-
Thế giới tưng bừng chào đón 2017
Năm mới 2017 đã cận kề trong sự nô nức của người dân khắp thế giới. Ở Australia, 20.000 quả pháo hoa sẽ được bắn tại cầu cảng Sydney với sự theo dõi của 1,5 triệu người. Bên kia đại dương, 2 triệu người sẽ có mặt tại quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ, cho lễ hạ quả cầu pha lê truyền thống. Châu Âu trong mối lo ngại khủng bố cũng không thể ngăn nổi người dân háo hức những màn đếm ngược và pháo hoa rực rỡ. Trong ảnh, các cô gái người Australia tươi cười trong chiếc kính in số 2017 để chào đón năm mới. Ảnh: Getty.
-
Người Nhật đến đền Meiji đón năm mới
Phụ nữ Nhật trong trang phục Kimono truyền thống cùng đón năm mới tại ngôi đền Meiji ở Tokyo, Nhật Bản. Hàng năm trong ngày 31/12 và những ngày đầu năm mới, hàng trăm người Nhật đến đây để cầu nguyện cho sức khỏe của bản thân và hạnh phúc gia đình. Ảnh: Reuters.
-
Màn pháo hoa đầu tiên bừng sáng trên bầu trời Sydney, Australia
Thành phố Sydney vừa được chứng kiến màn pháo hoa rực rỡ trong đêm 31/12, trước thời khắc chuyển giao sang năm mới 2017. Anh Trần Tín, du học sinh Việt Nam ở Australia, chia sẻ với Zing.vn rằng đợt pháo hoa đầu tiên, xuất hiện trước giao thừa là dành cho trẻ em, người già và những người phải đi làm sớm vào ngày hôm sau.
“Mình đến đây từ 21h cùng mẹ và em trai. Khu vực này có cả hội chợ và ca nhạc nên dân tình đến đây đầu giờ chiều. Mọi người tập trung ở đây rất đông”. Ảnh: Getty.
-
Hàng nghìn người chờ đón màn pháo hoa mãn nhãn ở Sydney
Hàng nghìn người tập trung tại cầu cảng để chiêm ngưỡng màn pháo hoa nổi tiếng mãn nhãn của Sydney. Nhiều người đến rất sớm để chọn được vị trí đẹp và theo dõi màn pháo hoa từ lúc 21h cũng như "bữa tiệc ánh sáng" lúc 0h00. Ảnh: Getty.
-
New Zealand chào năm mới
Cùng với một số hòn đảo ở Thái Bình Dương, New Zealand là quốc gia đón năm mới sớm nhất trên toàn cầu. Chuông năm mới đã điểm ở New Zealand trong khi Việt Nam chỉ mới 18h ngày 31/12. Các thành phố lớn của nước này như Auckland, Christchurch, Wellington… đều tổ chức bắn pháo hoa chào năm mới. Ảnh: Cảnh Toàn
-
Người Việt ở New Zealand: Tôi cầu chúc bình an đến tất cả mọi người
Anh Nguyễn Hữu Công (26 tuổi, nhân viên khách sạn tại Auckland) chia sẻ rằng đây là lần thứ 3 anh đón năm mới tại New Zealand. Cũng như nhiều người gốc Á khác, do không có gia đình tại đây nên anh tranh thủ làm việc vào những ngày lễ chung, và vừa kết thúc ca làm việc vào 23h30.
“Sang năm 2017, tôi mong ước ba má được sống vui, sống khoẻ. Mong nhân dân mình sẽ có một năm mới ít thiên tai, lũ lụt. Về bản thân, tôi hy vọng sẽ gặp được nhiều cơ hội để phát triển, thăng tiến, khẳng định vị trí của người Việt trong môi trường làm việc đa chủng tộc”, anh Hữu Công chia sẻ với Zing.vn.
Tại Christchurch (thành phố lớn thứ 3 của New Zealand), hàng nghìn người tập trung tại phía bắc công viên Hagley để thưởng thức trình diễn pháo hoa. Cô Liên Trần (54 tuổi) đã từng đón năm mới vài lần ở Christchurch. “Thành phố vừa trải qua một trận động đất khá mạnh gần đây, thiệt hại cũng đáng kể nhưng may mắn là không gây thương vong nghiêm trọng như hồi năm 2011. Hôm nay người dân tập trung xem pháo hoa mừng năm mới rất vui vẻ. Tôi cầu chúc bình an đến tất cả mọi người”.
