Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự trỗi dậy của Kamala Harris hé lộ tương lai đảng Dân chủ

Con cái những người nhập cư tại Mỹ đang trỗi dậy như một lực lượng có ảnh hưởng đáng kể và làm thay đổi cục diện chính trị nước Mỹ.

Việc ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden chọn bà Kamala Harris làm người đồng tranh cử được coi là một cột mốc quan trọng vì nguồn gốc của bà. Bà Harris vừa là phụ nữ gốc Phi đầu tiên, cũng là người gốc Nam Á đầu tiên được một chính đảng đề cử trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.

Diễn biến này làm nổi bật một xu hướng chính trị tại Mỹ, khi hậu duệ những người nhập cư đang nổi lên như một lực lượng có ảnh hưởng đáng kể về chính trị và văn hóa.

nhan khau hoc cua nuoc My thay doi anh 1

Ở California, nơi bà Kamala Harris lớn lên và là bang mà bà hiện đại diện tại Thượng viện, khoảng một nửa số trẻ em đến từ các gia đình nhập cư. Ảnh: New York Times/ Erin Schaff.

Quốc gia đa sắc tộc

Dòng người nhập cư lớn cuối cùng tại Mỹ vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 chủ yếu đến từ Đông và Nam Âu. Những năm gần đây, sự gia tăng người nhập cư đến từ khắp nơi trên thế giới, như Ấn Độ, Jamaica, Trung Quốc và Mexico.

Tại California, tiểu bang nơi bà Harris trưởng thành và hiện là đại diện tại thượng viện, khoảng một nửa số trẻ em đến từ các gia đình nhập cư.

Trên toàn quốc, lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, người da trắng chiếm chưa đến một nửa dân số dưới 16 tuổi. Tỷ lệ giảm dần này là do sự gia tăng của một lượng lớn người gốc Á, gốc Hispanic và những người đa chủng tộc.

Ngày nay, hơn một phần tư người Mỹ trưởng thành là người di dân hoặc con của họ. Theo Jefrey Passel, nhà nhân khẩu học tại Trung tâm Nghiên cứu Pew, khoảng 25 triệu công dân Mỹ trưởng thành là con của người di dân (hiến pháp Mỹ quy định một người mặc định trở thành công dân Mỹ nếu được sinh ra tại Mỹ, bất kể bố mẹ của họ đến từ đâu) và chiếm khoảng 10% dân số trong độ tuổi này.

nhan khau hoc cua nuoc My thay doi anh 2

Kamala Harris, bên trái, đứng cùng em gái, Maya và mẹ, Shyamala, bên ngoài căn hộ của họ ở Berkeley, California, vào năm 1970. Ảnh: Associated Press.

Ở tuổi 55, bà Harris thuộc nhóm tiên phong trong lứa người Mỹ thế hệ thứ hai (có cha mẹ di dân đến Mỹ).

Do làn sóng nhập cư từ châu Âu và con cháu của họ, mọi thế hệ sau ở Mỹ trong 50 năm qua đều chứng kiến sự giảm dần tỷ lệ người da trắng so với các thế hệ trước: trong thời kỳ bùng nổ dân số có 71,6% người da trắng, vào thời kỳ Millennials (thế hệ Y, những người sinh vào giai đoạn 1981-1996) là 55% và đến thế hệ Z (những người sinh sau 2012) thì con số này là 49,6%.

Marcelo Suarez-Orozco, Hiệu trưởng Đại học Massachusetts, Boston, và là chuyên gia về người nhập cư, cho biết: “Nhân khẩu học đang tiếp tục chuyển đổi theo hướng đa chủng tộc. Đây là tương lai ở Mỹ".

Dấu ấn của thế hệ thứ hai

Những người di cư đến Mỹ khoảng 50 năm trước, chủ yếu từ các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc, thường có trình độ học vấn cao, nhưng hiếm khi tham gia chính trị. Còn con cái của họ, hiện đã trưởng thành đến độ tuổi trung niên, trở thành người của công chúng.

"Khi bố mẹ tôi đến Mỹ, nó giống như là 'chúng tôi chỉ muốn đến đây'", Suhas Subramanyam, sinh ra ở Houston thập niên 1980 từ một cặp vợ chồng Ấn Độ. Subramanyam trở thành người Mỹ gốc Ấn đầu tiên được bầu vào Hạ viện bang Virginia năm 2019.

nhan khau hoc cua nuoc My thay doi anh 3

Ông Donald Harris ôm con gái của mình, Kamala, vào năm 1965. Ảnh: AP.

"Nhưng là những người Mỹ thế hệ thứ hai, chúng tôi muốn ghi dấu ấn của mình trên thế giới. Tôi muốn làm nhiều hơn là chỉ làm việc tại một công ty luật và kiếm tiền", ông bổ sung.

