vật văn học để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc gần xa.
Ông cũng hy vọng hình tượng chị Sứ sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc, qua các thế hệ, nhất là đối với các em gái nhỏ sắp lớn lên thành những người con gái trên xứ sở xanh tươi yên bình hôm nay - đất nước đã thấm bao xương máu của những người cô, người dì như chị Sứ...
Xúc động tiễn biệt ông, nhà văn Anh Đức - nhà văn của tình đất, tình người miền Nam./.