Tắc đường dài gần 300km ở Brazil
Tối thứ 6 luôn là cơn ác mộng với người dân ở thành phố Sao Paulo bởi tình trạng kẹt xe trầm trọng. Nơi này xứng danh là thành phố tắc đường nhất trên thế giới, vào giờ cao điểm, hàng ô tô ùn ứ có thể kéo dài đến 295km.
Cảnh tắc đường ở Sao Paulo. |
Theo các quan chức giao thông, đó là thời điểm mà trung bình các đoàn xe kéo dài đến 180km và tắc đường kéo dài hàng giờ. Những chiếc xe nối đuôi nhau nhích từng tí một, trong khi cánh lái xe bực dọc và ngán ngẩm.
“Cảnh tượng như một biển ô tô”, cô Fabiana Crespo miêu tả khi từ từ lái xe trên những con đường tắc nghẽn với đứa con Rodrigo 10 tháng tuổi. Với Crespo, hành trình đi từ nơi làm việc về nhà có thể mất hơn hai giờ.
“Tôi từng sống cùng bố mẹ ở phía Nam Sao Paulo, nhưng làm việc ở phía Bắc. Vì vậy khi kết hôn, tôi quyết định chuyển đến phía Bắc để gần nơi làm việc hơn. Sau khi sinh con trai đầu lòng, tôi lại trở về phía Nam để điều hành việc kinh doanh của gia đình ở khu phố cũ. Từ đó, tôi phải chịu đựng cảnh tắc đường khi đi từ bên này sang bên kia thành phố”, Crespo chia sẻ.
Tắc đường gây nhiều vấn đề cho các tài xế trên toàn thế giới, nhưng ở Sao Paulo, đó không chỉ là mối phiền toái đơn thuần. Giao thông đông đúc là một phần không thể thiếu của cuộc sống và văn hóa ở thành phố rộng lớn với hơn 11 triệu dân này.
“Chúng tôi trở thành nô lệ của giao thông và phải sắp xếp cuộc sống để thích nghi với nó”, Crespo cho hay. Thời điểm cô trở về nhà sau hai giờ vật lộn trên đường cũng là lúc trời nhá nhem tối và người chồng đang chờ cùng đứa con Pedro (3 tuổi).
Khi quyết định lấy người chồng mà cô gặp 9 năm trước, Crespo cũng lường trước hoàn cảnh khó khăn này. Cô kể lại thời điểm gặp người chồng trong tình huống kỳ lạ: “ Khi đó tôi đang ngồi cùng một người bạn trong ô tô, còn chồng tôi ngồi cùng bạn trong xe anh ấy. Trong lúc tắc đường, chúng tôi lái xe sát nhau và anh ấy bất ngờ nhìn tôi”.
Sau khi buông lời tán tỉnh qua cửa xe, Mauricio thuyết phục được Crespo cho số điện thoại và chuyện tình của họ bắt đầu từ đó. “Tôi nghĩ đây là điều duy nhất chúng tôi không thể phàn nàn về giao thông Sao Paulo”, cô tâm sự.
Với hầu hết lái xe ở Sau Paulo, tình trạng giao thông vẫn là điều đáng thất vọng, mặc dù các đài phát thanh địa phương cố gắng hết sức để cập nhật tình trạng giao thông cho họ. Thậm chí, Sao Paulo có một đài phát thanh riêng để báo cáo tình trạng giao thông và hỗ trợ lái xe 24/24. Kể từ khi được thành lập 7 năm trước, đài phát thanh giao thông Sul America thu hút lượng lớn thính giả là tài xế. Những người này cũng đóng vai trò như phóng viên để thông báo về tình hình giao thông.
Tắc đường tại một tuyến đường cao tốc ở Sao Paulo. |
Trong giờ cao điểm, Sul America còn có sự hỗ trợ của trực thăng, trong khi một đội phóng viên liên tục ở trên đường để theo sát diễn biến tắc đường. Một trong số những phóng viên đó là Victoria Ribeiro, với công việc lái xe quanh thành phố để phát hiện tắc nghẽn và tìm ra lối thoát.
“Tôi làm việc cho Sul America kể từ khi mới thành lập. Đến nay, chúng tôi thấy rằng giao thông đang tệ hơn, vì xe cộ ngày càng xuất hiện nhiều trên đường phố”, Ribeiro phát biểu.
Ngành công nghiệp ô tô Brazil liên tục phá vỡ các kỷ lục về sản lượng trong một hập kỷ qua, trong khi thu nhập của hàng triệu người dân quốc gia Nam Mỹ được cải thiện nhờ tăng trưởng kinh tế. Sở hữu một chiếc xe hơi là mong ước của nhiều người và giúp họ thay thế các phương tiện công cộng thiếu hụt trong thành phố. Tuy nhiên, trong khi sự bùng nổ doanh số bán ô tô là cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế của Brazi, thì nó cũng đẩy “biển xe hơi” ở Sao Paulo lên một mức độ mới.
Với những người giàu có, họ có lựa chọn khác để thoát khỏi tình trạng tắc nghẽn, đó là trực thăng. Là người sử dụng dịch vụ trực thăng vài lần trong tháng, chuyên gia tư vấn Sergio Alcibiades phân tích: “Nếu tôi thuê một máy bay trực thăng trong vài giờ, tôi có thể có 3 hoặc 4 cuộc họp trong 1 ngày. Đây là điều không thể nếu tôi phải di chuyển bằng ô tô. Đối với tôi, đó là công cụ để kiếm tiền”.
Chủ của hãng Helimart Air Taxi, Jorge Bittar, nói rằng công ty ông đang có mức tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm. Công ty ông hiện sở hữu 16 trực thăng và thường xuyên được khách hàng thuê. “Giao thông càng tồi tệ, chúng tôi càng có lợi thế”, Bittar nói.
Trực thăng là cứu cánh với giới nhà giàu và các giám đốc kinh doanh ở Sao Paulo. |
Tắc nghẽn giao thông có thể là cơ hội cho một vài người biết tận dụng, nhưng rõ ràng có ảnh hưởng tiêu cực với nền kinh tế. Theo Claudio Barbieri, một giảng viên kỹ thuật và chuyên gia giao thông ở ĐH Sao Paulo, nạn ùn tắc có tác động lớn đến chi phí sinh hoạt và việc kinh doanh.
Barbieri cho hay, Sao Paulo có những kỹ sư giao thông có kinh nghiệm và năng lực để giúp cải thiện tình trạng giao thông thành phố, dù chậm chạp. “Tuy nhiên, vấn đề lớn là Brazil quá kém trong việc quy hoạch và giao thông chỉ dễ quản lý hơn nếu chúng ta bắt đầu nhìn vào các kế hoạch dài hạn”, Barbieri nhấn mạnh.
Ông Barbieri đánh giá, mục tiêu khả dĩ nhất có thể thu được lúc này là tạo một môi trường giao thông dễ quản lý hơn. “Chưa có thành phố nào trên thế giới có thể ngăn chặn tình trạng tắc nghẽn. Điều cốt lõi bây giờ là tìm ra một sự cân bằng và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng. Theo cách đó, Sao Paulo cần khẩn trương đầu tư nhiều hơn vào phương tiện công cộng thay vì xây những con đường mới, bởi chúng sẽ nhanh chóng bị ô tô lấp đầy”, Barbieri nhận định.
Bình An
Theo Infonet