Tổ công tác Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) kiểm tra CTCP Sữa Hà Lan. Ảnh: T.L. |
Cuối tháng 8, cơ quan CSĐT Công an TP Chí Linh (Hải Dương) đã khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Trung Vương, Tổng giám đốc CTCP Sữa Hà Lan về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.
Để tránh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng và đối tác, Công ty FrieslandCampina Việt Nam mới đây đã phải lên tiếng khẳng định CTCP Sữa Hà Lan là một công ty Việt Nam, hoàn toàn không liên quan đến Tập đoàn FrieslandCampina Việt Nam cũng như thương hiệu sữa Cô Gái Hà Lan (Dutch Lady).
Được biết, FrieslandCampina có lịch sử hơn 150 năm trên toàn cầu và 29 năm tại Việt Nam. Doanh nghiệp này bắt đầu thực hiện hoạt động phát triển ngành sữa tại Việt Nam từ năm 1995 với mức đầu tư mỗi năm khoảng 1 triệu USD.
Các sản phẩm phổ biến của công ty có thể kể đến như sữa nước mang thương hiệu Cô Gái Hà Lan, sản phẩm dinh dưỡng công thức Dutch Lady, sữa công thức Friso, sữa chua uống Yomost, thức uống dinh dưỡng Fristi, sữa đặc và kem đặc Hoàn Hảo, Trường Sinh và các sản phẩm khác dành cho doanh nghiệp.
Đại diện FrieslandCampina Việt Nam cũng cho biết thương hiệu sữa Cô Gái Hà Lan là sữa nước, còn CTCP Sữa Hà Lan sản xuất, buôn bán sữa giả là dạng sữa bột.
Trong khi đó, Hiệp hội Sữa Việt Nam thông báo CTCP Sữa Hà Lan có địa chỉ tại 335 Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội và nhà máy sản xuất tại TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương không phải là một thành viên của hiệp hội.
Về vụ việc tại CTCP Sữa Hà Lan, lực lượng chức năng qua điều tra đã thu thập 67 mẫu sản phẩm từ 33 loại sản phẩm. Kết quả giám định cho thấy 66/67 lô sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng dưới 70%, với tổng số lượng hàng hóa là 29.400 lon/hộp và giá trị hóa đơn hơn 4,1 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định sau khi xây dựng Nhà máy Holland Milk (tại Km39 Quốc lộ 18, phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, Hải Dương), Nguyễn Trung Vương đã chỉ đạo trực tiếp nhân viên trong khâu sản xuất và lưu thông sản phẩm, từ mua nguyên liệu, xây dựng quy trình sản xuất, nhận đơn đặt hàng đến lựa chọn sản phẩm và số lượng, đơn giá, thời gian giao hàng.
Sau đó, ban hành lệnh sản xuất, cân nguyên liệu, phụ gia theo công thức có sẵn trong lệnh sản xuất, phối trộn, đưa vào máy đóng hộp, đóng nắp, dán nhãn, in hạn sử dụng cho đến khâu kiểm tra, đóng thùng carton, đưa về kho thành phẩm rồi vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Việc điều hành công việc sản xuất chủ yếu được thực hiện từ xa thông qua mạng máy tính, theo nhóm giữa Tổng giám đốc và các nhân viên.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 25.667 hộp sản phẩm phục vụ công tác xử lý. Tuy nhiên, 2.011 hộp đã bán ra thị trường với trị giá khoảng 320 triệu đồng hiện vẫn chưa thu hồi được.
CTCP Sữa Hà Lan thành lập ngày 25/5/2016 với vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Trung Vương (sinh năm 1983) là Người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc. Ngành nghề kinh doanh chính là chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa.
Theo giới thiệu, công ty đã được chứng nhận GMP, ISO về chất lượng sản phẩm. Sữa Hà Lan có trên 300 sản phẩm, được chia thành hai dòng sữa chính gồm sữa bò và sữa dê. Các sản phẩm này phù hợp với mọi đối tượng sử dụng từ trẻ sơ sinh đến người già, bà bầu...
Ngoài ra, công ty này còn có những sản phẩm sữa chuyên biệt dành cho những người có bệnh lý về dạ dày, tá tràng, những người bị đau xương khớp, tiểu đường, tiền tiểu đường, người biếng ăn, tiêu hóa kém, người cần bổ sung dinh dưỡng...
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.