Người Nhật thường tự hào về những bộ truyện tranh bóng đá nổi tiếng như Tsubasa, Fantasista hay Whistle. Nhìn ra thế giới, những danh thủ nổi tiếng như Fernando Torres, Zidane, Thierry Henry hay Alexis Sanchez thừa nhận họ đã lớn lên với ký ức về Tsubasa.
Trong dòng chảy mạnh mẽ của manga bóng đá Nhật Bản, bộ “truyện Jindo - Đường dẫn đến khung thành", hay trong lần tái bản lần 2 với tên gọi "Itto - Cơn lốc sân cỏ" và "Itto - Sóng gió cầu trường" nằm ở một góc khuất khác.
Jindo là tuổi thơ của rất nhiều độc giả 8X, 9X tại Việt Nam. Ảnh: Pinterest. |
Trong top 10 bộ manga Nhật Bản về bóng đá hay nhất được Anime Planet bình chọn, Tsubasa hay Fantasista chiếm những vị trí dẫn đầu và không có tên Kattobi Itto hay Buttobi Itto.
Thế nhưng, tại Việt Nam, Jindo và các đồng đội mới là những người tạo nên sức hút mạnh mẽ nhất, vượt qua cả những Tsubasa hay Fantasista.
Bản dịch thú vị
Cùng với “7 viên ngọc rồng”, “Doremon” hay “Dấu ấn rồng thiêng”,... “Đường dẫn đến khung thành” là một trong những tác phẩm gây ấn tượng, trong giai đoạn làn sóng truyện tranh Nhật Bản bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam.
Bộ truyện về bóng đá của tác giả Monma Motoki lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1998, với tên gọi “Jindo - Đường dẫn đến khung thành”.
Bộ truyện năm 1998 được dịch từ bản tiếng Hoa của nhà xuất bản Đông Lập (Đài Loan, Trung Quốc), có tham khảo thêm bản tiếng Nhật, chứ không được dịch trực tiếp thông qua bản gốc.
Điều này dẫn đến việc bộ “Jindo - Đường dẫn đến khung thành” bị đánh giá là dịch nhiều chi tiết phóng đại, cũng như dịch không sát với phiên bản gốc của tác giả Motoki.
Thế nhưng, chính bản dịch năm 1998 ấy lại tạo nên sức hút kỳ lạ cho tác phẩm tại Việt Nam. Những cái tên như “Yara máy ủi”, “Tóc vàng mắt xệ”, “Tiểu cát”, “Thủ môn hói 10 yên”, “Siêu cầu thủ siêu người mẫu Ogai”,… đã tạo nên cả một bầu trời tuổi thơ với những tràng cười bất tận cho thế hệ 8X, 9X.
“Tôi thích bản dịch cũ với những cái tên như Jindo, Yara ‘máy ủi’, hay thủ môn bốn mắt hơn…”, anh Hoà, một độc giả trẻ sinh năm 1993 chia sẻ với Zing. “Sau này bộ truyện này được tái bản và giữ nguyên tinh thần của bộ truyện gốc ở Nhật, nhưng tôi thấy không quen lắm, và cũng ít hài hước hơn bộ cũ”.
Nhiều độc giả khác cũng khẳng định bộ truyện gốc của tác giả không thật sự hài hước như bản dịch “chế” năm 1998. Jindo đúng là sở hữu tính cách quậy phá, nghịch ngợm tinh quái, liên tục tạo ra những tình huống gây cười.
Nhưng làm sao mà tác giả Motoki có thể lồng ghép nhiều câu ca dao, tục ngữ, thơ “chế” vào các đoạn hội thoại trong truyện được?
Đơn cử như một đoạn Rasuran, ngôi sao của đội Biển Xanh, người sở hữu cú sút vòng cung nổi tiếng trong truyện đến tán tỉnh Yagi, nữ quản lý đội bóng của trường Seiga.
Rasuran thậm chí sử dụng cả tiếng địa phương (hình minh hoạ dưới) trong quá trình cưa cẩm nhân vật nữ chính duy nhất trong bộ truyện này.
Một đoạn Rasuran cưa cẩm Yagi sử dụng tiếng địa phương. |
Các độc giả cảm thấy thú vị vì các dịch giả đã Việt hoá bộ truyện đến mức như vậy.
Hay trong một lần thầy giáo Ozawa, huấn luyện viên của đội Makura, ông thầy hay dùng hàng hiệu bị Hanyu và Jindo phá hỏng đồ, người dịch chơi hẳn chữ “bị chạm mạch” để mô tả ông thầy này.
Những nhân vật huyền thoại
Một cái hay của bộ truyện về Jindo mà tác giả Motoki đã tạo ra đó là tính cách và lối chơi của những cầu thủ trong truyện. Bộ truyện từng bị chê là có nhiều tình tiết không thực tế, nhưng nhiều người đọc có thể tìm thấy hình ảnh của chính mình trên sân bóng qua lối chơi của những Jindo, Yara, Kai hay thủ môn hói 10 yên Chika.
Bộ truyện kể trên được tác giả Motoki xuất bản lần đầu vào năm 1985, thế nhưng sau này nhiều người đã tìm thấy không ít sự tương đồng giữa các nhân vật trong truyện với nhiều cầu thủ bóng đá nổi tiếng.
“Thủ môn Hakone có thể là Neuer chăng, Iosha thì giống Baresi vô cùng, còn Yamazaki trong mắt tôi chẳng khác gì Ibrahimovic”, Lộc, một độc giả khác, chia sẻ với Zing.
Khả năng bắt bóng bổng của Chika khiến nhiều người đọc liên tưởng đến nhiều thủ môn ngoài đời. |
Chika cực mạnh trong các tình huống đối đầu, thậm chí Jindo cũng phải chào thua. Thế nhưng, Jindo sau đó phát hiện ra yếu điểm của Chika, đó là những cú sút bóng bổng nhẹ từ trên trời rơi xuống.
Chika luôn bối rối trước những pha bóng bổng nhẹ nhàng, phân vân giữa việc đấm hay bắt bóng, dù khả năng phản xạ của anh cũng được xếp vào hàng "quái kiệt" trong truyện.
Sự sáng tạo của tác giả Motoki, cũng như bản dịch thuần Việt của năm 1998, thời điểm trào lưu truyện tranh Nhật bắt đầu gây dấu ấn tại Việt Nam, đã để lại ấn tượng đậm nét trong ký ức của nhiều người trẻ.