Theo Wired, cách đây 7 năm, Henry Scragg lần đầu nhận được gói hàng bao gồm 12 chiếc đầu lâu của người và linh cẩu gửi đến tận nhà anh. Người làm vườn 28 tuổi đã sưu tập những thứ kỳ lạ từ trước, nhưng đây là lần đầu tiên anh mua một gói hàng như vậy từ eBay.
Scragg chụp lại những thứ mình vừa mua được và đăng tải lên Instagram với những hashtag như #skull, #skeleton hay #curiosity. Chẳng mấy chốc, anh ta nhận được nhiều lời đề nghị mua lại những chiếc đầu lâu trong chiếc hộp. Anh ta bán đi một ít, sau đó lấy vốn để bắt đầu đi buôn.
Giờ đây tài khoản Instagram của Scragg có 33.000 người theo dõi, và trở thành trung tâm của một mạng lưới buôn bán những bộ phận cơ thể người chết trên Instagram. Hầu hết người mua và bán đều là những nhà sưu tập, với sở thích là các bộ xương.
Những "nhà sưu tầm" này chủ yếu hoạt động trên Instagram, với hàng nghìn người theo dõi. |
Tuy nhiên, nhiều người không cho rằng đây đơn thuần là sở thích, nhất là khi người ta sẵn sàng lấy xương sọ của một người chết và làm giả chúng thành đầu lâu người thuộc của các bộ lạc thiểu số.
Các nhà nghiên cứu khảo cổ, lịch sử cũng lo ngại trào lưu này có thể gợi lại những ký ức đau buồn trong lịch sử của chế độ thực dân hàng trăm năm trước.
Thị trường ngày càng phát triển trên Instagram
Trước năm 2016, eBay là điểm đến của những người muốn tìm bộ phận cơ thể người chết. Tuy nhiên món hàng này đã bị cấm trên eBay vào năm 2016. Từ đó, Instagram trở thành điểm đến yêu thích của thú chơi kỳ quái này.
Các giao dịch diễn ra không khác mấy cách người thường mua bán trên Instagram. Người bán sẽ đăng ảnh và nói giá trong phần bình luận, còn người muốn mua sẽ liên lạc qua mục tin nhắn. Sau khi đạt thỏa thuận, món hàng sẽ được thanh toán và gửi đi.
Hai nhà khảo cổ Damien Huffer và Shawn Graham đã nghiên cứu thị trường chợ đen này từ năm 2013, và họ nhận ra giá trị thị trường tăng liên tục. Có những giao dịch với giá trị tới gần 20.000 USD.
Không giống như động vật quý hiếm, cổ vật hay vũ khí, việc buôn xương người ít bị hạn chế về mặt pháp luật hơn. Tại Anh, xương người có thể được buôn bán mà không cần giấy phép. Việc trưng bày các bộ phận cơ thể phải có giấy phép, nhưng đăng ảnh lên mạng thì lại không có quy định.
Không chỉ đầu lâu, các bộ phận khác của cơ thể người cũng được buôn bán trên Instagram. |
Tại Mỹ, chỉ có một số bang có quy định về việc buôn bán xương người. Lỗ hổng về luật pháp cho phép những con buôn hoạt động thoải mái trên Instagram ở nhiều quốc gia như Vương quốc Anh, Mỹ, Canada và châu Âu.
Theo đại diện của Facebook, việc buôn bán xương người vi phạm quy định của mạng xã hội này về buôn bán nội tạng, và có thể dẫn đến khóa tài khoản. Tuy nhiên, Instagram vẫn là nơi các nhà buôn trưng bày và tiếp cận khách hàng của mình một cách thoải mái.
“Thị trường buôn bán bộ phận cơ thể người trên Instagram tồn tại và giúp cho rất nhiều người có sở thích và sự ám ảnh tương tự kết nối với nhau. Nó đã khiến đây trở thành một hoạt động toàn cầu”, Wired dẫn lời ông Huffer nhận xét.
Thú chơi ghê tởm hay gây ám ảnh
Debbie Reynders, nhà sưu tầm người Bỉ, cho biết cô đã quá quen với việc nhận những ý kiến phán xét, ghê tởm từ người biết những gì mình sưu tầm.
“Những người ngoài cộng đồng của chúng tôi thường thấy đây là một việc ghê tởm. Dù vậy, những nhà sưu tập vẫn là những con người bình thường, dễ thương, nhưng không dễ gần, nhất là với những phóng viên”, cô Reynders nói.
