Thương vụ Việt Nam tại Brazil vừa đưa ra khuyến cáo cơ quan chức năng siết chặt nhập khẩu thịt và sản phẩm từ thịt của quốc gia này, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong nước.
Theo khuyến cáo, hiện nhiều công ty sản xuất thịt của Brazil (trong đó có 2 doanh nghiệp chiếm sản lượng lớn nhất là JBS và BRF) bị điều tra về hành động hối lộ nhân viên, để được cấp phép lưu thông và xuất khẩu thịt nhiễm bẩn, sử dụng hóa chất cấm.
Thông tin này đang gây nên cơn sốt lớn, bởi Brazil là nước sản xuất thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất thế giới. Sản phẩm của Brazil có mặt ở 150 nước và vùng lãnh thổ, chiếm chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt toàn thế giới.
Bộ Công Thương dẫn số số liệu của Bộ Công nghiệp và Ngoại thương Brazil, trong hai tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam đạt 12,8 triệu USD, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam.
Một số mặt hàng thịt Việt Nam nhập như thịt bò, cánh gà.
Theo ghi nhận ngày 21/3, hiện nhiều cửa hàng kinh doanh trực tuyến vẫn nhộn nhịp rao bán thịt bò nhập khẩu từ Brazil.
Sau bê bối thịt bẩn, nhiều trang mạng vẫn rao bán thịt nhập từ Brazil. |
Chị Phượng, đại diện một công ty chuyên kinh doanh thịt nhập khẩu tại Hà Nội, cho hay cơ sở này hiện cung cấp nhiều loại thịt nhập khẩu từ Úc, Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Không đắt hàng như các sản phẩm khác nhưng thịt bò Brazil được khá nhiều khách ưa chuộng, đặc biệt là khách hàng mua sỉ, để về phân phối lại cho các đại lý, điểm bán lẻ.
Chị Phương cho biết, hiện giá bắp bò dao động từ 140.000-160.000 đồng/kg.
Còn trên fanpage của chuỗi cửa hàng có tên L.M, chuyên cung cấp thịt nhập khẩu, rao bán thịt sườn Brazil với giá 99.000 đồng/kg, hay thịt ba chỉ hảo hạng giá 199.000 đồng/kg.
Nhân viên bán hàng của một công ty nhập khẩu thịt có chi nhánh trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), cho biết thịt bò Brazil tại công ty có sức tiêu thụ khiêm tốn. Và loại thịt này đã ngưng nhập từ 2 tháng nay, chưa biết thời điểm bán lại.
Tuy không tiết lộ lý do cụ thể, nhưng nhân viên này thông tin hiện hệ thống đang đẩy mạnh kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu từ những quốc gia chăn nuôi uy tín như Australia, Mỹ và Đan Mạch.
“Chúng tôi có quy trình bảo quản để đảm bảo thịt vẫn tươi ngon khi về đến Việt Nam và có giấy chứng nhận, kiểm định của cơ quan chức năng. Chắc chắn không có chuyện bán hàng không đảm bảo chất lượng”, nhân viên này cho biết thêm.
Ngoài thịt bò, một số cửa hàng còn rao bán nhiều sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu từ Brazil.
Một cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Tráng (quận 1) cho biết đang có chương trình giảm giá cánh gà xuất xứ Brazil từ 120.000 đồng xuống còn 99.000 đồng. Các loại thịt ba chỉ Mỹ giá 239.000 đồng/kg, thăn bò Mỹ 549.000 đồng/kg...
Hầu hết siêu thị tại TP.HCM không bán thịt Brazil, mặt hàng nhập chủ yếu từ Mỹ, Úc. Ảnh: Phạm Oanh. |
Sau khi xuất hiện thông tin thịt nhiễm bẩn tại thị trường này, chị Thúy (ngụ quận Bình Thạnh) bày tỏ lo lắng vì chị vẫn thường mua thịt nhập khẩu trong siêu thị về chế biến.
“Tôi thường chọn mua thịt nhập khẩu của Úc, giá nhỉnh hơn thịt cùng loại xuất xứ từ quốc gia khác nhưng chất lượng có vẻ tin tưởng hơi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng nếu thịt bò Brazil hoặc Agrentina có khuyến mãi thì tôi vẫn dùng”, chị Thúy nói.
Khảo sát tại quầy thịt của nhiều hệ thống siêu thị lớn như Mega Market (quận 2), Emart và Co.opmart (quận Gò Vấp), hàng bày bán chủ yếu được chăn nuôi và giết mổ trong nước, một số ít nhập khẩu từ Mỹ và Úc.
Đại diện Saigon Co.op cho biết các siêu thị thuộc hệ thống Co.opmart từ trước đến nay không bán thịt nhập khẩu từ Brazil, sản lượng tiêu thụ chủ yếu là mặt hàng chăn nuôi trong nước.
Để đảm bảo nguồn cung từ một mối và thuận tiện trong việc kiểm soát chất lượng, toàn bộ thịt của siêu thị, bao gồm thịt nhập khẩu là của nhà cung cấp Công ty CP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan).
Đại diện hệ thống Satra cũng chia sẻ đơn vị này không bán thịt nhập khẩu. Thịt bò, heo, gà bán lẻ tại siêu thị là thịt trong nước, được cung cấp bởi các đầu mối là các doanh nghiệp thành viên.
Cảnh sát liên bang Brazil vừa thông báo mở cuộc điều tra việc xuất nhập khẩu thịt bẩn được cho là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử ngành nông nghiệp nước này.
Theo đó, nhiều sản phẩm thịt bẩn và xúc xích của các công ty bị cáo buộc có các thành phần không đảm bảo vệ sinh, và để làm mất mùi hôi bằng cách dùng loại axit không được cấp phép dùng cho thực phẩm, nhanh chóng các sản phẩm này có mặt tại các kệ hàng trong hệ thống các chuỗi siêu thị nội địa.
Theo thông tin của cảnh sát, thì một số sản phẩm thị nhiễm vi khuẩn Salmonella đang trên đường xuất khẩu sang châu Âu.
Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu, Mỹ, và Trung Quốc đã có chính thức yêu cầu phía Brazil giải trình về bê bối thịt bẩn nêu trên.