Sách in vẫn là thú vui, là niềm yêu thích với giới trẻ. |
Cảm xúc đến từ những quyển sách
Khi Internet bắt đầu trở nên phổ biến, những quyển sách với định dạng file mềm xuất hiện vào những năm 2000, và rồi các thiết bị đọc sách điện tử chuyên dụng ra đời, đã có những chuyên gia đưa ra lời cảnh báo về sự suy tàn của sách in trên toàn thế giới. Cho đến tháng 8/2009, vài năm sau khi ra đời, trên thế giới có khoảng 2 triệu đầu sách miễn phí được các thuê bao tải về.
Những năm sau đó, quả thật đã có một “cuộc chiến ngầm” giữa sách in và sách điện tử. Sách in đối mặt với một nguy cơ lớn chưa từng có. Sách in vừa xuất bản đến đâu, sách điện tử đã nhanh chóng cập nhật đến đó. Bên cạnh những cuốn sách được mua bản quyền, sách định dạng điện tử thời ấy đa phần là bị làm lậu.
Các website chia sẻ sách điện tử miễn phí ở Việt Nam đều có đội ngũ tình nguyện viên khá chuyên nghiệp sẵn sàng gõ lại những cuốn sách hay và bán chạy nhất ngay sau khi xuất bản, và ấn bản điện tử bất hợp pháp này thường có trên internet sau khi phát hành bản in trong vòng chưa đầy một tháng. Có website mặc dù cập nhật “lậu” từ sách in nhưng vẫn ngang nhiên thu phí tải sách của người dùng.
Tiện lợi, nhanh chóng, miễn phí hoặc rất rẻ tiền, lại hợp xu thế thời đại, sách điện tử đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với sức mạnh không gì ngăn nổi.
Tuy nhiên, một điều lạ là xấp xỉ 20 năm trôi qua kể từ khi sách điện tử xuất hiện trên thị trường và ngày càng đa dạng, phong phú về hình thức, sách in vẫn không mất đi vị thế của mình.
Một khảo sát nhỏ trên một diễn đàn dành cho người đọc ở Việt Nam gần đây cho thấy có nhiều lý do để sách giấy vẫn tồn tại và phát triển, ngay cả đối với thế hệ trẻ, những người vốn cập nhật công nghệ rất nhanh.
Các lý do được bình chọn nhiều nhất là đọc sách giấy sẽ giúp người đọc tạm ngưng, “tách” ra khỏi tình trạng lạm dụng smart phone và thiết bị điện tử tràn lan, tạo ra một cảm giác rất thảnh thơi, cá tính và văn minh khi đọc sách giấy. Cạnh đó còn có một số lý do khác là đọc sách giấy có cảm giác tập trung hơn, mua sách giấy để ủng hộ những nhà làm sách có bản quyền... Một số người còn có thú vui sưu tầm sách in. Một lý do nữa được nhiều người nói đến là “bỏ tiền mua và cầm sách in đọc cảm thấy hay hơn, trân trọng tác phẩm hơn sách số”.
Lê Anh Minh, nhân viên lập trình thuộc một công ty công nghệ thông tin có tiếng tại TP.HCM chia sẻ mặc dù là lập trình viên, thói quen sử dụng máy tính đã trở thành thiết yếu, nhưng khi đọc sách, Anh Minh lại rất thích sử dụng sách in: “Mình thích cảm giác những lúc thảnh thơi, pha một ly nước thật ngon, ngồi bên khung cửa sổ, say mê đọc một quyển sách. Lúc ấy mình cảm thấy hạnh phúc thực sự. Cảm xúc ấy đến không chỉ bởi nội dung quyển sách hay, mà còn bởi hành động đọc sách đem đến cho mình một sự lắng đọng, thư nhàn giữa cuộc sống bộn bề. Mình có những người bạn, thường đi du lịch, và trên các chuyến đi họ thường mang theo một quyển sách yêu thích. Cảm giác ngồi đọc sách ở những khung cảnh đẹp, bình yên rất tuyệt vời”.
Một số bạn trẻ khác thì chia sẻ rằng dù đọc sách điện tử vì tiện lợi, nhưng họ vẫn yêu thích sách in và chọn sách in song song để thưởng thức, sưu tầm, tặng nhau, bởi sách in không chỉ có nội dung mà còn mang theo tình cảm và thói quen của người đọc. Cầm quyển sách in trên tay sẽ có đủ loại cảm xúc ùa đến. Từ vẻ đẹp của thiết kế bìa, bố cục của quyển sách, cho đến lật giở từng trang sách có mùi giấy mới, có hình minh họa bên trong.
Một quyển sách in là vật sở hữu của người mua nó, được người mua nâng niu, gìn giữ trên giá sách. Quyển sách in còn là một vật hữu hình, ghi dấu những kỷ niệm, cảm xúc, là món quà tặng của những người yêu mến nhau, có chung sở thích đọc sách. Sách in còn là chứng nhân của thời gian khi có những quyển sách được trao truyền từ nhiều thế hệ, còn dài hơn cả một đời con người...
