Mỏng chỉ vọn vẹn 150 trang nhưng Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra lại đầy sức nặng. Oriana Fallaci đã viết một bức tâm thư đầy yêu thương nhưng vô vọng bởi người nhận không còn sống và không thể đọc được. Bức thư trở thành bản trần thuật với những dằn vặt nội tâm trong một (hay là rất nhiều) người phụ nữ, vô tình hay cố ý từ chối thiên chức làm mẹ.
Lấp lánh tình mẫu tử thiêng liêng
Marcel Proust, một trong những nhà văn Pháp vĩ đại nhất từng nói: ""Câu đầu tiên bao giờ cũng là quan trọng nhất". Điều này không chỉ đúng với người viết mà còn với độc giả. Nhiều khi, chỉ vì một câu mở đầu đắt giá, một dòng văn làm động đậy những sợi dây thần kinh, cảm xúc túa ra, và thế là ta yêu cuốn sách vô điều kiện. Với Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra, ta hoàn toàn có thể cảm nhận được điều đó ngay từ lúc bắt đầu.
“Đêm qua ta biết là con tồn tại: một giọt sống thoát thai từ hư vô”, Fallaci viết, từ linh cảm của một người phụ nữ sắp làm mẹ. Tác giả giấu đi tất cả các chi tiết, hạn chế tiết lộ những cảm xúc. Vì thế, người đọc ít nhiều nhìn thấy vấn đề ở lời thông báo này.
Bìa sách Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra. |
Ngay sau cái phút giây thiêng liêng đó, là hàng trăm, hàng nghìn câu hỏi, kéo theo đó niềm vui, nỗi sợ, sự cô đơn và cả cơn thịnh nộ lần lượt ập đến, quyết liệt trong cuộc truy đuổi, để tìm một câu trả lời khả dĩ cho câu hỏi: “Thế nếu con không muốn được sinh ra thì sao?”
Sinh ra và nuôi lớn một đứa trẻ là không hề dễ dàng, nhưng gượm đã, trước hết người phụ nữ phải mang thai. Fallaci viết, không thể đẹp đẽ hơn: “Có gì đó thật huy hoàng trong việc gắn sự sống của một sinh linh với cơ thể của chính mình, khi biết bản thân mình sẽ là hai người chứ không phải một” và “mang thai không phải là sự trừng phạt mà tự nhiên giáng xuống để bắt người ta trả giá cho phút thăng hoa. Đó là sự nhiệm màu cần được diễn ra theo một cách không gò bó như điều được ban cho cây cối và loài cá.”
Ở bất cứ trang sách nào trong Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra, người đọc cũng đều thấy được một sự phản tư sâu sắc trong từng câu chữ của tác giả. Một cuộc chiến dữ dội xảy ra và một cuộc kháng chiến quyết liệt đã được kiến thiết, với mục đích bảo vệ đứa trẻ đang thành hình, để nó tránh xa những hiểm nguy, để nó (nếu may mắn ra đời) sẽ được đối xử một cách công bằng, hạnh phúc và được trọn vẹn yêu thương.
Chúng ta có thể trích dẫn, thậm chí hàng trăm câu văn của Oriana Fallaci từ Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra, bởi những câu chữ đó thấu tỏ được quyền năng lay động người đọc. Chỉ có một người phụ nữ với sự thấu hiểu và lấp lánh tình mẫu tử thiêng liêng mới viết được những câu như: “Cuộc đời là một nỗ lực lớn, con ạ. Đó là cuộc chiến lặp lại hàng ngày, và những giây phút vui vẻ hạnh phúc là những khoảng lặng ngắn ngủi mà vì chúng, người ta phải trả mọi cái giá tàn khốc”.