-
Pháo hoa rực rỡ từ tháp Sky Tower ở Auckland (New Zealand)
Phóng viên Cảnh Toàn của Zing.vn từ Christchurch, New Zealand, cho biết tháp Sky Tower ở Auckland luôn có những màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật rực rỡ vào đêm giao thừa. Năm 2017, màn pháo hoa kéo dài trong 5 phút, 500 kg pháo với hơn 3.000 phát được bắn liên tục. Buổi trình diễn này được chuẩn bị từ trước đó 5 tháng. Ảnh. Getty.
-
24 múi giờ đón năm mới
Samoa là quốc đảo đầu tiên trên thế giới đón năm mới 2017 (17h ngày 31/12 giờ Hà Nội) còn thành phố Honolulu, Hawaii của Mỹ lại đón năm mới đúng 24 tiếng sau đó. Nơi cuối cùng bước sang năm 2017 là đảo Baker và Howland Mỹ, tuy nhiên đây đều là những nơi không ai sinh sống.
-
Các nước trang hoàng chào đón năm mới
Đường phố ở Athen (Hy Lạp), Kazan (Nga) hay Moscow (Nga) và nhiều nơi trên thế giới trang hoàng lộng lẫy để chào đón năm mới. Ảnh: Getty.
-
Thái Lan không bắn pháo hoa, để tang Quốc vương
Chia sẻ với Zing.vn, bạn Nguyễn Hải An (24 tuổi, giáo viên) ở Bangkok, Thái Lan cho biết không khí đón năm mới ở thành phố này có phần trầm lắng hơn mọi năm. Năm nay, Thái Lan không tổ chức bắn pháo hoa. Thay vào đó, lễ thắp nến sẽ diễn ra nhằm tưởng nhớ tới Đức vua Bhumibol Adulyadej mới qua đời. Một sân khấu lớn với ảnh của đức vua được dựng lên giữa trung tâm thành phố. Ảnh: Hải An
-
Biểu tình ở Hàn Quốc đêm giao thừa
Chị Nguyễn Kim Chi (26 tuổi, quê Hà Nội), đang theo học chương trình thạc sĩ tại Seoul, chia sẻ với Zing.vn rằng người dân thủ đô Hàn Quốc xuống đường biểu tình trong đêm giao thừa. Họ hô vang các khẩu hiệu đòi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, người đang bị đình chỉ mọi chức vụ, phải từ chức.
"Tôi hy vọng trong năm 2017, nền dân chủ sẽ được khôi phục", AP dẫn lời một người biểu tình nói. Đoàn biểu tình dự kiến đi qua Phủ Tổng thống và trụ sở Tòa án Hiến pháp trong đêm cuối cùng của năm 2016. Ảnh: AP.
-
Sydney sẵn sàng cho màn bắn pháo hoa đón năm mới
Sydney, Australia, là một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới đón năm mới 2017. Nhà hát Opera Sydney hay còn gọi "nhà hát con sò" là địa điểm bắn pháo hoa truyền thống ở Australia. Màn pháo hoa lúc 21h đêm 31/12 được chờ đợi không kém màn pháo hoa rực rỡ lúc giao thừa. Ảnh: Reuters, Getty.
-
-
Năm mới đã đến Australia
Từ trưa 31/12, hàng nghìn người đổ về khu Parramatta Park, bang New South Wales, Australia, để xem pháo hoa chào đón năm mới. Trong hình, cậu bé gốc Việt tên Minh Quân cùng gia đình chờ phút giao mùa tại Parramatta Park. Ảnh: Nguyễn Cần
-
Năm mới bên cầu cảng Sydney
Người dân Australia và khách du lịch hào hứng chào đón năm mới trong tiếng nhạc sôi động và màn pháo hoa rực rỡ đêm giao thừa. Ảnh: Getty.
-
Sydney rực sáng trong đêm giao thừa
Thành phố Sydney vừa bước vào những giờ phút đầu tiên của năm mới 2017. Đêm giao thừa, thành phố chia 2 đợt bắn pháo hoa, một đợt lúc 21h để những người muốn về nhà sớm có thể xem và một đợt kết thúc muộn hơn vào lúc 1h sáng 1/1/2017. Ảnh: Reuters.
-
Melbourne tăng cường an ninh đêm giao thừa
Chị Nguyễn Ngọc Hà (26 tuổi, quê Hà Nội), nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học La Trobe, chia sẻ với Zing.vn hình ảnh pháo hoa ở Melbourne, Australia. Từ 19h, chị cùng bạn mang theo đồ ăn nhẹ, đã có mặt tại khu vực bến cảng Docklands, một trong 4 điểm bắn pháo hoa ở Melbourne.
