Bất kể mùa nào, da khô là tình trạng thường xuyên xảy ra. Để khắc phục điều này, nhiều người tìm đến giải pháp như bôi kem dưỡng ẩm hay các quy trình chăm sóc da phức tạp. Một số khác chọn cách dùng máy tạo độ ẩm để chống lại tình trạng khô da.
Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách, máy tạo độ ẩm có thể khiến người dùng bị ốm, dị ứng hoặc hen suyễn.
Máy tạo độ ẩm có công dụng gì?
Máy tạo độ ẩm biến nước thành sương mù, làm tăng độ ẩm của không khí trong không gian. Thiết bị này có nhiều dạng khác nhau: Từ máy tạo độ ẩm trung tâm được tích hợp trong hệ thống sưởi và làm mát đến máy phun hơi nước ra ngoài không khí. Mục tiêu của chúng vẫn giống nhau: Tăng mức độ ẩm.
Tuy nhiên, làm thế nào để biết nếu không khí quá khô? Cây viết của Live Science cho biết cách dễ nhất để theo dõi mức độ ẩm trong nhà là lắp đặt máy đo độ ẩm (máy theo dõi độ ẩm). Mức độ ẩm lý tưởng là 30-50%.
Khi độ ẩm ở mức thấp, bạn có thể cảm thấy da khô hoặc căng, bị ho khi thức dậy. Trong trường hợp bạn hoặc người thân bị hen suyễn, bạn có thể thấy các triệu chứng bùng phát.
Mức độ ẩm lý tưởng là 30-50%. Ảnh: Real Simple. |
Độ ẩm ở mức thấp có liên quan đến bệnh khô da và việc tăng mức độ ẩm một cách nhân tạo giúp cải thiện tình trạng đó. Kết quả được công bố trên tạp chí Research In Dermatology giải thích rằng độ ẩm thấp hơn 10% có thể làm khô các lớp da bên ngoài của người cao tuổi. Trong khi đó, mức độ trên 70% có thể giữ ẩm cho da.
Điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải luôn ở trong không khí có độ ẩm cao hơn 70% để có làn da ngậm nước. Khi ở trong môi trường có độ ẩm quá cao, lỗ chân lông mở và dễ hấp thu bụi bẩn, dầu và chất gây dị ứng, dẫn đến mụn, phát ban...
Nếu sử dụng máy tạo độ ẩm, bạn có thể tránh được tình trạng khô da từ đầu và duy trì mức độ ẩm trên 10%.
Dưỡng ẩm là cách tốt nhất để tránh khô và điều trị nếu da đã ổn định. Mặc dù kem dưỡng ẩm và các phương pháp điều trị khác có thể hữu ích, nhiều người nhận thấy rằng việc thoa sản phẩm chỉ có tác dụng khi chăm sóc da rất khô. Điều này thể hiện rõ ràng vào mùa đông khi độ ẩm tự nhiên thấp hơn. Con người thường xuyên di chuyển đến các địa điểm có nhiệt độ và độ ẩm khác nhau.
Máy tạo độ ẩm sẽ kéo hơi ẩm vào không khí để cải thiện làn da khô, ngứa và giúp da giữ được độ ẩm đó.
Máy tạo độ ẩm giúp giảm tình trạng khô da. Ảnh: Medical News Today. |
Sử dụng máy đúng cách
Bạn cần tìm máy tạo độ ẩm phù hợp với bản thân. Hầu hết thiết bị tạo độ ẩm sử dụng nước lạnh, một số có tác dụng làm nóng nước. Khi mua máy, bạn cần kiểm tra loại nước tương thích với thiết bị.
Mỗi nhà sản xuất có hướng dẫn riêng. Vì vậy, bạn cần đảm bảo kiểm tra kỹ hướng dẫn đó trước khi dùng. Máy tạo độ ẩm có xu hướng nhanh tích bụi bẩn. Một số hãng khuyên người dùng sử dụng nước cất thay vì nước lấy thẳng từ vòi hoặc nước đóng chai thông thường.
Nếu bạn thường thức dậy với cảm giác da hoặc cổ họng khô và ho, hãy để máy tạo độ ẩm chạy qua đêm. Bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm hàng ngày. Song hãy nhớ kiểm tra độ ẩm trong phòng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe nói chung.
Đặc biệt, bạn cần lưu ý giữ cho máy không bị nấm mốc và làm sạch thường xuyên. Nếu không được bảo dưỡng thường xuyên, thiết bị có thể thúc đẩy sự phát triển quá mức của vi khuẩn, nấm, men, các sinh vật gây bệnh và nhiễm trùng. Những yếu tố này làm trầm trọng bệnh chàm, vẩy nến và mụn trứng cá. Hầu hết nhà sản xuất khuyên người dùng nên làm sạch và khô máy sau mỗi lần sử dụng.
Ngoài ra, bạn cần đảm bảo rút phích cắm của máy bất cứ khi nào làm sạch và không để các bộ phận điện tử vào nước.