Sướng như SCIC
Nhìn vào kết quả hoạt động kinh doanh của SCIC năm 2012 có thể thấy hoạt động chính là gửi tiết kiệm và lĩnh cổ tức. Hai hoạt động này chiếm tới 96% nguồn thu.
Theo báo cáo tổng kết hoạt động năm 2012 và kế hoạch năm 2013 của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), trong năm 2012, “siêu tổng công ty” đạt lợi nhuận trước thuế 4.582 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.974 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2011.
Tổng chi phí (không kể hoàn nhập dự phòng) chỉ là 121 tỷ đồng, tương đương 3% lợi nhuận sau thuế (LNST) và 0,2% tổng tài sản. Nếu dựa vào chỉ tiêu kể trên, có thể nói nghiệp vụ quản lý tài sản của SCIC hiệu quả không kém gì các quỹ đầu tư dạng thụ động (passive management fund).
Tiền gửi và "Bò sữa"
Đóng góp chính vào kết quả kinh doanh (KQKD) ấn tượng của SCIC là hai hoạt động gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi và lĩnh cổ tức Vinamilk.
Thực vậy, năm 2012 vừa qua, SCIC ghi nhận 1.568 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng dưới dạng doanh thu tài chính và 1.001 tỷ đồng cổ tức Vinamilk. Vậy là ngân hàng và "bò sữa" mang về hai phần ba tổng doanh thu của SCIC.
Siêu tổng công ty cho biết doanh thu tài chính trên chỉ đạt 98% kế hoạch, tuy nhiên vẫn tăng 6% do nguồn tiền gửi SCIC tăng lên. Trong số 2.151 tỷ đồng doanh thu cổ tức của SCIC, Vinamilk chiếm gần một nửa, và vì doanh thu cổ tức không phải nộp thuế TNDN nên cổ tức “bò sữa” góp 25% LNST của SCIC.
SCIC còn hưởng cổ tức từ một số doanh nghiệp khác như FPT Telecom (175 tỷ), VinaRE (VNR, 61 tỷ), Dược Hậu Giang (DHG, 57 tỷ), Bảo Minh (BMI, 46 tỷ), FPT mẹ (47 tỷ). Tổng cộng, hai hoạt động gửi tiết kiệm và lĩnh cổ tức đóng góp 96% nguồn thu cho SCIC.
Trong năm 2012, hoạt động bán vốn nhà nước của SCIC chỉ thu về có 170 tỷ đồng, trong đó khoảng 2/3 là nhờ vụ thoái vốn khỏi Bao bì Nhựa Tân Tiến (TTP). Doanh thu bán vốn cả năm chỉ đạt 25% về giá trị và 14% về khối lượng so với kế hoạch.
Đối với kết quả lợi nhuận, cũng không thể không kể đến vụ thoái vốn đầy may mắn khỏi hãng hàng không Jetstar Pacific. SCIC góp gần 70% trong tổng số vốn điều lệ 1.317 tỷ đồng của Jetstar, tức giá trị vốn góp khoảng 921 tỷ đồng. Tới cuối năm 2011, do Jetstar liên tục làm ăn thua lỗ, có thời điểm lỗ tới 40 tỷ/ngày nên SCIC đã phải trích lập dự phòng 815 tỷ đồng.
May sao tới đầu năm 2012 lại có chủ trương “điều chuyển nguyên trạng” Jetstar từ SCIC cho Vietnam Airlines. Nhờ quyết định này mà SCIC hoàn nhập được khoản trích lập dự phòng kể trên, khiến tổng chi phí âm gần 694 tỷ đồng.
Ngồi trên đống tiền
Từ thông tin 1.568 tỷ đồng lãi tiền gửi kể trên, với mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh còn 8% (trích báo cáo của SCIC), có thể suy đoán SCIC đang sở hữu lượng tiền mặt quãng 19.000 tỷ đồng, tức chiếm khoảng 25-30% trong số 62.000 tỷ tài sản (số liệu tổng tài sản theo website của SCIC). Tới cuối năm 2012, VCSH của SCIC là 27.720 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ tiền mặt trên VCSH của SCIC vào khoảng 55-75%, còn cao hơn cả Cáp Sài Gòn ở thời điểm trước khi giải thể (khoảng 47%).
Trong số các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn, đương nhiên không ai “đọ tiền” nổi với SCIC, có chăng nếu hai doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất là GAS và VNM hợp lực, may ra tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng mới sánh nổi với SCIC (tổng cộng hai đại gia này đang có hơn 17.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng).
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp giải thể phá sản, kết quả làm ăn nhiều DN sa sút, các đại gia ngân hàng lừng lẫy cũng bắt đầu nếm mùi lỗ, cắt giảm, tái cơ cấu... mà có nhiều tiền mặt như thế và nhiều cổ phiếu của 1 trong những DN làm ăn tốt nhất Việt Nam - Vinamilk, thì có thể nói SCIC thật "sướng". Nhìn ra thế giới, tới cuối năm 2012 Apple tích trữ hơn 137 tỷ USD và đang bị thúc giục trả bớt tiền cho cổ đông, thậm chí có cổ đông còn đâm đơn kiện.
Câu hỏi đặt ra là liệu SCIC có nên dùng lượng tiền nhàn rỗi gần gần 20.000 tỷ kể trên, thậm chí bán bớt danh mục đầu tư với riêng cổ phiếu niêm yết đã có giá trị hơn 52.000 tỷ để trả bớt tiền cho chủ sở hữu Nhà nước, nhất là trong tình hình ngân sách đang thiếu hụt trầm trọng như hiện nay?
Theo CafeF/TTVN