"Năm trước thì mình về nước sớm rồi, năm nay muốn trải nghiệm. Đợt này thấy cảnh sát ngoài đường nhiều nên không có cảm giác sợ", chị Hà nói, đề cập đến nguy cơ an ninh. Vài ngày trước, cảnh sát Melbourne đã bắt giữ 5 nghi phạm tình nghi tấn công khủng bố đêm Giáng sinh.
-
Obama chúc năm mới lần cuối, ca ngoại thành tựu 8 năm
Tổng thống Barack Obama vừa đọc bài diễn văn chào năm mới lần cuối cùng trên cương vị tổng thống Mỹ. Ông Obama ca ngợi thành tựu của nước Mỹ trong 8 năm qua như việc vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế, tiêu diệt Osama bin Laden, đạt được thỏa thuận về hạt nhân với Iran, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba...
"Hầu như mọi quốc gia trên Trái Đất này đều thấy nước Mỹ của hôm nay mạnh mẽ và đáng kính trọng hơn 8 năm qua", ông Obama nói. Gia đình Obama chúc mọi người một năm 2017 hạnh phúc và an lành. Năm nay, Tổng thống Obama và gia đình sẽ đón năm mới tại Hawaii.
Từ châu Âu, trong bài phát biểu mừng năm mới, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng chủ nghĩa Hồi giáo khủng bố sẽ là thách thức lớn nhất cho nước Đức trong năm nay.
-
Vượt 500 km để đón năm mới cùng đồng hương Việt ở Nhật
Anh Huỳnh Anh Vũ (thứ 3 từ trái sang), 26 tuổi, quê Quảng Nam, chia sẻ đây là lần đầu tiên anh đón năm mới ở Nhật Bản. Anh vừa sang thành phố Kobe làm việc cách đây một tháng.
"Tôi mới sang, chưa quen ai nhiều, đường xá thì lạ nước lạ cái. May có nhóm bạn cùng quê từ thành phố khác đón tàu tới chỗ tôi chơi. Mọi người tụ tập ăn uống một bữa. Tôi vui lắm vì mọi người ở cách xa cả 500 km mà vẫn cố gắng đến chỗ tôi", anh Vũ nói với Zing.vn. Ảnh: Anh Vũ.
-
Donald Trump chúc mừng năm mới
Sáng ngày cuối năm 31/12 (giờ Washington), Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lên Twitter để viết lời chúc mừng năm mới 2017.
"Chúc mừng năm mới tất cả mọi người, bao gồm những kẻ thù của tôi và những người đã chiến đấu với tôi và đã thất bại trước tôi. Họ không biết phải làm gì cả. Thân thương!".
-
Người Việt đón năm mới giữa trời lạnh -30 độ tại Mông Cổ
Tối 31/12, nhiệt độ tại thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ là -30 độ C. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Quỳnh (26 tuổi, quê Nam Định) tụ tập cùng nhóm bạn, chủ yếu là sinh viên, để chào đón khoảnh khắc giao thừa "Tết tây".
"Trời lạnh lắm, tối giao thừa còn lạnh hơn mọi hôm. Nhưng lát nữa chúng tôi cũng kéo nhau ra quảng trường Chinggis để xem pháo hoa, uống champagne. Rét run nhưng không khí phấn khởi lắm", anh Quỳnh chia sẻ với Zing.vn. Ảnh: Văn Quỳnh
-
Người biểu tình Hàn Quốc tự bắn pháo hoa
Tại Seoul, Hàn Quốc, người biểu tình tự bắn pháo hoa trong cuộc xuống đường đêm giao thừa. Họ mang theo khẩu hiệu in dòng chữ "Hãy bắt giam bà Park", thắp nến, tập trung tại địa điểm gần Nhà Xanh, nơi ở và văn phòng của tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: AP.
-
Du học sinh Việt đón Tết dương lịch ở Tokyo
Ngô Đình Hoàng, 22 tuổi, du học sinh Việt Nam tại Tokyo, Nhật Bản nói với Zing.vn rằng để đảm bảo tình trạng an ninh được tốt nhất, thủ đô của Nhật Bản tổ chức bắn pháo hoa từ lúc 19h (17h giờ Hà Nội) tại đảo nhân tạo Odaiba, thành phố Yokohama và một số quận khác.
