Ngày 23/4, Ban quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM gửi lại văn bản tới UBND quận 1, đề nghị kiểm tra biện pháp thi công đối với công trình khách sạn kết hợp nhà ở số 125-127 Lê Thánh Tôn mà trước đó có sự nhầm lẫn là nhà số 129 Lê Thánh Tôn.
Đánh giá thay đổi độ lún
Trao đổi với Zing.vn, lãnh đạo Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết trong hôm nay (24/4), cơ quan này làm việc với nhà thầu và tư vấn để tổng hợp số liệu quan trắc diễn biến lún nền và lún công trình lân cận nhằm đánh giá sự thay đổi trong thời gian qua. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phân tích, đánh giá xem còn có nguyên nhân nào khác gây lún các công trình lân cận nữa không.
Công trình khách sạn vẫn đang thi công trong khi nhân viên của ban quản lý, nhà thầu và tư vấn không thể vào bên trong để quan trắc, ghi nhận hiện trạng. Do vậy, lãnh đạo Ban quản lý ĐSĐT cho biết vẫn phải chờ Sở Xây dựng và UBND quận 1 kiểm tra dự án này để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến các công trình lân cận.
Trong lúc này, nhà thầu SMC4 vẫn chưa thể đào đất, thi công hệ khung chống lớp 3 đoạn hầm đào hở trên đường Lê Lợi như kế hoạch đề ra.
Kỹ sư quan trắc tình trạng lún nền và công trình trên đường Lê Lợi Ảnh: Sỹ Đông. |
Điều đáng chú ý, đoạn đường từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Pasteur cũng là đoạn có tường vây đường hầm metro đi qua bị điều chỉnh giảm độ dày từ 2 m xuống còn 1,5 m. Sau đó, tư vấn độc lập đã thẩm định và khuyến cáo thành phố gia cường thêm khung chống để tăng khả năng chịu lực của tường vây, giữ ổn định cho các công trình lân cận trên mặt đất.
Nói về khả năng liệu nhà dân có bị tác động trước tình trạng lún và tường vây giảm độ dày, TS. Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), nhận định nhà dân có thể xảy ra tình trạng lún nhưng còn phải xét đến nhiều yếu tố khác nữa. Riêng hầm metro nằm ở độ sâu hơn 40 m thì không bị ảnh hưởng gì.
Về việc nhà dân trên đường Lê Lợi bị lún, TS. Hồ Long Phi cho biết điều này không có gì bất thường bởi vì đơn vị thi công đã hút một lượng lớn nước ngầm cục bộ để thi công phần móng khách sạn.
Vị này phân tích việc hút nước ngầm sẽ tạo thành cái phễu, khi hút thì cát đá sẽ trôi theo và áp lực thủy tĩnh bị giảm xuống gây sụt lún. “Giống như nệm nước, khi tháo bớt nước ra thì nệm sẽ thụt xuống. Tầng nước ngầm cũng vậy, hút nước lên thì công trình bên trên bị lún do mất áp lực đẩy nổi”, TS. Hồ Long Phi dẫn chứng.
Sống trong thấp thỏm
Chuyên gia lĩnh vực quản lý nước cho biết nước ngầm thông với sông nên khi ngưng khai thác thì mực nước ngầm sẽ hồi phục. Dù vậy, những công trình bị lún không bao giờ được đẩy lên như trước mà sẽ ổn định ở vị trí cũ.
Trong khi đó, người dân lại khá lo lắng khi biết thông tin nhà mình bị lún dù chưa xác định cụ thể lý do là gì.
Chủ nhà số 52 Lê Lợi cho biết máy quan trắc được đặt ở nhà mình từ năm 2017. Lúc đặt máy quan trắc, nhân viên nói đó là thiết bị dùng để đo độ lún của cả một đoạn dài nên gia đình không lấy tiền điện. Từ đó đến nay, nhân viên mỗi ngày đến đo đạc bằng các thiết bị chuyên dùng nhưng không nói gì đến việc nhà bị lún.
Máy quan trắc được đặt ở nhà số 52 Lê Lợi để đo độ lún công trình Ảnh: Sỹ Đông. |
Những ngày gần đây, người dân chỉ biết được thông tin về độ lún qua báo chí chứ chưa nhận được thông báo từ cơ quan chức năng nên tâm trạng lúc nào cũng thấp thỏm.
“Khi nào lún nghiêm trọng kiểu như xé tường thì mình mới biết chứ lún bao nhiêu cm thì mình không thể cảm nhận được. Cơ quan chức năng nói trên báo là lún do hút nước ngầm nhưng có thể lún từ phía bên ngoài hàng rào đang thi công metro. Nhưng lún do đâu thì cơ quan Nhà nước cũng cần phải nghĩ đến an toàn và quyền lợi của người dân”, chủ nhà số 52 Lê Lợi đặt vấn đề.
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đã yêu cầu chủ đầu tư dự án khách sạn kết hợp nhà ở số 125-127 Lê Thánh Tôn trong tuần này phải cung cấp hồ sơ chứng minh biện pháp thi công đảm bảo an toàn.
Cuối năm 2018, dự án tuyến metro số 1 “lùm xùm” chuyện thay đổi độ dày tường vây ngầm gói thầu 1a từ 2 m trong thiết kế được duyệt xuống còn 1,5 m khi thi công thực tế. Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra TP.HCM đánh giá việc điều chỉnh này là có vi phạm.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết việc điều chỉnh này do Ban quản lý ĐSĐT làm không đúng trình tự thủ tục theo quy định. Sau đó, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết sẽ thuê tư vấn độc lập để thẩm định lại sự thay đổi này.
Tuyến đường sắt đô thị số 1 thuộc Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020. Khởi công tháng 8/2012, tuyến ĐSĐT số 1 dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Dự án có 2,6 km đi ngầm và hơn 17 km trên cao.
Quy hoạch đường sắt đô thị ở TP.HCM gồm 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố với tổng chiều dài khoảng 220 km, tổng vốn đầu tư lên tới 25 tỷ USD.
Vị trí bị sụt lún (điểm đỏ). Ảnh: Google Maps. |