Sự thật về năng lực hạt nhân của Triều Tiên
Hàn Quốc và Mỹ hôm qua lên tiếng bác bỏ thông tin mà một báo cáo tình báo của Mỹ đưa ra cho rằng, Triều Tiên đã đạt được bước tiến dài trong chương trình hạt nhân, tới mức có thể đưa đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo của họ.
Hình ảnh vụ phóng tên lửa hôm 12/12 của Triều Tiên. Ảnh chụp từ vệ tinh.(Ảnh Getty Images). |
Hàn Quốc: Triều Tiên chỉ đang trong quá trình thu nhỏ đầu đạn
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 12/4 lên tiếng phủ nhận báo cáo trên của tình báo Mỹ. Theo họ, Triều Tiên chỉ đang trong quá trình thu nhỏ đầu đạn hạt nhân chứ chưa đạt được thành tựu công nghệ này.
Ông Kim Min-seok – Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói với báo giới tại một cuộc họp báo vắn rằng: "Triều Tiên đã 3 lần tiến hành thử hạt nhân. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những nghi vấn về việc liệu nước này đã có khả năng sản xuất đầu đạn hạt nhân nhỏ và nhẹ đủ để đưa được lên tên lửa đạn đạo hay chưa? Theo đánh giá của chúng tôi thì Triều Tiên chưa đủ trình độ thu nhỏ đầu đạn”.
Tuy vậy, ông Kim vẫn cho rằng, Bình Nhưỡng đang trong quá trình nghiên cứu công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.
Không chỉ có Hàn Quốc, mà chính Lầu Năm Góc cùng lúc cũng phủ nhận thông tin đưa ra trong bản báo cáo trên.
Mỹ: Thông tin Triều Tiên có đầu đạn hạt nhân là không chính xác
Lầu Năm Góc ngày 11/4 cũng lên tiếng cho rằng, thông tin Triều Tiên đã có đủ khả năng tiến hành phóng một quả tên lửa được trang bị đầu đạn hạt nhân là không chính xác.
Người phát ngôn của Lầu Năm Góc – ông George Little - nhấn mạnh: “Tôi không thể công bố tất cả chi tiết của báo cáo mật đó, nhưng thông tin cho rằng chính quyền Triều Tiên đã thử nghiệm, phát triển hay phô diễn toàn bộ khả năng hạt nhân là không chính xác".
Bên cạnh đó, ông Little cũng nhấn mạnh: “Mỹ vẫn đang tiếp tục giám sát chặt chẽ chương trình tên lửa của Triều Tiên và kêu gọi Triều Tiên tôn trọng các nguyên tắc của quốc tế”.
Trước đó, Cơ quan tình báo quốc phòng (DIA) thuộc Lầu Năm Góc kết luận với mức độ “tương đối chắc chắn” rằng, Bình Nhưỡng đã nắm trong tay công nghệ chế tạo đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để gắn vào tên lửa đạn đạo.
Bản báo cáo cho rằng Triều Tiên có khả năng, nhưng không nói Triều Tiên đã gắn hạt nhân vào đầu tên lửa hay chưa. Tuy nhiên, bản báo cáo cũng cho rằng, vũ khí này của Triều Tiên vẫn chưa có đủ độ chính xác đáng tin cậy.
Báo cáo mật của cơ quan này được soạn thảo vào tháng trước, và công bố hôm 11/4 trong phiên điều trần trước Quốc hội của nghị sĩ Doug Lamborn, đại diện bang Colorado.
Ông Lamborn đọc báo cáo tóm tắt và đề nghị Tướng Martin Dempsey, quan chức quân đội cao cấp của Mỹ, bình luận về kết luận. Tuy nhiên, khi đó, ông Dempsey đã từ chối đưa ra bình luận, nhưng chỉ vài giờ sau, Lầu Năm Góc đưa ra thông báo bác bỏ thông tin Triều Tiên đã có tên lửa hạt nhân.
DIA là một trong các cơ quan tình báo của Mỹ chịu trách nhiệm giám sát tiến trình hạt nhân của Triều Tiên. Trong cuộc chiến Iraq, chính cơ quan này đã kết luận không chính xác rằng chính quyền Saddam Hussein sở hữu vũ khí hạt nhân hủy diệt hàng loạt.
Obama kêu gọi Triều Tiên từ bỏ chính sách hiếu chiến
Trong một diễn biến liên quan khác, cũng trong hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi Triều Tiên chấm dứt “chính sách hiếu chiến” trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
“Tất cả chúng ta đều nhất trí rằng, bây giờ là thời điểm Triều Tiên nên chấm dứt chính sách hiếu chiến mà họ đang áp đặt và cố gắng 'hạ nhiệt'. Không ai muốn chứng kiến một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiền”, Tổng thống Obama đã nói như vậy với cánh báo giới tại Nhà Trắng sau một cuộc họp với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon.
Ông Obama nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết một số trong những vấn đề còn bế tắc thông qua con đường ngoại giao. Như tôi đã trình bày với Tổng thư ký rằng, Mỹ sẽ 'thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân cũng như giữ đúng cam kết với các đồng minh trong khu vực'".
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc cũng đưa ra bình luận tương tự trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ, kêu gọi Nhà lãnh đạo Triều Tiên – Kim Jong-un nỗ lực hơn nữa vì hòa bình và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Cẳng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bùng phát lên tới đỉnh điểm kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3 hôm 12/2 vừa qua nhằm đáp trả cuộc tập trận chung giữa Seoul và Washington.
Từ đó, Triều Tiên liên tục ra những lời đe dọa đầy thách thức đối với Hàn Quốc và đồng minh là Mỹ. Triều Tiên đe dọa sẽ tiến hành các cuộc tấn công nhằm các mục tiêu trọng yếu trên lãnh thổ Mỹ cũng như Hàn Quốc, trong đó có thể có một cuộc tấn công bằng hạt nhân và tuyên bố “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc. Không kém phần quyết liệt, Mỹ và Hàn Quốc cũng có những động thái đáp trả đối với Triều Tiên khi tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận chung, triển khai nhiều loại vũ khí tối tân sẵn sàng “nghênh đón” tên lửa của Triều Tiên.
Những hành động “ông ăn chả bà ăn nem” của hai bên đang đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên tới đỉnh điểm, cận kề nguy cơ chiến tranh.
Theo Vnmedia