Hoàng có mặt ở ga Shibuya, trung tâm Tokyo vào lúc 23h để tham gia màn đếm ngược chào năm mới. Anh cho biết không khí ở đây rất náo nhiệt và đông vui. Những người đến tham dự phần đông là các du khách phương Tây và một số ít du khách châu Á. Thông thường, các chuyến tàu chỉ hoạt động đến 0h30, tuy nhiên, trong ngày Tết dương lịch, các chuyến tàu sẽ chạy liên tục để phục vụ người dân và du khách.
-
Người Nhật đi chùa, xem truyền hình vào tối giao thừa
Tối giao thừa, người dân Tokyo cũng như nhiều vùng tại Nhật Bản, thường đến viếng đền chùa. Hoạt động này sẽ kéo dài đến sáng đầu tiên của năm mới. Đồng thời, nhiều gia đình tụ tập để xem chương trình "Kohaku Uta Gassen" (cuộc thi bài hát đỏ và trắng) quen thuộc của đài NHK.
Nổi tiếng nhất ở Tokyo là đền Meiji, mang tên vị hoàng đế thực hiện cuộc cải cách nổi tiếng mà kết quả là người Nhật chuyển từ đón tết âm lịch sang đón tết dương lịch vào thế kỷ 19. Theo Japan Today, khoảng 3 triệu người đến viếng ngôi đền này trong 3 ngày tết ở Nhật.
Trong khi đó, "Kohaku Uta Gassen" được xem là chương trình truyền hình danh giá nhất nước Nhật, với lượng khán giả chiếm đến 35% dân số nước này. Kéo dài 4 tiếng từ lúc 19h15 vào tối 31/12, chương trình quy tụ những ngôi sao giải trí hàng đầu xứ sở mặt trời mọc.
Với những người xuống phố tìm kiếm sự náo nhiệt vào đêm giao thừa ở Tokyo, khu Shibuya là nơi lý tưởng nhất với việc cấm xe cộ hoàn toàn từ 22h đến 1h sáng hôm sau. Hàng nghìn bạn trẻ đã tụ tập về đây để thả những quả bóng bay và cùng chờ khoảnh khắc countdown (đếm ngược).
-
Năm mới yên lặng ở Trung Quốc
Năm nay, các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải sẽ không tổ chức đón tết dương lịch. Bến Thượng Hải sẽ không bắn pháo hoa, đồng thời việc mua bán, vận chuyển và sử dụng pháo hoa ở trung tâm thành phố này cũng bị cấm. Những tòa nhà thường trình diễn ánh sáng cũng sẽ "tắt đèn".
Trong khi đó, cảnh sát Bắc Kinh cho biết các hoạt động đếm ngược, trình diễn ánh sáng, bốc thăm may mắn và nhiều hoạt động khác cũng sẽ không được tổ chức tại các khu phố mua sắm như Sanlitun và Guomao. Nhà chức trách cũng khuyến cáo người dân thành phố tránh nơi đông người, trông chừng người già trẻ em và chú ý lối thoát hiểm ở các tòa nhà.
-
Năm 2017 đã đến Hong Kong, Cảng Victoria rực sáng pháo hoa
Pháo hoa đã được bắn lên tại Cảng Victoria ở Hong Kong (Trung Quốc) bên dưới là hàng nghìn người đang tụ tập để chào đón năm mới 2017. Người dân Hong Kong sẽ đón năm 2017 trong bối cảnh căng thẳng chính trị và sự chia rẽ đang ngày càng dâng cao tại đặc khu hành chính này. Năm 2017 sẽ chứng kiến cuộc bầu cử đặc khu trưởng tiếp theo của Hong Kong. Ảnh: Reuters.
-
Người Nhật đi chùa, rung 108 lần chuông để cầu an
Ngay sau thời khắc giao thừa, đền chùa ở Nhật Bản đông nghịt người đến viếng. Người đến viếng chùa sẽ cùng rung chuông chùa 108 lần để cầu mong một năm mới an lành. Ảnh: AFP.
-
Chàng trai Việt đón năm mới cùng bạn gái Nga tại Hàn Quốc
-
Năm 2017 sắp gõ cửa Việt Nam
Tại Việt Nam, năm 2017 sẽ về trong khoảng 20 phút nữa. Kênh truyền thông quốc tế tiếp sóng Đài truyền hình Việt Nam và mô tả không khí đón chào năm mới tại dải đất hình chữ S.
Trong khi đó, dòng người vẫn đang đổ về những điểm đếm ngược tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Thời tiết đêm cuối của 2016 tại Hà Nội khoảng 20 độ C, TP.HCM 28 độ C khô ráo. Gần 23h, Hà Nội mưa phùn nhỏ. Trong khi đó, dân Đà Nẵng, Huế phải đội mưa, Đắk Lắk co ro chờ đón năm mới. Giao thừa đón năm 2017, các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM sẽ không có màn bắn pháo hoa như mọi năm.
