- Theo anh, điều gì khiến tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường xuất hiện trở lại thời gian gần đây và được nhiều người đón nhận?
- Trong số các học giả của Nam Việt Nam trước đây, Tạ Chí Đại Trường là người được xuất bản trở lại nhiều. Trong khi có những “đại gia” lịch sử, thậm chí bạn đọc trong nước còn không được biết tên thì may mắn của Tạ Chí Đại Trường là nhờ những đề tài tinh tế, cái riêng, nhờ giọng văn hấp dẫn, ông đã có chỗ đứng trong người yêu sử Việt. Tới nay nhiều cuốn của ông đã trở lại như: Thần người đất Việt, Những bài dã sử Việt (2011) , Người lính thuộc địa Nam Kỳ (1861-1945) (2011), Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 (2012), Những bài dã sử Việt (2013) , và mới đây là Chuyện phiếm sử học (2016).
- Đối với công chúng, sử Tạ Chí Đại Trường có ý nghĩa gì?
- Công chúng được kích thích khi đọc Tạ Chí Đại Trường. Ông đưa ra những luận điểm mà chưa ai nói, những góc khuất của lịch sử… Ví dụ ông nói vấn đề Tây tiến, Nam tiến, Việt Nam nhìn từ biển, giọng sử của người Kinh, của đồng bằng… Chỉ cần những điểm nhìn ấy thôi đã kích thích chúng ta động não rồi, chúng gợi mở chúng ta tư duy.
Một số tác phẩm của sử gia Tạ Chí Đại Trường được in gần đây. |
- Đọc Tạ Chí Đại Trường, giới nghiên cứu như anh ấn tượng điều gì?
- Tạ Chí Đại Trường là nhà sử học có khả năng bóc lớp sự việc, nói được diễn ngôn đằng sau lớp sự việc đó. Điểm đặc biệt khác là ông luôn mở rộng biên độ của sử học.
Trong lời đề từ một cuốn sách, ông viết “Thêm một lần trò chuyện với ma”. Đó là cách nói hài hước về sử gia. Làm sao ta tiếp cận được quá khứ trong khi tất cả đã diễn ra? Cái còn lại với chúng ta ngày nay là ghi chép của những ông nào đó. Mà những ông nào đó lại viết dưới sự tác động nào? Như vậy những gì còn lại với chúng ta đã qua bao khúc xạ. Đó là lối nghĩ của người làm sử quốc tế.
- Anh đánh giá thế nào về phong cách viết sử của Tạ Chí Đại Trường?
- Sử học của ông là con mắt phức hợp, tạo nhiều cảm hứng. Ông có thể đúng, có thể sai, nhưng khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều, buộc người ta phải nghiên cứu, và điều đó giúp chúng ta tiến lên.
Tạ Chí Đại Trường len vào nhiều thứ mà sử nhà trường không nhắc tới, những thứ tưởng là tiểu tiết trong lịch sử ấy lại chứa đựng nhiều tư liệu.
Ví dụ chuyên luận Sex trong các triều đại phong kiến của ông khác biệt với sử của ta xưa nay. Sex là vấn đề rất đáng được quan tâm, có mặt trong đời sống con người, tại sao lại không có trong sử học? Vậy chúng ta phải coi sex là vấn đề nghiên cứu khoa học. Tạ Chí Đại Trường đi vào sex với con mắt của nhà khoa học, lạnh lùng, chứ không xúc cảm. Từ đó ông tạo nên diễn ngôn lịch sử.
Ông khảo cứu từ cái tăm, cái khuôn đúc tiền cũng ra khảo luận sử học. Do đó, cách làm của Tạ Chí làm cho đầu óc chúng ta cởi mở hơn, gần gũi, hấp dẫn hơn.
- Cuốn “Thần, người và đất Việt” được nhiều người yêu thích. Anh đánh giá thế nào về công trình này?
- Chính cái tên Thần người đất Việt kéo bạn đọc đến gần cuốn sách hơn. Nhưng nếu đặt tên theo kiểu sử học, ta phải đặt công trình này là: Lịch sử tín ngưỡng Việt Nam qua 2.000 năm.