Reynders cho biết mình cũng tình cờ mua một chiếc đầu lâu, và ban đầu khá sốc khi nhìn thấy vật phẩm mình mua. Tuy nhiên, dần dần đây trở thành một thú vui và sự ám ảnh với vợ chồng cô. Họ làm việc bán thời gian, và dành những khoảng thời gian rảnh để sưu tập và buôn bán, trao đổi bộ sưu tập của mình.
“Đây không phải là việc làm vì tiền. Chúng tôi bán đầu lâu để mua thêm nhiều đầu lâu hơn. Tôi nghĩ với những nhà sưu tầm thì họ cũng làm vậy”, Reynders cho biết.
Cách hoạt động của Instagram không chỉ tạo ra một địa điểm cho những nhà sưu tầm, mà còn khuyến khích những người có sở thích khi liên tục gợi ý những nội dung mà một người dùng có thể quan tâm. Scragg - giờ đây dành trọn thời gian để buôn bán các vật phẩm sưu tập - hiểu rõ cách tận dụng mạng xã hội này.
“Hầu hết mọi người khi nhìn thấy các bộ phận cơ thể người sẽ nảy ra những câu hỏi như đây là ai, họ đến từ đâu. Tuy nhiên, những vật phẩm này thực chất đã qua tay rất nhiều người, nên khi chúng về đến tay bạn cảm giác muốn biết nguồn gốc không còn lớn nữa”, Scragg giải thích.
Càng là những loại đầu lâu giống của người các bộ lạc, sản phẩm càng bán được giá. |
Nguồn gốc của những vật phẩm này thường là các bộ phận được sử dụng trong nghiên cứu khoa học, hoặc nằm trong các bộ sưu tập y khoa của bác sĩ.
Chúng thường xuất phát từ Ấn Độ, trung tâm giao thương các bộ phận cơ thể người dưới thời thuộc địa của Anh vào thế kỷ 19. Khi đó, người ta tin rằng các cơ sở y tế thường lấy xương người từ những nhà hỏa táng cho việc học tập của sinh viên.
Theo Giáo sư Samuel Redman thuộc Đại học Massachusetts Amherst, đến cuối thế kỷ 19 thì những bộ phận cơ thể bắt đầu chuyển từ đồ trưng bày thành vật phẩm hỗ trợ cho nghiên cứu y khoa. Sau đó, chúng bắt đầu trở thành vật sưu tầm, nhất là những chiếc đầu lâu thuộc về các bộ lạc.
Ngày nay, những loại đầu lâu thuộc về người các bộ lạc thiểu số bán được giá nhất. Scragg bán những chiếc đầu lâu là chiến lợi phẩm của người Borneo với giá 930 USD. Reynders cũng có một chiếc đầu lâu của người Asmat thuộc Papua New Guinea. Người Asmat thường trang trí đầu của người chết với sáp ong, lông và trang sức.
Thường thì những chiếc đầu lâu “xịn”, thuộc về những tộc người thiểu số sẽ ít được bán rộng rãi. Những nhà sưu tầm có thể làm các đầu lâu giả theo phong cách bộ lạc và bán chúng. Hầu hết người dùng trên Instagram quan tâm đến ngoại hình của đầu lâu hơn là nguồn gốc, độ thật.
Nhà khảo cổ học Damien Huffer cho rằng ngoài khía cạnh nguồn gốc, thú sưu tầm kỳ dị này cho thấy sự thờ ơ với lịch sử đầy đau thương của thú buôn xương người trong quá khứ. Theo ông Huffer, trong quá khứ khi người phương Tây bắt đầu sưu tầm đầu lâu của những bộ lạc, tỷ lệ giết người và lấy đầu tăng cao.
Về phía mình, những nhà sưu tầm như Scragg hay Reynders cho rằng mình vẫn có làm việc có nguyên tắc. Cộng đồng sưu tầm trên Instagram sẽ không chấp nhận những vật phẩm bị cướp, trộm.
“Nếu chúng tôi cảm thấy có gì mờ ám, chúng tôi sẽ không mua”, Reynders cho biết.
Những nhà sưu tầm này cũng cho biết họ hiểu rõ mình sẽ không được nhiều người chấp nhận. Với Scragg, ông cho rằng sự e dè đến từ thái độ của số đông khó chấp nhận cái chết, điều hiển nhiên sẽ xảy đến trong cuộc đời.
“Bạn đã bao giờ cầm một chiếc đầu lâu trên tay chưa? Tôi cho rằng bạn nên thử một lần, và giữ nó bên mình một thời gian. Bạn sẽ sớm nhận ra nó trống rỗng, nhưng đẹp đến thế nào. Và nếu như có nhu cầu, tôi có thể kiếm cho bạn một chiếc”, Scragg nói.