-
Năm mới ở Đài Loan
Tháp Taipei 101, biểu tượng của thành phố Đài Bắc, Đài Loan, rực sáng trong màn pháo hoa. Theo Taiwan News, đây là năm đầu tiên trình diễn pháo hoa ở Taipei 101 sẽ kết hợp các các màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật.
Rất nhiều người kéo về đây xem pháo hoa đến nỗi các ga tàu điện, đặc biệt là nhà ga tòa thị chính và nhà ga Taipei 101, đều kẹt cứng. Hệ thống tàu điện sẽ hoạt động không nghỉ trong 42 tiếng liên tục để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: Reuters.
-
Các nước Đông Nam Á bắt đầu đón năm mới
Cùng với Singapore, Indonesia là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á bước sang năm 2017.
Tại đảo Bali của Indonesia, nhiều khách du lịch đón năm mới bằng những bữa tiệc thâu đêm trong nhà hàng, quán bar địa phương. Người dân trên đảo chọn bãi biển Jimbaran cho bữa tối và ngắm pháo đêm giao thừa.
Đảo quốc sư tử Singapore cũng đón chào năm 2017 bằng một màn pháo hoa ấn tượng ngay trên vịnh Marina nổi tiếng.
-
Vịnh Marina của Singapore kỳ vĩ dưới pháo hoa năm mới
Pháo hoa chào mừng năm 2017 được bắn lên từ Vịnh Marina lúc 0h00 ngày 1/1/2017. Các buổi tiệc đếm ngược, hoạt động chào mừng đang diễn ra ở khắp nơi tại đảo quốc này.
Trong thông điệp chào năm mới, Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng ông tin tưởng người Singapore có thể vượt qua những thử thách sắp, xét trong bối cảnh thế giới đang bước vào một thời đại đầy bất định.
"Dù có thách thức gì, tôi vẫn tự tin rằng người dân Singapore có thể vượt qua được nhờ tinh thần và sự bền bỉ của họ", Thủ tướng Lý cho biết. Ảnh: Reuters.
-
Năm mới và sự lạc quan của con cháu Thành Cát Tư Hãn
Từ Ulaanbaatar, Mông Cổ, độc giả Nguyễn Văn Quỳnh gửi hình ảnh pháo hoa và chia sẻ với Zing.vn.
"Thời tiết ở thủ đô Ulaanbaatar rất lạnh nhưng quảng trường Chinggis vẫn rất náo nhiệt. Mọi người đều phấn khởi đón mừng năm mới 2017 bằng màn pháo hoa rực rỡ kéo dài 15 phút. Chương trình ca nhạc diễn ra ngay sau đó, mọi người rất hào hứng nhảy múa theo nhạc điệu trên sân khấu.
Năm 2017 đã đến, mang theo niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho người Mông Cổ sau một khoảng thời gian dài kinh tế gặp khủng hoảng, điều kiện sống ngày càng khó khăn. Mặc dù chưa có dấu hiệu nào tình hình sẽ cải thiện, nhưng sự hào hứng chào đón năm mới cho thấy tinh thần lạc quan của những người dân thảo nguyên, con cháu Thành Cát Tư Hãn".
-
Việt Nam, Thái Lan đón năm mới
Trong khi người dân Việt Nam đổ ra đường tham gia các chương trình đếm ngược, không khí ở Thái Lan có phần trầm lắng hơn.
Các màn trình diễn mừng năm mới ở thủ đô Bangkok đều nhằm mục đích tưởng nhớ Đức vua Bhumibol Adulyadej. Nhiều người Thái Lan đi chùa cầu chúc một năm mới hạnh phúc. Bangkok đang trải qua một trong những đêm giao thừa "ít ồn ào" nhất trong những năm trở lại đây
-
Tháp Taipei 101 trở thành ngọn đuốc rực sáng trên bầu trời đêm giao thừa ở Đài Bắc, Đài Loan. Ảnh: Getty. Màn trình diễn pháo hoa tại đài tưởng niệm anh hùng dân tộc Jose Rizal ở Manila, Philippines, và tháp Taipei 101 trở thành ngọn đuốc rực sáng trên bầu trời đêm giao thừa ở Đài Bắc, Đài Loan. Ảnh: Reuters/Getty.
Xin mời chia sẻ ảnh hoặc video đón năm mới ở nước ngoài của bạn về địa chỉ toasoan@zing.vn.