Tắc đường trên 'nóc nhà thế giới'
Ngày 29/5 đánh dấu tròn 6 thập kỷ con người chinh phục Everest. Từ đó tới nay đã có vô số nhà leo núi tìm tới đây, đông tới mức gây tắc đường trên đỉnh núi.
Tháng 5/1953, Edmund Hillary và Tenzing Norgay đã đứng một mình trên đỉnh thế giới, sau khi họ chinh phục thành công Everest. Nhưng ngày hôm nay điểm họ từng đứng đã không còn hẻo lánh nữa.
Thi nhau lên Everest
Nhờ sự tiến bộ vượt bậc của các thiết bị hỗ trợ leo núi và nỗ lực không mệt mỏi của các Sherpa dẫn đường, ngày càng nhiều người leo núi lên đỉnh Everest, một kỳ tích từng bị xem là không thể đạt được.
Theo Hội địa lý Quốc gia Mỹ, trong năm 1990, chỉ có 18% nỗ lực lên đỉnh Everest là thành công. Tới năm 2012, con số đã nhảy vọt lên mức 56%. Tuy nhiên, việc này diễn ra có giá của nó. Các nhà phê bình nói rằng Everest đang ngày càng đông người, giống như một xa lộ vào các dịp nghỉ lễ cuối tuần.
Các nhà leo núi chờ tới lượt mình lên đỉnh Everest. |
Một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do tiến bộ trong dự báo thời tiết đã khiến các nhà leo núi sắp xếp thời gian đi chinh phục Everest trùng thời điểm với nhau mỗi năm, khiến tình hình tắc đường trở nên nghiêm trọng.
Năm 2012, người ta từng chứng kiến tới 234 người leo núi lên đỉnh Everest trong một ngày. Để so sánh, vào năm 1983, số người lên đỉnh cùng một ngày chỉ là 8 người. Tới năm 1993, con số này cũng chỉ tăng lên có 40 người.
Năm nay, số lượng các nhà leo núi muốn chinh phục Everest đã đông tới mức nhiều người phàn nàn rằng họ phải chờ tới 2 tiếng rưỡi tại các nút tắc đường, trong hành trình lên đỉnh. Trước đó một năm, nhà leo núi người Đức Ralf Dujmovits cũng chụp được một bức ảnh cho thấy hàng trăm người đang xếp hàng chờ lên đỉnh Everest và gây tranh cãi về việc liệu có phải những vụ tắc đường như thế đang phá hủy niềm vui leo núi.
Thương mại hóa niềm đam mê
"Chỗ nào cũng có người" - Ayisha Jessa, 31 tuổi, một người đam mê leo núi sống ở London mới ghé thăm trại căn cứ Everest cho biết. Cô kể rằng làng Namachi nằm gần chân Everest đã gần như bị thương mại hóa. Tất cả mọi thứ ở đây đều là để chuẩn bị cho các du khách phương Tây.
Sự thay đổi của dân bản địa có lỗi lớn từ các nhà leo núi nước ngoài. Những người phương Tây giàu có thường bỏ ra số tiền từ 10.000-100.000 USD để xin giấy phép leo núi ở Nepal và thuê mướn những người dẫn đường tháp tùng họ. Một ngành công nghiệp du lịch leo núi quy mô lớn vì thế đã hình thành quanh chân núi, mang theo nó vô số những lời phàn nàn về việc rác rưởi xuất hiện quá nhiều và điều kiện vệ sinh tồi kéo dài tới hàng cây số từ đây lên ngọn núi.
Quá đông người chinh phục Everest đã dẫn tới nhiều hệ lụy xấu, như việc môi trường trên ngọn núi bị tàn phá nghiêm trọng. |
Nhờ sự giàu có về tài chính, người phương Tây mang theo rất nhiều bình oxy dự trữ và thường thì họ sẽ thuê riêng một người dẫn đường Sherpa bản địa, với trách nhiệm đảm bảo cho họ lên được đỉnh Everest. Một đoàn chinh phục như thế sẽ sử dụng nhiều đoạn dây thừng buộc cố định và phương tiện này giúp các nhà leo núi ít kinh nghiệm, tài năng đạt được mục tiêu một cách dễ dàng.
