Tác động của cần sa lên phụ nữ mang thai - Sức khỏe - ZNEWS.VN
Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tác động của cần sa lên phụ nữ mang thai

Cần sa có thể được kê đơn cho thai phụ để giảm triệu chứng đau, buồn nôn và căng thẳng. Nhưng nó lại gây ra nhiều tác dụng phụ về tâm lý cho trẻ em sau sinh.

Nghiên cứu gần đây cho thấy việc sử dụng cần sa để giải trí đang gia tăng ở Mỹ. Và Báo cáo về ma túy thế giới (2020) từ Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm tuyên bố cần sa là chất được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới vào năm 2018.

Theo Medical News Today (MNT), mặc dù cần sa đôi khi được kê đơn để sử dụng trong y tế, có nhiều rủi ro liên quan đến việc sử dụng nó bao gồm suy giảm khả năng phán đoán và mất trí nhớ.

Một số nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra việc sử dụng cần sa có liên quan với các vấn đề sức khỏe tinh thần như lo lắng và trầm cảm.

Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Washington ở St. Louis tìm thấy bằng chứng cho thấy trẻ em tiếp xúc với cần sa khi còn trong bụng mẹ có khả năng xuất hiện các triệu chứng bệnh tâm lý như lo lắng và trầm cảm khi ở độ tuổi 11 và 12. Bài nghiên cứu xuất hiện trên tập san JAMA Pediatrics.

Cần sa dù nguy hiểm nhưng đôi khi cũng được kê đơn trong các trường hợp bệnh đặc biệt. Ảnh: Pretermbirthca.
thoi ky mang thai anh 1
thoi ky mang thai anh 1

Cần sa dù nguy hiểm nhưng đôi khi cũng được kê đơn trong các trường hợp bệnh đặc biệt. Ảnh: Pretermbirthca.

Cần sa ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?

Nghiên cứu được công bố vào năm rồi cho thấy việc sử dụng cần sa ở những người mang thai ở Mỹ tăng từ khoảng 6,8% lên 8,1% trong đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nghiên cứu khác chỉ ra rằng tỷ lệ này có thể lớn hơn vì không phải tất cả người mang thai đều báo cáo việc sử dụng cần sa cho bác sĩ của họ.

Ví dụ, nghiên cứu năm 2015 cho thấy số người nhập viện điều trị do lạm dụng chất kích thích tăng từ 29% lên 43% đối với người mang thai sử dụng cần sa trong thai kỳ.

Và một nghiên cứu được công bố vào năm 2017 cho thấy 14,6% thai phụ có độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi ở Mỹ thừa nhận sử dụng cần sa khi đang mang thai, dựa trên dữ liệu từ năm 2002-2012.

Một lý do phổ biến mà người mang thai có thể sử dụng cần sa trong thai kỳ là để giúp giảm bớt các triệu chứng ốm nghén như buồn nôn, lo lắng, căng thẳng và đau đớn.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy việc sử dụng cần sa trong thời kỳ mang thai có thể gây ra tác dụng phụ đối với thai nhi như cân nặng khi sinh thấp, thai nhi kém phát triển, sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ, tăng nguy cơ thai chết lưu.

Ngoài ra, theo một nghiên cứu có từ năm 1990, cha hoặc mẹ có thể ảnh hưởng đến em bé nếu họ sử dụng cần sa trong khi con đang bú. Nó cũng cho thấy rằng việc tiếp xúc với cần sa trong thời gian cho con bú có thể làm giảm sự phát triển vận động của trẻ lúc 1 tuổi.

Ảnh hưởng của việc tiếp xúc với cần sa trước khi sinh ở thanh thiếu niên

Theo David Baranger, tác giả chính của nghiên cứu, học giả sau tiến sĩ tại Đại học Washington, nghiên cứu mới được xây dựng dựa trên một nghiên cứu trước đó mà nhóm của ông đã thực hiện vào năm 2020.

Nghiên cứu liên hệ việc tiếp xúc cần sa trước khi sinh với kết quả sức khỏe tâm thần nghiệm trọng hơn ở trẻ em từ 9-10 tuổi như vấn đề về giấc ngủ, suy nhược, lo lắng, vấn đề về sự bốc đồng, khó tập trung.

Nghiên cứu đó mô tả dữ liệu của gần 12.000 trẻ em từ Nghiên cứu Phát triển Nhận thức và Não bộ ở tuổi vị thành niên.

“Trong nghiên cứu này, chúng tôi theo dõi cùng một nhóm trẻ em, hiện đã 12 tuổi, để hỏi xem liệu có điều gì thay đổi”, ông Baranger giải thích với MNT.

