Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sức mạnh của 'xin lỗi', 'cảm ơn'

Xin lỗi và cảm ơn là biểu hiện cao nhất của tính người, vì nó là biểu hiện cao nhất của ý thức.

Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công 2 là phần tiếp theo của cuốn sách best-seller cùng tên của TS Lê Thẩm Dương đã được xuất bản cách đây ít lâu. Được sự đồng ý của đơn vị giữ bản quyền và độc quyền phát hành Fahasa, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.

Xin lỗi và cảm ơn, theo tôi là biểu hiện cao nhất của tính người, vì nó là biểu hiện cao nhất của ý thức. Đứng ở góc độ đời thường, chú bắn quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ giết chú bằng đại bác. Không biết cảm ơn, xin lỗi quá khứ, tương lai sẽ “nện” chú tơi bời.

Người biết dụng hai chữ “cảm ơn”, “xin lỗi” thì làm việc thuận lợi vô cùng. Bởi đây là hai chữ dễ chiếm được cảm tình của người đối diện nhất, dễ thỏa mãn được người đối diện về cảm xúc nhất. Khi cảm xúc được thỏa mãn rồi thì chín bỏ làm mười, bảy bỏ làm mười, mà hai cũng bỏ làm mười được. Còn ngược lại, cảm xúc không được thỏa mãn, có là 9,8 cũng đưa nhau ra tòa.

Suc manh cua 'xin loi',  'cam on' anh 1
TS Lê Thẩm Dương. 

Cảm ơn, xin lỗi phải trở thành văn hóa, trong công ty, trong gia đình, của dân tộc. Ngược với cảm ơn, xin lỗi là đổ lỗi, vô ơn. Một công ty, gia đình, dân tộc mà vô ơn lấn át cảm ơn, đổ lỗi lấn át xin lỗi thì chết.

Tuy nhiên, cảm ơn không đúng cách, xin lỗi không đúng cách cũng không được, phản tác dụng ngay. Cảm ơn, xin lỗi đúng, đầu tiên phải chân thành.

Nhiều người đọc Đắc nhân tâm nhưng theo tôi biết thì không mấy người dụng được nó vào cuộc sống, công việc. Họ không dụng được nó là vì không biết đặt chân thành vào nó. Đắc nhân tâm không được đi cạnh chân thành thì vô nghĩa.

Một lưu ý nữa là, để lời cảm ơn, xin lỗi được chấp nhận, phát huy hiệu quả tuyệt đối, thì những lời ấy cần được bày tỏ đúng mức độ. Bất cứ điều gì thái quá đều khiến người đối diện của chúng ta chuyển sang trạng thái tâm lý tự vệ. Và cuối cùng, cần phải biết kết hợp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.

Xin lỗi, cảm ơn bằng lời nói (ngôn ngữ) đem lại hiệu quả 45%, hành động (phi ngôn ngữ) (ánh mắt, nụ cười) đem lại hiệu quả 55%. Tóm lại, nếu phải chọn thì cái khoanh tay vĩ đại hơn lời nói nhiều.

Nhưng nhiều khi không cần khoanh tay cũng vẫn hiệu quả, chỉ cần ngồi nghiêm túc, đứng nghiêm túc, mắt nhìn thẳng, cơ mặt không đùa cợt, ánh mắt thiện chí, thừa tay thì khoanh, không thì đứng cho khiêm tốn thôi cũng đủ để người đối diện cảm nhận được bạn đang xin lỗi, cảm ơn chân thành rồi.

Suc manh cua 'xin loi',  'cam on' anh 2
Sách Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công 2.

Muốn xây dựng được văn hóa xin lỗi, cảm ơn trong gia đình, ngoài xã hội, thì đầu tiên là dạy người lớn, rồi con trẻ sẽ nhìn hành vi của người lớn mà làm theo, vì cách dạy con trẻ tuyệt vời nhất là dạy bằng hành vi. Ra sức giảng giải nhưng bố sai mà không xin lỗi mẹ thì còn lâu con mới biết thế nào là xin lỗi, chứ chưa nói gì đến văn hóa xin lỗi.

Ngoài xin lỗi, cảm ơn, thì biết khen ngợi cũng là biểu hiện của những người đàn ông và phụ nữ mạnh mẽ. Họ mạnh vì vượt qua được chính mình, để thừa nhận người khác. Xin lỗi - cảm ơn - khen ngợi là công cụ dẫn đường cho những hành vi đẹp.



Trích sách "Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công 2"

Bạn có thể quan tâm