Nhờ sự hỗ trợ chu đáo, đã có hơn 3.000 cá nhân lên được đỉnh Everest kể từ năm 1953. Họ gồm có Jordan Romero, người vào năm 2010 đã gây chú ý khi trở thành người trẻ nhất leo lên Everest ở tuổi 13. Ngoài ra, còn phải kể tới cụ ông Yuichiro Miura, 80 tuổi, người mới ghi kỷ lục là nhà leo núi cao tuổi nhất đã chinh phục thành công Everest dù từng phẫu thuật tim. "Thông thường, trừ những ai quá yếu, còn lại tất cả đều có thể lên được Everest nếu họ có tiền và sự kiên nhẫn" - Eberhard Jurgalski, người đã ghi lại mọi cuộc chinh phục Everest kể từ năm 1953 cho biết.
Với nhiều nhà leo núi nghiêm túc, những sự chuẩn bị mang tính công nghiệp như thế và các cuộc "chinh phục" với vô khối tiền bạc lót đường đã làm giảm giá trị của Everest. "Đây không còn là một trải nghiệm mang tính hoang dã nữa. Đây đã là trải nghiệm giống như khi anh bước vào cửa hàng đồ ăn McDonald", Graham Hoyland, một nhà leo núi kinh nghiệm và là tác giả cuốn The Last Hours on Everest (Những thời khắc cuối trên Everest) cho biết.
Vô số hệ lụy
Một số người lo ngại làn sóng đông đảo các nhà leo núi thiếu kinh nghiệm như vậy đổ tới khu vực trắc trở về địa hình như Everest có thể tự rước về những hậu quả thảm khốc. "Có những nhà leo núi ngoài kia không hề biết cách sử dụng dây thừng hoặc dùng móc sắt. Thảm họa lớn rõ ràng đang chờ cơ hội để xảy ra", Hoyland nói. Thực tế năm 1996, 8 người đã chết trong vòng 36 giờ ở khu vực gần đỉnh núi. Năm 2012, 10 người đã mất mạng, với 3 trong số đó là các Sherpa.
Việc có quá đông người lên Everest dẫn tới một hậu quả nữa là căng thẳng tăng lên. Theo Hoyland, các nhà leo núi nhiều kinh nghiệm đã bực dọc trước việc có quá đông nhà leo núi nghiệp dư sử dụng dây thừng buộc cố định, làm chậm tốc độ lên đỉnh của họ.
Căng thẳng đạt đỉnh điểm vào tháng 4 vừa qua, khi một vụ ẩu đả đã xảy ra ở độ cao 7.470 m, gữa hai nhà leo núi nổi tiếng châu Âu là Ueli Steck và Simone Moro, với một nhóm người dẫn đường Nepal.
Để giải quyết tình hình, người ta đã đưa ra nhiều đề xuất. Một công ty môi giới chinh phục Everest đề nghị việc lắp một chiếc thang tại Hillary Step, một khối đá trồi lên mà người ta phải vượt qua ngay trước khi lên đỉnh. Tuy nhiên, các nhà leo núi ưa thích sự thuần khiết cho rằng việc này có thể làm giảm thách thức khi chinh phục Everest.
Một đề xuất khác là giới hạn số người được lên chinh phục Everest. Cho tới năm 1985, Nepal chỉ cho phép 1 đoàn chinh phục được lên đỉnh núi theo mỗi tuyến đường leo núi đã có. Quy định này sẽ có thể được áp dụng trở lại.
Cũng có hướng đề xuất yêu cầu những ai xin giấy phép leo núi phải qua huấn luyện hoặc phải trình diễn kinh nghiệm leo núi. "Nếu mọi người hiểu dù chỉ một chút về văn hóa leo núi, sự khác biệt đã rất lớn", Hoyland cho hay.
Thế nhưng việc áp đặt định mức đã không được lòng nhiều người trong thế giới ưa tự do của các nhà leo núi. Chris Bonnington, người lên đỉnh Everest ở tuổi 50, nhận xét: "Nếu nói rằng chỉ có từ 100 tới 200 người được lên đỉnh Everest mỗi năm, sẽ có rất nhiều người không bao giờ được chia sẻ những trải nghiệm cá nhân vô cùng tuyệt vời khi lên đỉnh ngọn núi".
Giới hạn số người leo núi cũng sẽ ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế dựa vào du lịch của Nepal. Có thể thấy, cuộc tranh cãi sẽ tiếp tục diễn ra. Nhưng chừng nào người ta còn nhắc tới thành tựu tuyệt vời của hai người chinh phục đầu tiên Hillary và Norgay, đám đông chắc chắn vẫn tìm tới Everest để ghi dấu kỷ lục của cá nhân họ.
Theo Thể thao & Văn hóa