Sức mạnh vũ khí Tập Cận Bình mang 'hụt' về cho TQ
Trung Quốc suýt chút nữa đã mua được 24 chiếc tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35 cùng 4 tàu ngầm động cơ đẩy không khí độc lập AIP Amur-1650.
Khi giới truyền thông thế giới còn đang sôi sục với thông tin Trung Quốc ký được bản hợp đồng vũ khí "khủng" với Nga, Moscow lập tức phủ nhận. Theo hãng thông tấn ITAR-TASS, trong chuyến thăm chính thức tới Moscow của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 2 lãnh đạo không hề bàn luận các vấn đề liên quan tới hợp tác công nghệ, quân sự. Thông tin này được đưa ra sau khi CCTV của Trung Quốc đưa tin cùng ngày.
"Kremlin chính thức phủ nhận việc thảo luận vấn đề buôn bán vũ khí trong chuyến thăm của ông Tập" - Vasiliy Kashin, một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết - "Các hợp đồng thương mại vũ khí chưa bao giờ trở thành đề tài luận đàm của các quan chức cấp cao".
Defensenews dẫn lời một nguồn tin khác cho biết Nga vẫn còn rất "dè dặt" với thỏa thuận thương mại này.
Nga cho rằng Trung Quốc đã cố tình vi phạm thỏa thuận quyền sở hữu trí tuệ khi sao chép và sản xuất tiêm kích Su-27 của Nga dưới cái tên J-11B nhờ sử dụng công nghệ đảo ngược.
Vì thế, nhiều nghi ngờ dấy lên cho rằng Trung Quốc sẽ có được cách chế tạo tiêm kích Su-35, tàu ngầm lớp Amur và làm ra một biến thể của riêng nước này.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều quanh vấn đề này. Gary Li, chuyên gia của IHS Fairplay cho rằng khả năng phát triển và nghiên cứu của Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ: "Trung Quốc không còn sử dụng kỹ nghệ đảo ngược đối với tất cả mọi thứ mua về nữa nhưng có lẽ họ sẽ dùng một số chi tiết của các dự án khác để tích hợp vào thiết kế nội địa".
Như vậy, Trung Quốc thêm một lần nữa bỏ lỡ cơ hội là khách hàng đầu tiên của loại vũ khí tối tân này. Su-35 được đánh giá là tiêm kích thế hệ 4++ không có đối thủ xứng tầm trên thế giới.
Ngoại trừ tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ thì những tiêm kích thế hệ 4+ khác của phương Tây như F-15E, F/A-18E/F Super Hornet, Rafale, EF-2000 Typhoon JAS-39 Gripen đều bị Su-35 qua mặt gần như ở mọi chỉ số.
Su-35 hội tụ những tinh hoa công nghệ hàng không hàng đầu của Nga. Máy bay được trang bị động cơ đẩy vector đa chiều, radar quét mạng pha điện tử chủ động Irbis-E, khả năng mang tải trọng vũ khí lớn. Su-35 thực sự là một vũ khí mang tầm chiến lược. Bất kỳ quốc gia nào được trang bị loại tiêm kích tối tân này đều có thể làm thay đổi toàn bộ cán cân quân sự trong khu vực.
Châu Á sẽ không còn là khu vực bình yên nếu có sự xuất hiện của tiêm kích Su-35 trong biên chế Không quân Trung Quốc. |
Còn với tàu ngầm động cơ đẩy không khí độc lập AIP Amur-1650 (loại động cơ có khả năng hoạt động mà không cần phụ thuộc vào không khí bên ngoài), tuy còn một số vấn đề kỹ thuật cần giải quyết nhưng đây vẫn là một trong những tàu ngầm phi hạt nhân được đánh giá hàng đầu thế giới hiện nay.
Amur-1650 là biến thể xuất khẩu của tàu ngầm thế hệ thứ 4 lớp Lada. Đây là loại tàu ngầm kế thừa và phát triển từ tàu ngầm được mệnh danh “Hố Đen” lớp Kilo. Tàu ngầm lớp Lada được trang bị động cơ đẩy không khí độc lập AIP thế hệ mới do Nga phát triển giúp tàu ngầm hoạt động êm hơn và lâu hơn dưới nước.
Tàu ngầm được tích hợp các hệ thống điện tử. Tương tự như Su-35, tàu ngầm lớp Lada sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực dưới lòng đại dương nơi nào nó xuất hiện.
Cán cân quân sự trong lòng biển vốn đã mất cân bằng với hạm đội tàu ngầm đông đảo của Trung Quốc. |
Việc Trung Quốc muốn mua hai loại vũ khí tối tân này cho thấy, nước này vẫn phải phụ thuộc vào Nga trong quá trình hiện đại hóa trình độ kỹ thuật quân sự trong nước. Hé lộ về thương vụ mới đây với Nga đã "giải thiêng" những chương trình vũ khí được Trung Quốc quảng bá rầm rộ thời gian qua như máy bay tàng hình J-20, J-31, hay dự án tự lực phát triển công nghệ AIP cho tàu ngầm.
quốc việt - Anh Thư
Theo Infonet