Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sửa quy định về ôtô nhập khẩu, doanh nghiệp dễ thở hơn

Dự thảo mới của Bộ GTVT bỏ quy định bắt buộc xe nhập khẩu phải có bản chính Giấy chứng nhận chất lượng xuất xưởng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa đưa ra Dự thảo sử đổi về Dự thảo Thông tư Quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.

Trong đó, việc xóa bỏ quy định bắt buộc ôtô nhập khẩu phải có bản chính Giấy chứng nhận chất lượng xuất xưởng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, vốn gây tranh cãi, là điểm mới đáng chú ý. 

coi troi oto anh 1
Doanh số bán hàng tháng 8 của Toyota. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

 

Ghi nhận điểm tích cực của sửa đổi này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho rằng doanh nghiệp sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Doanh nghiệp nào có chứng nhận bản chính của nhà sản xuất thì được miễn tiền kiểm, còn các đơn vị không có thì phải thực hiện theo phương thức: tiền kiểm, hậu kiểm.

"Điểm mới này vừa đảm bảo việc bảo vệ thị trường trong nước, vấn đề môi trường, khí thải và không để Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ xe phẩm chất thấp. Mặt khác, vừa thỏa mãn Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế được hoạt động kinh doanh mà pháp luật không cấm", ông Tuấn nhấn mạnh.

Chia sẻ với Zing.vn, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên An Phúc, đại diện cho các đơn vị nhập khẩu ôtô nhỏ lẻ cho biết quy định này vốn là vướng mắc lớn nhất. Việc sửa đổi phù hợp hơn với thực tế và kiến nghị của các doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp "dễ thở hơn".

Ông nói thêm, nhà sản xuất khi xuất xưởng xe đã kiểm tra kỹ càng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật tại nước đó, đương nhiên xe xuất xưởng đã đảm bảo chất lượng và đạt yêu cầu. Các giấy trên vốn chỉ là "giấy khai sinh" của xe, ngoài các thông tin về tên, hãng sản xuất... thì không còn bất kỳ thông tin nào khác. Quy định cũ, theo ông Nguyễn Tuấn là "hàng rào kỹ thuật" cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

“Chúng tôi rất mừng là cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp khi "mở" hơn quy định này.” - ông Tuấn chia sẻ.

Sân chơi bình đẳng

Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam cho hay, Thông tư này sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các nhà nhập khẩu dù quy mô thế nào bởi đây là Thông tư quy định các đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ thuật.

Cục Đăng kiểm cho biết, ôtô phải có kiểu loại và sản xuất ra phải đảm bảo chất lượng. Để làm được điều đó, mỗi quốc gia đưa ra phương thức khác nhau phù hợp với văn hoá lưu thông trên thị trường, chuỗi tham gia sản xuất. Và khi ôtô gia nhập thị trường phải đáp ứng nguyên tắc đưa ra. Bất cứ mong muốn nào vượt quá ngưỡng đó đều không được.

“Hàng hoá về Việt Nam phải đảm bảo về chất lượng. Ôtô cũng vậy, phải đáp ứng các quy chuẩn tại Việt Nam mới được đưa ra lưu hành, sản xuất lắp ráp”, ông Hình khẳng định.

Vị Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam cũng nhấn mạnh, Cục Đăng kiểm không phải là cơ quan duy nhất kiểm soát xe nhập khẩu mà còn có nhiều cửa khác như kiểm soát lưu hành, kiểm soát tải trọng.

“Chúng ta phải kiểm soát về chất lượng theo hoàn cảnh của Việt Nam là thị trường nhỏ lẻ. Chính thị trường đang bó hẹp nếu sau này thị trường lớn thì các nhà cung cấp phải tự tìm đến”, ông Hình nhấn mạnh.

Dự kiến cuối năm 2016 sẽ hoàn tất việc xây dựng nội dung Thông tư. Và đầu năm 2017 sẽ bắt đầu áp dụng. “Nếu càng kéo dài việc ban hành quy định này người chịu thiệt hại nhiều nhất là doanh nghiệp”, ông Hình lưu ý.

 


Kiều Linh

Bạn có thể quan tâm