Sách giấy song hành cũng kỷ nguyên số
Tất nhiên, không chỉ là do yếu tố may mắn hay tâm lý chung của người đọc mà còn có sự nỗ lực hết mình của những người làm sách. Dẫu sách in là một thể loại mang tính truyền thống, nhưng những người làm sách nhanh nhạy đã tận dụng kĩ thuật số để hỗ trợ đắc lực cho sự lan tỏa của sách giấy đến với người đọc. Đó là việc dùng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu, kết nối giữa sách và người đọc. Nhiều hội, nhóm yêu sách in được lập ra, tạo ra những đề tài hấp dẫn để thu hút người yêu sách.
Cạnh đó, những cuộc thi bình chọn bìa sách đẹp, dự đoán bìa sách, cho độc giả được lựa chọn bìa sách cũng được một số nhà xuất bản thường xuyên tổ chức. Các tọa đàm, hội thảo về sách, giao lưu khán giả cũng được tổ chức nhiều và nội dung thú vị hơn. Cạnh đó, công nghệ số cũng được ứng dụng để phát hiện, chống lại những hành vi làm giả, làm lậu, vi phạm bản quyền sách.
Trong những năm gần đây, trào lưu “sưu tầm sách” cũng mở ra cho ngành xuất bản sách in một hướng đi sôi động. Các nhà xuất bản đã đầu tư mạnh mẽ vào hình thức sách, nhiều quyển sách ra đời với bìa đẹp lạ, giấy chất lượng cao, thiết kế công phu. Cao cấp hơn là các ấn phẩm xuất bản đặc biệt. Nhiều bản sách được thực hiện thủ công, in ấn, bọc bìa cầu kỳ, tinh tế với số lượng có hạn… được người đọc săn lùng, nhanh chóng “cháy hàng” sau khi được xuất bản. Một số ấn bản được đem ra đấu giá với mức giá lên đến vài chục triệu đồng và được người sưu tầm tranh nhau mua.
Điều này tạo nên một “thú chơi”, một nét văn hóa tri thức, thúc đẩy mọi người đến với sách và thưởng thức sách. Những nhà làm sách nổi lên trong thời gian qua với sách ấn bản đặc biệt có thể kể đến Công ty cổ phần Văn hóa Đông A, Nhã Nam, Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ... Những nhà làm sách này bằng sự đầu tư công phu đã biến những quyển sách tưởng như rất “quen mặt” trên thị trường, từ văn học kinh điển thế giới cho đến văn chương, sách lịch sử, văn hóa Việt như Hà Nội ba sáu phố phường, Việt Nam phong tục, Dế mèn phiêu lưu ký... trở nên đặc biệt, được săn lùng, sưu tập và ai có được đều nâng niu đầy tự hào.
Có thể nhìn thấy sự phát triển mạnh mẽ của sách in thông qua các con số “đẹp” của ngành sách in thời gian qua. Tại chuỗi hoạt động chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022, tổng doanh thu bán sách đã đạt hơn 5,6 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo của Đường sách TP.HCM, doanh thu năm 2022 đạt gần 52 tỷ đồng, tăng 113,3% so với năm 2021, số lượng bản sách là hơn 65.000 cuốn, tựa sách mới hơn 3.200 tựa. Gần đây nhất, Lễ hội Đường sách Tết Quý Mão 2023 đã đón trên 585.000 lượt người tham quan và mua sách, doanh thu đạt hơn 6 tỷ đồng. Số lượng sách đã bán là hơn 2.800 tựa với 41.285 quyển. Đây cũng là năm có số lượng đơn vị tham gia nhiều nhất trong lịch sử 13 năm tổ chức với hơn 20 đơn vị, số lượng người tham quan và mua sách tăng gấp 2 lần.
Cạnh đó, các lễ hội sách diễn ra trong năm như Hội sách thiếu nhi, Hội sách mùa thu, Hội sách xuyên Việt... đều thu hút đông đảo bạn đọc tham gia.
Những năm qua, cũng đã có nhiều dự án khuyến đọc được các bạn trẻ thực hiện như các thư viện mini, câu lạc bộ đọc sách, cafe đọc sách, các dự án đổi sách cũ lấy sách mới...
Dẫu cho thời cuộc đổi thay, dẫu các thiết bị điện tử đang chiếm lĩnh đời sống con người, nhưng có thể thấy, những quyển sách in thơm mùi giấy vẫn có một vị trí không thay đổi trong lòng người đọc. Và văn hóa đọc nhờ thế mà cân bằng giữa cũ và mới, giữa sự phát triển, tiến bộ với những giá trị đẹp đẽ cổ truyền.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.