Nhưng rốt cuộc thì người phụ nữ trong Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra vẫn để tuột tay đứa con của mình, tuột tay một hình hài bé bỏng, và tuột tay luôn cơ hội được làm mẹ. Điều này thật buồn, nhưng chẳng thế nào làm khác được bởi biết đâu, không được sinh ra cũng là một hạnh phúc? “Theo một thống kê gần đây, chúng ta đã có bốn tỷ người. Con sắp gia nhập đám này. Rồi con sẽ ngoảnh lại và ước ao về sự vùng vẫy đơn độc của mình trong bọc nước, con à!”.
“Làm mẹ là một quyền của phụ nữ”
Trong phần giới thiệu cuốn sách (ấn bản của Nhã Nam, Nhà xuất bản Văn học, 2015) có viết: “Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra được xuất bản lần đầu tiên năm 1975, được coi là một trong những trang viết đẹp đẽ nhất của phụ nữ và mang thai, nạo phá thai và những dằn vặt nội tâm. Điều này quả đúng nhưng chưa đủ. Cuốn sách mỏng của Oriana Fallaci còn nhiều hơn thế nữa.
Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra là một tiếng nói mạnh mẽ của phụ nữ, trước ngưỡng cửa làm mẹ và trước cuộc đời, nhất là trong bối cảnh mà phụ nữ vẫn chịu những bất công, tổn thương, từ hàng nghìn năm trước và cho đến hiện tại, vẫn không thay đổi: “Tất cả những gì ông thấy ở một người đàn bà là một cái tử cung và hai buồng trứng, không bao giờ là bộ não”.
Nhà văn, nhà báo Oriana Fallaci. |
Quả thực là như thế, cuốn sách tràn đầy tính nữ, luôn muốn vượt thoát ra khỏi những quan niệm, lề thói nhưng vẫn bị giới hạn trong chính tính nữ đó.
Fallaci đã rút hết ruột gan ra mà viết, vì bà là phụ nữ, vì bà hiểu được “vấn đề trọng nam khinh nữ”, về người phụ nữ luôn bị chà đạp một cách nhẫn tâm: “Ta biết thế giới chúng ta là một thế giới do đàn ông và vì đàn ông, chế độ độc tài của họ cổ xưa đến nỗi thậm chí đã đi vào cả ngôn từ”.
Phụ nữ luôn phải mang nặng đẻ đau, Fallaci không cho đó là “tội lỗi” mà bà cho đó là một quyền trong rất nhiều quyền của người phụ nữ. “Trở thành mẹ không phải là một công việc. Thậm chí đó cũng không phải là một nghĩa vụ. Đó là một quyền trong rất nhiều quyền”.
Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra thực chất là một câu chuyện lặp lại, một lần “tự vấn” trước quyết định mang thai và sinh con. Người mẹ trong cuốn sách cũng từng là một bào thai, cũng từng có ý định bị “vứt bỏ” trước khi thành hình, nhưng rồi lại vẫn được sinh ra.
Và ngược lại, đến lượt bà tự truy vấn chính mình: "Công việc của một bà mẹ không phù hợp với ta. Ta có những nghĩa vụ khác trong cuộc sống. Ta có một công việc mà ta yêu thích và ta muốn tiếp tục theo đuổi. Ta có một tương lai đang đợi và ta không có ý định từ bỏ nó”.
Trong lời đề tặng cuốn sách, Oriana Fallaci tặng tất cả mọi người nhưng đặc biệt là phụ nữ. Bà viết: “Dành tặng cho những ai không sợ nghi ngờ. Dành tặng những ai luôn tự hỏi vì sao không biết mệt mỏi và chấp nhận cái giá là khổ đau và cái chết. Dành tặng những ai đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan trao sự sống hay chối bỏ nó. Cuốn sách này được một người phụ nữ đề tặng cho tất cả phụ nữ”.
Chính vì thế, Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra là cuốn sách mà phụ nữ đọc sẽ thấy được sự đồng cảm sâu sắc, thấy được rằng tình yêu của mọi người mẹ đều vĩ đại như nhau. Và nếu độc giả là nam giới, cuốn sách là những tâm sự sâu kín trong tâm tư người phụ nữ, để yêu thương, thấu hiểu hơn nữa người đàn bà sống cạnh mình.