Đây là cuốn lịch sử tín ngưỡng hàng đầu. Chỉ với cuốn này tôi đã coi ông là một nhà nghiên cứu hàng đầu. Dù vốn sử liệu ông tiếp cận là tối thiểu, nhưng lối viết của ông mở ra vô tận. Lịch sử Việt Nam không chỉ là lịch sử của chính trị, mà còn là lịch sử của văn hóa, tín ngưỡng, diễn ngôn…
- Còn với “Chuyện phiếm sử học”, cuốn sách mới được xuất bản của ông, anh có đánh giá gì?
- Cuốn này thực chất là một tập hợp bài viết. Mỗi bài là một chuyên luận về các vấn đề. Đó là những thám sát hoa tiêu về những khoảng khuất của lịch sử mà chúng ta chưa từng nghĩ đến. Nó quyến rũ chúng ta ở chỗ đó.
Ví dụ khi đọc xong Sex về triều đại, có bạn trẻ nào đó sẽ viết vấn đề “tính dục trong lịch sử”. Sử của Tạ Chí Đại Trường luôn kích thích về mặt tư duy, hướng tiếp cận và các thể loại đề tài theo cách như thế.
Tiến sĩ Trần Trọng Dương. thứ hai từ trái qua, trong buổi tọa đàm về các tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường. Ảnh: Việt Hà. |
- Tạ Chí Đại Trường hấp dẫn là vậy, liệu ông có khiếm khuyết nào?
- Có chứ. Có chỗ ông tư biện và "bay" trên sử liệu. Cho nên một người đọc chuyên nghiệp thường khó chịu với cách viết không có nguồn dẫn của Tạ Chí Đại Trường. Cũng bởi thế nên có chỗ ông sai về mặt chi tiết.
- Từng tiếp xúc với Tạ Chí Đại Trường, anh cảm nhận thế nào về sử gia này?
- Vào năm 2002, chúng tôi có đưa ông đi điền dã. Ông kín tiếng, ít nói, hiền lành. Giọng dữ dội trong văn phong khác hẳn với con người hiền lành bên ngoài. Đến khi dẫn ông đến Chùa Dạm – một nơi từng xuất hiện trong sách của Tạ Chí, ông phát hiện ra thực tế khác với một chi tiết mình viết về ngôi chùa này. Do khi viết, Tạ Chí Đại Trường không có điều kiện đi điền dã, mà tham khảo nguồn tư liệu, nguồn tư iệu này sai dẫn đến ông cũng sai. Về nhà, Tạ Chí đã viết bài để đăng trên tạp chí chuyên về học thuật nhận cái sai của mình.
Ông luôn trực diện với khoa học, không cảm thấy xấu hổ, bất nhã với đám hậu sinh. Đó là cái đáng trân trọng ở một sử gia.
Nhà viết sử Tạ Chí Đại Trường (1938-2016), sinh ở Nha Trang, mất ở TP.HCM. Các công trình của ông được giới sử học trong và ngoài nước đánh giá cao, không chỉ ở mức độ công phu, cẩn thận khi xử lý tư liệu mà còn ở sử quan riêng biệt với những kiến giải quan trọng.
Tiến sĩ Hán-Nôm Trần Trọng Dương được biết đến như một nhà nghiên cứu cổ học với những vấn đề liên quan đến văn học, lịch sử cổ trung đại và văn hóa cổ truyền Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến: "Tạ Chí Đại Trường là một ngôi sao sáng, rất sáng trong giới nghiên cứu sử miền Nam Việt Nam. Nhưng ông có sự hấp dẫn. Đọc ông, ngoài tìm kiếm sự thực, ta còn thỏa mãn say mê."
Nhà phê bình Mai Anh Tuấn: "Đọc Tạ Chí Đại Trường, tôi rất sợ những trang cuối sách, vì không muốn tác phẩm hấp dẫn mình đang đọc lại kết thúc."
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: "Tạ Chí Đại Trường trước hết là một học giả xuất sắc, chuyên nghiệp, cả đời làm sử. Ông là nhà sử học yêu nước, yêu văn hóa, và muốn hiểu chính dân tộc mình, muốn truyền bá hiểu biết của mình ra thế giới."