Thứ hạng thẻ bo góc có thể quyết định "địa vị xã hội" của học sinh ở trường. Ảnh: VCG. |
Một kênh livestream, một chiếc kéo và một giá nhựa chứa đầy các bộ thẻ in hình nhân vật hoạt hình. Đó là tất cả những gì bạn cần để bắt đầu kiếm tiền trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc. Là chủ kênh, bạn thậm chí còn không cần lộ mặt, nhưng vẫn có thể thu hút hàng nghìn khán giả.
Mặt hàng đang được bán trên sóng livestream này là những tấm thẻ bo góc được in hình các nhân vật trò chơi, truyện tranh. Chúng sẽ không được tiết lộ cho đến khi người chủ mở gói.
Trong những buổi livestream này, may mắn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Vài người có thể bóc ra nhân vật yêu thích ngay lần thử đầu tiên, trong khi nhiều người khác đã mua tận 3 gói nhưng vẫn không gặp may.
Điều gì khiến trẻ em dán mắt hàng giờ để xem livestream mở hộp?
Theo World of Chinese, trong khi Gen Z đang đua nhau sưu tầm những mô hình đồ chơi blind box Pop Mart, thế hệ trẻ hơn - Gen Alpha - ở Trung Quốc lại phát cuồng với thẻ bo góc. Tâm lý đằng sau xu hướng này rất đơn giản. Nếu mọi người đều mua, không ai muốn là người duy nhất tụt hậu. Thẻ càng hiếm, chúng càng được bạn bè chú ý.
“Nếu bỏ lỡ buổi livestream, em sẽ cảm thấy lo lắng cả ngày”, Fang Si, một học sinh lớp 3, nói.
Khán giả của những buổi livestream này đa số là các học sinh cấp 1, cấp 2. Ảnh: VCG. |
Fang không hề nói quá. Mỗi buổi livestream sẽ mang lại cho người xem cảm giác phấn khích trong từng giây phút. Chủ kênh sẽ cắt bao bì, mở một bộ bài bất kỳ và xếp mỗi lá bài lên giá đựng theo thứ hạng.
Thật dễ hiểu khi một cô bé như Fang bị nghiện. Mỗi ngày sau giờ học, cô bé sẽ xin mẹ sử dụng tablet 1 giờ chỉ để dán mắt vào một loạt kênh Douyin chuyên mở hộp như trên.
Mang tính chất gay cấn, may rủi như cờ bạc, hình thức livestream này thử rất nhiều cách khác nhau để thu hút khán giả đổ tiền. Người mua có thể chơi trò chơi “xếp chồng” - rút một lá bài bất kỳ. Tùy theo kết quả, họ có thể phải mua thêm một lá bài khác.
Hay trò chơi “xỏ lỗ” buộc người chiến thẳng phải mua cả hộp bài chỉ để rút ra một lá bài hiếm. Còn với trò chơi “trốn tìm”, người xem sẽ liên tục mua và mở các gói cho đến khi một nhân vật cụ thể xuất hiện.
Tuy nhiên, không phải tất cả thẻ đều có giá như nhau. Trong bộ sưu tập thẻ My Little Pony, một gói sẽ có giá khoảng 25 nhân dân tệ nếu chơi trò chơi xếp chồng, trong khi giá bán lẻ do công ty quy định là 10 nhân dân tệ/gói. Nếu gặp may, người xem chỉ cần mua một gói nhưng ngược lại, họ có thể sẽ phải xếp tối đa 50 gói trong một lần chơi.
Nhiều người nói rằng các livestreamer này rất giỏi trong việc thu hút khán giả trẻ của họ. Khi chiếc kéo cắt qua bao bì hộp đựng thẻ, chủ kênh sẽ thông báo: “Đã đến lúc mở thùng của nhà tài trợ vàng!”.
Bộ thẻ may mắn được bày bắn khắp các sàn thương mại điện tử. Ảnh: VCG. |
Trong đó, nhà tài trợ vàng là những người mua cả thùng thẻ trong một lần. Trong mắt cô bé Fang, đây là biểu tượng của sự giàu có và địa vị. Bởi cô bé không bao giờ có thể chi trả với tiền tiêu vặt 20 nhân dân tệ/tuần từ bố mẹ.
Một thùng thẻ của loạt phim My Little Pony có tổng cộng 48 hộp, 1.440 thẻ với tổng giá trị lên đến 2.640 nhân dân tệ. Ngay cả khi Fang không dùng tiền tiêu vặt, cô bé vẫn phải tiết kiệm cho đến khi tốt nghiệp tiểu học mới mua được chiếc thùng này.
“Thẻ bo góc” cũng gây nghiện như vé số, cờ bạc
Với trẻ con, những buổi livestream này rất hấp dẫn. Vì dù chúng xuất thân từ một gia đình khá giả hay một gia đình bình thường, tất cả đều chỉ là trò chơi may rủi.
Trong một buổi livestream, người chơi chỉ muốn có những lá bài “SSR” (siêu siêu hiếm). Khi này, những lá bài thấp hơn sẽ không bao giờ được đưa lên kệ hàng. Thay vào đó, livestreamer sẽ chỉ ném chúng vào thùng rác và bỏ đi. Fang thở dài. “Thật tuyệt khi được giàu có. Giá như bố mẹ có thể kiếm được nhiều hơn một chút”, cô bé nghĩ.
Sức hút của bộ thẻ không chỉ dừng lại ở sóng livestream, mà còn lan rộng đến những cửa hàng tiện lợi nhỏ, bên ngoài các trường tiểu học. Ngay khi chuông tan học vang lên, lũ trẻ đổ xô đi mua thẻ. Haohao, học sinh lớp 2, là một trong số đó. Cậu bé chen qua đám đông để nhìn rõ chiếc tủ kính bên trong. Với Haohao, đây là cả một kho báu chứa đầy các lá bài Ultraman làm lóa mắt cậu.
Cả một thùng thẻ có thể có giá hàng nghìn nhân dân tệ. Ảnh: VCG. |
Mua một bộ thẻ, Haohao cảm thấy tràn đầy hy vọng. “Hôm nay chắc chắn là ngày may mắn của mình”, cậu bé nghĩ. Haohao muốn sưu tầm thẻ USR của Ultraman Zero. USR là thẻ tối thượng, vật phẩm duy nhất trong bộ sưu tập mà mọi người đều hy vọng có được.
Tuy nhiên, may mắn đã không mỉm cười với cậu bé. Cậu đành nhét đống thẻ vào cặp sách và ôm hy vọng vào điều kỳ diệu sẽ đến trong ngày mai.
Theo World of Chinese, người lớn luôn khao khát một tấm vé số định mệnh sẽ giúp họ trút bỏ gánh nặng và không bao giờ phải nai lưng làm việc. Đối với trẻ em, đặc biệt là Gen A, thẻ bo góc cũng quý giá như vé số. Chúng khao khát sự chú ý và ngưỡng mộ từ bạn bè. Haohao đã học được cách xem thẻ Ultraman như một loại tiền tệ. “Em mua chúng để bạn bè ngưỡng mộ mình”, cậu bé nói.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.