Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ta theo trẻ đi nhặt cái lạ của ngày'

Ngày nối ngày, có ngày nào giống ngày nào đâu, dù ở đâu con người vẫn mải miết sống, vượt lên tất cả để đắm say với cuộc đời.

Núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và thâm trầm, ẩn chứa biết bao nhiêu bí mật, bao nhiêu huyền thoại, huyền tích. Một không gian văn hóa rộng lớn, với những bản làng mờ xa ẩn hiện trong màn sương, tiếng cồng chiêng, khèn lá, quện vào những nhịp sạp, điệu xoè... trong tiếng suối reo, thác đổ.

Nhà thơ Bùi Việt Phương gắn bó với Tây Bắc, với Hòa Bình, nên cái hùng vĩ, bảng lảng của đất của người nơi ấy thấm vào thơ anh nồng nàn và lắng đọng. Một sự thẩm thấu rất tự nhiên, như là nó phải thế, bởi: “Trẻ con có bao giờ nói dối?/ Ta theo trẻ đi nhặt cái lạ của ngày...”. Những câu thơ từ trang đầu tập thơ Ngày lạ của Bùi Việt Phương, được NXB Hội nhà văn xuất bản năm 2019.

Nha tho Bui Viet Phuong anh 1
Bìa sách Ngày lạ.

Núi rừng sừng sững mà ẩn chứa bao nhiêu bí ẩn, để mỗi khi bình minh lên là hé mở ra những mới lạ. Cái lạ đầy gợi mở, mời gọi dấu chân người tìm đến mà khám phá, mà thỏa cái mong muốn được đắm chìm trong thiên nhiên: “Một ngày cũng chỉ là xuống núi/ Nhón chân bật một góc trầm”. Đấy là một ngày, một ngày của núi, nó sẽ chẳng là gì so với thời gian của vũ trụ, nhưng với con người thì có khi là quý giá:

Một ngày xuống núi

Như ai đã buông cần

Bằng lòng ngồi đợi”

Và để:

“Ngước về núi,

Thấy mẹ và cha

Thấy những mùa hoa...”

Núi cứ sừng sững, rừng cứ thăm thẳm, chở che, bao bọc, lại như mạch nguồn thấm chảy vào hồn người. Từ đó nuôi dưỡng những kiếp phận, với những trăn trở, để gắn đời mình trong cái sự sinh tồn đầy vất vả của người vùng cao: “Rừng lá đắng, đa mang tìm mật ngọt...”.

Đôi khi người vùng cao cũng có nhiều suy tưởng, nhưng vẫn mang một điều gì đó rất chân chất, rất thật. Cái thật như sông suối chảy về xuôi, nhưng con cá cứ vô tư bơi trong hồ nước, có bao giờ tính được đường nhanh đường chậm, hay cái nhẽ hơn thiệt. Tất cả là từ những tấm lòng “sạch”, chưa bị quá nhiều sự lọc lõi của thế gian, mà người thường bị nhiễm tạp.

Đó là điều làm nên cái tinh thần của người vùng cao, sống hết mình vì thiên nhiên, vì cộng đồng. Khi bao giờ cũng nồng cay như rượu ủ men lá, say đấy, mà dìu dịu, mà nhớ mãi như thể ta mắc phải “bùa ngải” của tình yêu: “Có còn nặng lòng nền đất, ván thưng/ Men lá ủ tình, có khi ngào nguội...”.

Do cảm thức nhà thơ, thường nhạy cảm, hay bởi cái sự chậm rãi của nhịp núi nhịp rừng, chảy sâu trong huyết quản. Nên tâm hồn của người thơ, đã nhìn thấy những điều mà bình thường ta không thể để ý đến nổi. Nó rất lặng lẽ, nhưng sâu lắng, khiến ta không khỏi giật mình, vì nhiều khi ta dường như đã quá thờ ơ, cho tới khi người phát hiện ra, và ta mới ngớ người:

... tán bàng xanh vồn vã như nhau.

Thế mà cuối năm cũng đương rét dở

cành bàng vắng tanh

thăm thẳm nhớ trên đầu”

Tán bàng cứ xanh rồi lại trụi lá, vòng tuần hoàn của năm tháng vẫn là thế, mà sao trong cái rét dở lại gợi cho ta cái gì đó rất lẻ loi. Cái rét của mùa đông, là một thử thách cho lòng kiên nhẫn, sức chịu đựng, để con người và vạn vật chờ đón một mùa xuân tới, với những hứa hẹn, cùng hy vọng.

Sự hy vọng, bao giờ chẳng ẩn bên trong nó một trăn trở nào đó. Đấy là cái trăn trở trong nhân sinh, dù là với những con người bình dị nhất, ngày qua ngày lặp đi lặp lại những công việc quen thuộc. Một bác thợ mộc, với đôi tay tài hoa, cũng có lúc mong: “Giá như sương mù/ và nước mưa/ Cũng cứng đầu với lưỡi đục, răng cưa...”. Thế thì đâu còn những trôi chảy của thời gian, mọi thứ đã khác đi, và làm gì còn cái tuổi già ập tới với ta, để bác thợ mộc ngồi đó, thành người coi nhà, chờ con mỗi buổi chiều. Và: “Như chú ong già đậu nơi bậu cửa/ Ngắm người, xe cần mẫn đi về...”.

Cuộc sống vùng cao cũng mang trong mình biết bao vất vả, chứ đâu chỉ là những phóng khoáng, suy tư vậy thôi. Thiên nhiên cũng nhiều thay đổi, đôi khi nổi giận, mà gieo khổ ải cho con người. Một trận lũ quét qua, bản làng còn lại, chỉ là một đống đổ nát, bùn đất ngổn ngang, và cả tang tóc. Bao công lao gây dựng, bỗng chốc chỉ là con số không, cộng thêm nỗi đau thắt lòng vì mất người thân. Đầy là những “Nỗi buồn gấp khúc”, cứ tiềm tàng, trong lòng Tây Bắc.

Ngày nối ngày, có ngày nào giống ngày nào đâu, dù ở đâu con người vẫn mải miết sống, mải miết vượt lên tất cả để đắm say với cuộc đời. Ngày sẽ rất mới, rất “lạ” cho chúng ta đắm chìm và sáng tạo, rồi sẽ ngỡ ngàng trước những điều ta chưa từng nghĩ tới, chưa từng gặp. Giống như người nghệ sĩ đang mải mê dẫn ta vào những Ngày lạ.

Bùi Văn Lang

Bạn có thể quan tâm