Điện than đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đang đóng góp hơn 1/3 nhu cầu sử dụng điện của cả nước. Tuy nhiên, vấn đề khí thải, nước thải và chất thải phát sinh từ hoạt động của nhà máy nhiệt điện than lại được cảnh báo là nguy hại tới môi trường và sức khỏe của người dân.
Nhiệt điện được cảnh báo gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường. |
Quá trình sản xuất điện từ đốt than sẽ sinh ra nhiều khí độc như SO2, NO, CO2… Như vậy, với hàng triệu tấn than đốt mỗi ngày, một nhà máy nhiệt điện sẽ phát thải một lượng khí độc khổng lồ ra môi trường nếu không được xử lý.
Bụi sinh ra từ hoạt động đốt than cũng gây nhiều tác hại nguy hiểm. Đây là loại bụi rất nhỏ, lơ lửng trong không khí và được gọi là PM 2.5. Kích thước bụi PM 2.5 nhỏ hơn 30 lần so với sợi tóc, mắt người không thể nhìn thấy.
Quá trình sản xuất điện từ đốt than sinh ra nhiều khí độc hại. Ảnh cắt ra từ clip chương trình “Phát triển kinh tế năng lượng”. |
Bên cạnh đó, lượng tro bay xỉ thải phát sinh từ hoạt động đốt than trong quá trình vận hành của nhà máy cũng mang đến nhiều lo ngại. Ở nhiều bãi chứa, lượng tro xỉ này có hiện tượng phát tán ra xung quanh, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đây là những vấn đề lớn cần xử lý nhằm bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe người dân.
Để đảm bảo việc phát triển nhiệt điện than gắn với phát triển bền vững, ngoài sự vào cuộc của các nhà máy, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Qua đó, các nhà máy nhiệt điện than có thể chủ động xử lý các vấn đề môi trường.
Tập mới nhất của chương trình “Phát triển kinh tế năng lượng” phát sóng trên VTV2 sẽ mang đến nhiều kiến thức hữu ích xoay quanh tác động của quá trình sản xuất nhiệt điện đến môi trường và sức khỏe người dân. Cùng với đó, chương trình sẽ đưa ra các giải pháp, hướng xử lý để cải thiện tình trạng ô nhiễm do các nhà máy nhiệt điện gây ra.
Chương trình “Phát triển kinh tế năng lượng” phát sóng vào 8h10 thứ bảy và chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV2, có sự đồng hành của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL), Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - CTCP (PVFCCo).
Bình luận