“Tình trạng trẻ em cải thiện hay trở nên nghiêm trọng hơn? Chúng tôi nhận thấy rằng những đứa trẻ tiếp xúc với cần sa trước khi sinh vẫn có kết quả sức khỏe tinh thần xấu hơn. Mọi thứ không trở nên tốt hơn mà cũng không trở nên tồi tệ hơn”.

Ông Baranger cho biết nghiên cứu mới cho thấy tỷ lệ các triệu chứng bệnh tinh thần tăng cao từ 9 đến 12 tuổi. Những triệu chứng này bao gồm trầm cảm, lo lắng và các tình trạng tâm thần khác.

Sử dụng cần sa trong thai kỳ có thể khiến thai nhi chậm phát triển. Ảnh: Healthline
thoi ky mang thai anh 2
thoi ky mang thai anh 2

Sử dụng cần sa trong thai kỳ có thể khiến thai nhi chậm phát triển. Ảnh: Healthline

Tại sao giai đoạn tuổi thành niên lại quan trọng?

Tiến sĩ Anish R. Dube, bác sĩ tâm thần, Chủ tịch Hội đồng của Hiệp hội Tâm thần về Trẻ em, Thanh thiếu niên và Gia đình của họ (Mỹ), chia sẻ trên trang MNT về kết quả của nghiên cứu và ảnh hưởng của việc tăng tỷ lệ các triệu chứng bệnh tinh thần từ thời thơ ấu đến tuổi thành niên.

Tiến sĩ Dube giải thích: “Tuổi vị thành niên là giai đoạn phát triển của tính dễ bị tổn thương và cơ hội trong cuộc đời của một người trẻ”.

“Cảm xúc bình thường có thể được trải nghiệm mạnh mẽ hơn ở người trẻ và họ có xu hướng tham gia hoạt động mang lại sự hài lòng ngay lập tức. Nhưng với một môi trường nuôi dưỡng và có sự hỗ trợ phát triển từ gia đình và bạn bè, họ hầu hết sẽ trưởng thành một cách khỏe mạnh và điều chỉnh tốt bản thân”, tiến sĩ Dube cho biết.

Ông nói thêm các bác sĩ điều trị cho trẻ em tiếp xúc với cần sa khi còn trong bụng mẹ và những người có triệu chứng bệnh tinh thần cần phải xem xét việc thăm khám bổ sung và theo dõi chặt chẽ hơn những người này. Điều này giúp kịp thời phát hiện các triệu chứng còn tồn tại hoặc chuyển sang bệnh tâm thần.

Các bước tiếp theo trong nghiên cứu

Theo Tiến sĩ Ryan Bogdan, thành viên nhóm nghiên cứu, phó giáo sư khoa học tâm lý và não bộ, Giám đốc Phòng thí nghiệm BRAIN tại Đại học Washington ở St. Louis, ngoài việc tiếp tục theo dõi nhóm trẻ này khi chúng trưởng thành và phát triển, các nhà nghiên cứu đang bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn tác động của việc sử dụng chất gây nghiện đối với sự phát triển trước khi sinh và của trẻ sơ sinh.

Tiến sĩ Bogdan cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi là một phần của Nghiên cứu Phát triển Trí não và Trẻ em Khỏe mạnh (HBCD). Nó dự định tuyển khoảng 7.500 phụ nữ mang thai trên 30 địa điểm ở Mỹ để hiểu rõ hơn về các loại phơi nhiễm trước khi sinh, yếu tố di truyền, trải nghiệm ban đầu có thể hình thành sự phát triển sớm, sức khỏe và hành vi trong thời thơ ấu”.

“Những nghiên cứu này rất quan trọng để đánh giá tác động của phơi nhiễm trước khi sinh và các yếu tố khác đối với sự phát triển và sức khỏe của trẻ em”, ông nói thêm.

Tiến sĩ Dube lưu ý rằng ông muốn xem các bước tiếp theo cho nghiên cứu này để xác định các yếu tố mang đến đến kết quả tốt hơn mặc dù đã tiếp xúc với cần sa trước khi sinh.

Ví dụ, các tình huống giảm nhẹ như can thiệp cụ thể có thể làm giảm khả năng xuất hiện các triệu chứng tâm thần. Và sau đó xem xét các biện pháp can thiệp sớm trong thời kỳ mang thai của phụ nữ có thể giúp ngừng sử dụng cần sa.

Ông nói thêm: “Việc kiểm tra kỹ hơn thay đổi về não bộ ở người trẻ khi bước vào tuổi thành niên với các triệu chứng tâm thần và tiếp xúc với cần sa trước khi sinh cũng có thể giúp giải thích cơ chế mà cần sa ảnh hưởng đến não đang phát triển. Từ đó giúp đưa ra các phương pháp điều trị hợp lý”.

Bài liên quan

Nam Giao

Bạn có thể quan tâm