Zing trích dịch bài đăng trên The Straits Times, kể về 2 lần chiến thắng căn bệnh chết người (H1N1 và Covid-19) cách nhau 11 năm của Ustazah Nadia Hanim - Bệnh nhân 203 tại Singapore.
Ustazah Nadia Hanim (36 tuổi, giáo viên) xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào ngày 13/3 và trở thành Bệnh nhân 203 của Singapore.
Nadia cảm thấy không khỏe vào tối 11/3, sau khi trở về từ chuyến công tác tới Jakarta (Indonesia). Cô bị sốt, đầu đau nhói và toàn thân đau nhức. Ngày hôm sau, nhiệt độ cơ thể cô tăng lên 39,2 độ C, cảm giác khó thở cũng xuất hiện.
Nadia - có bệnh nền hen suyễn - tới Bệnh viện Đa khoa Changi (CGH) kiểm tra và được thông báo nhiễm virus SARS-CoV-2.
“Tôi chết lặng người, không nói nên lời”, bà mẹ 2 con nhớ lại.
Cô chia sẻ thêm: “Tôi không hoảng loạn, nhưng tâm trí như đang chạy đua để nhớ xem mình đã tiếp xúc gần với ai. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là lo lắng cho chồng và các con”.
Sau 3 tuần điều trị, Nadia được xuất viện vào ngày 29/3. Cô quyết định chia sẻ trải nghiệm của mình để nhắc nhở mọi người không coi nhẹ dịch bệnh.
Trên bờ vực tử thần
Trở lại năm 2009, Nadia thức dậy vào buổi sáng và cảm thấy khó thở sau vài ngày có triệu chứng cúm.
“Tôi cứ nghĩ đó là cơn cảm lạnh bình thường. Tôi mơ thấy mình bị chết đuối và bật dậy, thở hổn hển vì thiếu không khí. Phổi của tôi khi ấy như không còn hoạt động”, Nadia nhớ lại.
Sau đó, em gái Nadia đã gọi bố đưa cô đến CGH - bệnh viện gần nhà họ nhất.
Đôi môi Nadia tái nhợt do thiếu oxy. Cô ngất đi sau đó và cận kề cái chết.
“Tôi thực sự nghĩ rằng mình không qua khỏi. Trên đường tới bệnh viện, em gái vừa xoa lưng tôi vừa hét lên để bố lái xe nhanh hơn”, cô nói.
“Phổi tôi như bốc cháy, nước mắt đầm đìa. Tôi thở hổn hển, cố hết sức để hít thở không khí. Trong tâm trí, tôi nói đã sẵn sàng nếu cuộc sống của mình phải kết thúc ở đây”.
Bà mẹ 2 con thoát khỏi lưỡi hái tử thần 2 lần sau khi mắc căn bệnh chết người cách nhau 11 năm. |
Khi đến bệnh viện, nhân viên y tế nhanh chóng đưa Nadia vào trong bằng xe lăn và kiểm tra thân nhiệt của cô. Trước khi ngất đi, cô loáng thoáng nghe được mình sốt tới 43 độ C.
“Tôi không thể nhớ thêm bất cứ điều gì sau đó”, Nadia nói.
Cô sau đó có kết quả dương tính với bệnh cúm H1N1 và được chuyển vào khu cách ly. “Nơi tôi được điều trị khi đó trông giống hệt bây giờ”.
Năm 2009, H1N1 là đại dịch toàn cầu. Chỉ riêng ở Singapore, hơn 400.000 người nhiễm bệnh trong vòng chưa đầy một năm và 20 người đã chết.
Nadia phải thở bằng máy và được truyền thuốc qua tĩnh mạch. Cô được xuất viện sau gần 2 tuần điều trị.
Kể từ đó, mỗi khi cảm thấy không khỏe, cô lập tức tìm kiếm sự trợ giúp y tế vì không muốn có thêm trải nghiệm đáng sợ.
Gánh nặng tội lỗi
Trở lại vào tháng 3 vừa qua, kết quả kiểm tra bằng tia X cho thấy phổi Nadia gặp vấn đề. Cô lập tức được đưa đến phòng cách ly.
