Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sức mua dịp Tết Tân Sửu tăng bất chấp dịch Covid-19

Sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tăng 3-5% so với tháng thường và tăng 7-10% so với cùng kỳ năm 2020.

Bộ Công Thương cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phương thức mua hàng dịp Tết Tân Sửu có sự thay đổi. Việc mua bán trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhằm tránh đến những nơi đông người, so sánh được giá bán của nhiều nhà cung cấp, mua hàng được từ những khu vực cách xa về địa lý...

Trong khi đó, các trung tâm thương mại, siêu thị vẫn thu hút được lượng tương đối lớn khách hàng đến mua sắm. Tại các chợ dân sinh, lượng mua hàng tuần gần Tết cũng tăng so với ngày thường nhưng không mạnh như các năm trước, giá hàng hóa không có biến động nhiều.

“Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu chỉ tăng 3-5% so với tháng thường và tăng 7-10% so với cùng kỳ năm 2020”, Bộ Công Thương thông tin.

Suc mua dip Tet Tan Suu tang bat chap dich Covid-19 anh 1

Khách mua sắm trong siêu thị ngày mùng 2 Tết. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cụ thể, ngày mùng 1 Tết, hoạt động mua bán diễn ra rất ít, cùng với lo ngại dịch Covid-19 nên người dân hạn chế đi chúc Tết, lễ chùa. Từ ngày mùng 2, mùng 3 Tết, một số doanh nghiệp phân phối và tiểu thương tại chợ bắt đầu bán hàng trở lại; nhu cầu hàng hóa vào những ngày này chưa cao và tập trung vào mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng.

Do nguồn cung dồi dào, trong khi sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng giữ ổn định so với những ngày cận Tết. Các mặt hàng rau củ quả vụ Đông nguồn cung tốt, giá tương đối thấp. Thị trường nhìn chung không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm, kể cả tại những khu vực cách ly vì dịch Covid-19.

Trước Tết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thịt lợn với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.

Đồng thời, chủ trì phối hợp với một số bộ, ngành tổ chức đoàn làm việc tại Hà Nội, TP.HCM, Yên Bái, Đà Nẵng về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Quà Valentine ảm đạm trên phố, nhộn nhịp trên mạng

Ngày Valentine trùng mùng 3 Tết, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thị trường hoa, quà tặng tại các cửa hàng truyền thống ế ẩm. Nhiều người chọn cách mua hàng online.

Tuấn Hùng

Bạn có thể quan tâm