Tôi là Hoàng Phi Kha (30 tuổi) hiện sống ở TP.HCM. 10 năm qua, tôi theo đuổi công việc người mẫu và diễn viên. Mọi thứ êm đềm trôi qua cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam. Cuộc sống đảo lộn, công ty bị phá sản khiến tôi rơi vào trạng thái suy sụp, trầm cảm. |
Hôm 29/5, tôi lên mạng và vô tình đọc được thông tin từ MC Quỳnh Hoa về việc kêu gọi làm tình nguyện viên chống dịch. Lúc ấy, tôi ngay lập tức đăng ký. Sau này, tôi mới biết mình là nghệ sĩ đầu tiên xung phong đi vào tâm dịch. |
Thú thực, ban đầu tôi cũng có chút lo lắng cho sự an toàn của bản thân. Nhưng sau đó, được các y bác sĩ nói về quy trình bảo hộ, tôi mới hoàn toàn an tâm. Để đảm bảo sức khỏe, tôi chăm chỉ tập thể dục tại nhà.
Ngoài ra, tôi cũng ăn uống đầy đủ chất, thường xuyên bổ sung trái cây, rau xanh. Quyết định trở thành tình nguyện viên chống dịch của tôi được nhiều đồng nghiệp, bạn bè ủng hộ. Một người em trong nghề khá thân thiết đã gửi tặng hộp vitamin C cùng lời động viên ấm lòng. |
Vào 4h chiều, tôi tự chạy xe máy đến địa điểm làm việc. Vài ngày đầu tiên, tôi tham gia hỗ trợ người dân lấy mẫu xét nghiệm tại quận Gò Vấp. Những ngày gần đây, tôi chuyển sang địa bàn quận 12 theo sự điều phối của tổ chức. |
Khi đến nơi, việc đầu tiên của tôi là khoác lên người bộ đồ bảo hộ, đeo bao tay, khẩu trang chuyên dụng và kính chắn. Lần đầu mặc đồ bảo hộ, tôi chưa quen nên hơi bức bối. Hơn bao giờ hết, tôi mới cảm nhận rõ ràng sự vất vả, khổ cực của đội ngũ y bác sĩ. |
Ngoài tôi, 10 nghệ sĩ khác cũng đăng ký tham gia vào chiến dịch tình nguyện viên. Chúng tôi hỗ trợ người dân lấy mẫu xét nghiệm, sắp xếp đồ đạc ở ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM để trưng dụng làm khu cách ly. Tôi rất vui vì các đồng nghiệp của mình đều không ngại khó khăn để xông pha vào điểm nóng của dịch bệnh. |
Trước khi bắt đầu vào ca trực, tôi ăn nhẹ bánh ngọt, uống chút nước. Vì nhiều giờ sau đó, tôi phải làm việc liên tục, không thể cởi đồ bảo hộ hay nghe điện thoại. |
Tôi và các đồng nghiệp tập trung lắng nghe các bác sĩ phổ biến về cách thức làm việc cụ thể trong ngày. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, chúng tôi chỉ nhận diện nhau bằng dòng chữ ghi tên từng người được dán ở kính chắn. |
Làm việc trong khu vực có dịch, yêu cầu lớn nhất đối với các tình nguyện viên là phải đảm bảo sự an toàn của bản thân và cộng đồng. Vì thế, chúng tôi tuân thủ mọi quy trình bảo hộ nghiêm ngặt, không để xảy ra sai sót nhỏ. |
Công việc cụ thể của tôi là hướng dẫn người dân xếp hàng, thực hiện giãn cách theo quy định. Sau đó, tôi đọc tên từng người dân để lần lượt bước vào việc lấy mẫu xét nghiệm. Ngày đầu tiên, tôi chưa quen nên khá lóng ngóng, vất vả. |
Chỉ sau vài ngày, khi đã thành thạo công việc, tôi trở thành người hướng dẫn cho một số tình nguyện viên mới. Người dân ở các địa điểm phong tỏa cũng dần có ý thức hơn. Họ không còn chen lấn, xô đẩy như ban đầu. |
Một ca trực, chúng tôi hỗ trợ khoảng 1.000 người dân lấy mẫu xét nghiệm. Cán bộ y tế lẫn tình nguyện viên đều làm việc liên tục, không ai dám uống nước hay đi vệ sinh. Vì việc tháo gỡ bộ đồ bảo hộ mất rất nhiều thời gian, ngoài ra nếu tháo không đúng cách sẽ dễ bị lây nhiễm. |
Trong khoảng thời gian hiếm hoi được nghỉ giải lao, tôi tranh thủ ngủ nằm ra sàn để chợp mắt, lấy lại sức. Trước khi quyết định làm tình nguyện viên, tôi từng nghĩ đến việc cạo trọc đầu. Sau này, tôi đã cắt tóc ngắn lại để thuận tiện cho công việc. |
Sau quãng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi, tôi trở lại công việc. Lúc này là khoảng 22h nhưng tôi vẫn tỉnh táo. Bình thường, tôi cũng là người quen thức đêm nên không có gì khó khăn. |
Tôi từng làm nhiều công việc thiện nguyện. Nhưng trở thành tình nguyện viên chống dịch có lẽ là quyết định táo bạo trong cuộc đời tôi. Thời gian này, tôi cũng ở nhà một mình, hạn chế tiếp xúc với mọi người để đảm bảo an toàn. |
Quá nửa đêm, dòng người lấy mẫu xét nghiệm vẫn xếp hàng dài. Nhiều em bé nhỏ khoảng 3-4 tuổi cũng được cha mẹ bế theo. Nhìn cảnh này, tôi thấy rất thương cảm. Chỉ mong dịch Covid-19 nhanh chóng được đẩy lùi để cuộc sống trở về trạng thái bình thường. |
Kết thúc ca trực, đồng nghiệp của tôi là diễn viên người Mỹ gốc Việt Peter Phạm xịt khử khuẩn toàn bộ người cho tôi. Sau đó, chúng tôi lại về quận đoàn Gò Vấp để phun khử khuẩn một lần nữa.
Trên đường trở về nhà, tôi mang đồ ăn cho một số người dân vô gia cư. Giai đoạn này, nếu giúp đỡ được ai, tôi đều cố gắng. 3h sáng, tôi mới về đến nhà. Nhưng trong tôi không một chút mệt mỏi. Hơn tất thảy, tôi thấy mình nhẹ nhõm, an yên khi được cho đi. |