“Tôi không ngạc nhiên vì phổi của tôi luôn yếu, nhưng tôi không nghĩ gì về Covid-19. Tôi không mang theo bất cứ thứ gì và nghĩ rằng mình sẽ sớm được ra ngoài”, Nadia nói.
Tuy nhiên, nữ giáo viên sau đó dương tính với SARS-CoV-2.
Nadia được liệt kê là trường hợp “nhập khẩu” vì chuyến công tác tới Jakarta từ ngày 6-8/3. Cô không biết mình nhiễm virus từ đâu vì những người cô tiếp xúc gần ở Indonesia đều khỏe mạnh.
“Tôi mang gánh nặng tội lỗi. Tôi không biết làm sao để báo tin cho chồng. Cuối cùng, tôi đã gọi và anh ấy trấn an tôi”, Nadia nói.
Nadia liên tục nói xin lỗi chồng sau khi biết mình nhiễm Covid-19. |
Nữ giáo viên không biết làm gì hơn ngoài nói lời xin lỗi chồng liên tục. Sau đó, chồng cô động viên: “Đừng lo cho bố con anh. Cố khỏe lại trước đã”.
Chồng và 2 con nhỏ của Nadia, 8 và 4 tuổi, được cách ly cho đến ngày 26/3.
“Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là các con bị nhiễm bệnh. Mỗi sáng thức dậy, tôi đều hỏi tình hình sức khỏe của chúng. Khi chồng đảm bảo chúng vẫn ổn, tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm”, Nadia nói.
Rất may, các thành viên trong gia đình cô không nhiễm virus.
Nadia trò chuyện với chồng con qua video call mỗi ngày, nhưng cảm giác không thể ôm con khi chúng buồn bã vẫn khiến cô day dứt.
Vài ngày đầu tiên nhập viện, Nadia cảm thấy thời gian như dài bất tận. Cô dành khoảng thời gian này để suy ngẫm nhiều điều mà trước đây không thể vì lịch làm việc luôn chật cứng.
Thời gian đầu, giáo viên 36 tuổi bị sốt, đau đầu và đau nhức cơ thể. Một tuần sau, nhiều triệu chứng xuất hiện thêm như buồn nôn và tiêu chảy.
“Tôi lăn lộn trên giường, cố gắng chịu đựng những cơn đau”, cô nhớ lại.
Sau 2 tuần điều trị, Nadia bắt đầu cảm thấy tốt hơn. Cô được xuất viện vào ngày 29/3, sau 2 lần xét nghiệm âm tính với Covid-19.
“Đó là cảm giác tuyệt vời nhất”, cô nói.
Bước ra khỏi CGH, cô cùng chồng lên xe taxi và “không hề ngoái nhìn lại”.
Ngay khi bước vào nhà, Nadia muốn ôm các con vào lòng nhưng vẫn sợ.
“Tôi biết mình đã bình phục, nhưng phân vân mình nên đợi vài ngày trước khi làm điều đó. Tôi muốn khóc. Tôi tự dọn dẹp nhà cửa, đến gần các con nhưng vẫn giữ khoảng cách. Tôi hiểu mình nên thực hiện từng bước một”, cô nói.
Sau nhiều ngày, Nadia đã nhẹ nhõm khi được ôm hôn các con. Cô hy vọng mọi người không nên coi nhẹ dịch bệnh.
“Điều đáng lo ngại là nhiều trường hợp nhiễm bệnh mà không biết từ đâu. Virus này có thể tồn tại ở bất cứ đâu và bất kỳ ai”, nữ giáo viên nói.
Nadia cũng cảm ơn đội ngũ y tế đã chăm sóc mình và ghi nhớ tên của tất cả 35 người.
“Các y bác sĩ đầy lòng vị tha này cũng có những người thân yêu đang chờ ở nhà. Họ cũng lo lắng về việc nhiễm virus, nhưng không bao giờ thể hiện điều đó. Họ xứng đáng được ghi nhận vì sự hy sinh của mình”, cô nói.