Amber Simon là con gái của một người mẹ từ Jamaica và bố là người gốc Phi sống ở bang Alabama (Mỹ). Simon lần đầu thăm quê ngoại Jamaica vào năm ngoái, và ngỡ ngàng về sự nghèo khó ở nơi này.

Nhưng qua đó, sự nể phục của Simon dành cho mẹ càng thêm sâu sắc. Bằng một nghị lực đáng nể, mẹ của Simon đã hoàn thành chương trình đại học và hiện là một chuyên gia phân tích của chính quyền liên bang.

"Tôi luôn nói rằng, nếu mẹ tôi có thể vượt qua những trở ngại mà bà ấy phải đối mặt khi là người nhập cư, thì hoàn toàn không có lý do gì khiến tôi không thể có được thành công như tôi mơ ước", Simon nói. Cô sẽ bắt đầu chương trình cao học về quản trị kinh doanh trong tháng tới.

Trở ngại của những người con nhập cư

Năm 1970, khi bà Kamala Harris trưởng thành và chưa cảm nhận được hết tác động của luật năm 1965, nước Mỹ chủ yếu vẫn là quốc gia của người da đen và da trắng. Những người nhập cư giai đoạn này chiếm chưa tới 5% dân số.

Bố mẹ bà Harris ly hôn khi bà lên 5. Từ đó, bà và các em gái được mẹ nuôi nấng như những cô gái da đen dù bản thân có một nửa dòng máu Ấn Độ, bởi người mẹ biết xã hội Mỹ sẽ nhìn nhận các con như vậy.

Sự phân chia đen - trắng và xem nhẹ các sắc tộc khác mang lại không ít khó khăn cho con cái của những người nhập cư.

Bà Ghazala Hashmi, 56 tuổi, lớn lên trong một gia đình Ấn Độ duy nhất tại một thị trấn nhỏ ở phía nam bang Georgia, luôn cảm giác "chúng tôi luôn là thiểu số".

"Tôi chưa bao giờ biết ai giống tôi và cảm giác đó cực kỳ cô lập", Hashmi nói. Bà có những ký ức sâu sắc về cảm giác không thuộc về một chủng tộc "chuẩn". "Khi còn nhỏ, tôi hoàn toàn nhận thức việc mình không phải là người da đen hay da trắng".

Mùa thu năm 2019, bà đã thắng ghế tại thượng viện bang Virginia. Khẩu hiệu cho chiến dịch tranh cử của bà là "Ghazala Hashmi là một cái tên của người Mỹ".

Bản sắc mới của nước Mỹ

"Tôi thực sự cần mọi người hiểu rằng có một nước Mỹ phức tạp hơn đang phát triển", bà Hashimi nói. "Tên của tôi là một phần của bản sắc Mỹ mới đã xuất hiện 40 năm, và người ta đã không nhận thức được nó".

nhan khau hoc cua nuoc My thay doi anh 4

Bà Ghazala Hashmi có bài phát biểu chiến thắng sau khi giành được một ghế trong Thượng viện Virginia vào tháng 11. Ảnh: Carlos Bernate.

Những người Mỹ thế hệ thứ hai hầu hết đều khá giả về kinh tế, có học thức cao và có năng lực tài chính để mua nhà tốt hơn so với thời bố mẹ họ. Họ cũng có nhiều khả năng kết hôn với một người thuộc chủng tộc khác.

Ảnh hưởng văn hóa của các gia đình nhập cư được dự báo sẽ thể hiện rõ nét hơn trong thời gian tới, khi sự tăng trưởng dân số ở Mỹ đang giảm dần và rơi xuống thấp nhất kể từ năm 1919 do kết hợp của tỷ lệ sinh giảm và tỷ lệ tử vong tăng.

Xu hướng này tạo ra một lực lượng chính trị mới nổi đáng chú ý: hơn 23 triệu người nhập cư đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, chiếm khoảng 10% tổng số cử tri của cả nước.

Và bởi họ và con cái có xu hướng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, làn gió chính trị đang chuyển hướng ở các bang như Ariona, Nevada, Virginia, Georgia và Texas.

nhan khau hoc cua nuoc My thay doi anh 5

Infographic về tỷ lệ phần trăm các nhóm chủng tộc trên toàn nước Mỹ giai đoạn 1980, 2000, 2019. Đồ họa: Lê Nhân.


Ông Pence không chắn kính khi tranh luận với bà Harris

Ủy ban Tranh luận Ứng viên Tổng thống chấp thuận yêu cầu của Phó tổng thống Mike Pence về việc không dùng kính chắn trong cuộc tranh luận sắp tới với đối thủ phe Dân chủ.

Hai ứng viên phó tổng thống Mỹ sẽ tranh luận qua lớp kính ngăn

Phó tổng thống Mike Pence và Thượng nghị sĩ bang California Kamala Harris sẽ được ngăn cách bằng kính chắn trong cuộc tranh luận sắp tới giữa hai người.

Việt Linh Nguyễn

Bạn có thể quan tâm