Gần đây hiện tượng nhạc pop tuổi teen Billie Eilish gây ấn tượng với việc thay đổi hình ảnh từ cá tính sang gợi cảm. Bức ảnh bìa của Eilish trên tạp chí Vogue trở thành đề tài được quan tâm của truyền thông quốc tế.
Theo The Guardian, khi một ngôi sao trong giới giải trí thay đổi phong cách, sự phản ứng từ bất ngờ đến ngạc nhiên là điều dễ hiểu. Hình tượng mới của ca sĩ 19 tuổi làm gợi nhớ đến hình ảnh của “nữ hoàng nhạc pop” Madonna từ năm 1990.
Sự tôn kính Madonna trùng hợp với dịp kỷ niệm 30 năm bộ phim tài liệu Madonna: Truth or Dare (hoặc In Bed with Madonna) thành công vang dội. Bộ phim từng giữ kỷ lục 11 năm về phim tài liệu doanh thu cao nhất mọi thời đại với 29 triệu USD.
Còn theo Vulture, bộ phim với nội dung sự thật về Madonna sau nhiều năm vẫn là khuôn mẫu của nhiều nhà làm phim tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp của những ngôi sao nhạc pop.
Sự thật về một ngôi sao
Madonna: Truth or Dare ra mắt năm 1991. Bộ phim do đạo diễn Alek Keshishian thực hiện, kể lại hành trình, hậu trường của Madonna trong chuyến lưu diễn Blond Ambition World Tour.
Giờ đây, đời tư nghệ sĩ là điều bình thường với khán giả. Người hâm mộ thậm chí có thể tương tác với ngôi sao thông qua mạng xã hội. Tuy nhiên, theo The Guardian, vào những năm 1990, những ngôi sao có tầm cỡ như Madonna được đánh giá cao vì sự huyền bí, xa vời, chứ không phải phơi bày tất cả trước công chúng.
Ban đầu, Madonna: Truth or Dare do David Fincher - người từng hợp tác với nữ ca sĩ trong nhiều năm - thực hiện. Ông chỉ đơn giản muốn tạo ra thước phim ghi lại độ hoành tráng của chuyến lưu diễn Blonde Ambition.
Tuy nhiên, khi Alek Keshishian, đạo diễn trẻ từng tốt nghiệp ĐH Harvard thay thế Fincher, mọi thứ đã khác.
Anh cảm thấy bị cuốn hút bởi cuộc sống đời thường của Madonna hơn là những đêm diễn trên sân khấu. Keshishian cho rằng khán giả cũng nghĩ vậy. Anh muốn đưa sự thật về Madonna khi ở trong hậu trường, làm việc cùng đại gia đình gồm các trợ lý, vũ công…
Bộ phim tài liệu âm nhạc giúp Madonna trở thành thần tượng của cộng đồng LGBTQ+. Ảnh: Miramax. |
Giống với dự đoán của đạo diễn trẻ, Madonna: Truth or Dare lập tức gây chú ý, thậm chí những tranh cãi. Không có những màn biểu diễn trên sân khấu, bộ phim đi sâu khai thác câu chuyện hậu trường, bàn về những vũ công đồng tính bên cạnh nữ ca sĩ.
Theo The Guardian, phim của Keshishian được đánh giá là cột mốc điện ảnh, khắc họa hình ảnh người đồng tính một cách bình thường, chân thực. Họ không bị khai thác theo hướng phải tôn sùng LGBTQ+, hay nhìn người đồng tính với con mắt kỳ lạ.
Thời điểm đó, hình ảnh về một Madonna dần khác hơn trong mắt công chúng. Cô không còn là một nghệ sĩ huyền bí, quyền lực. Bộ phim nói rõ về Madonna - một con người hài hước, sẵn sàng đáp trả những kẻ công kích mình, đối đãi tốt với cộng sự.
Theo Billboard, Madonna: Truth or Dare giúp Madonna trở thành "nguồn cảm hứng vĩnh cửu cho cộng đồng LGBTQ+". Việc miêu tả đồng tính một cách giản dị cũng giúp Madonna trở thành biểu tượng của giới đồng tính, chuyển giới.
Và với tổng doanh thu 29 triệu USD, The New York Times khẳng định bộ phim của đạo diễn Alek Keshishian là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, phim tài liệu sau này.
Ngày nay, những khoảnh khắc đời thường, hậu trường như trong Madonna: Truth or Dare sẽ không còn hiệu quả. Tuy nhiên, ở giai đoạn mạng xã hội chưa phát triển, việc tương tác với người nổi tiếng là khái niệm xa vời. Vì vậy, những sự thật về Madonna trong bộ phim tài liệu được đón nhận nhiệt tình.
“Bộ phim đã tạo ra tiền lệ, đặt nền móng cho nhiều đạo diễn thực hiện những bộ phim tái tạo sự chân thực thực của ngôi sao”, The Guardian bình luận.
Ai cũng khao khát được như Madonna
Người ta gọi Madonna là nữ hoàng nhạc pop bởi bà mở đường nhiều thứ, từ tư duy âm nhạc, sự đổi mới của nhạc pop đương đại, phong cách thời trang. Và đến Madonna: Truth or Dare, ngôi sao nổi tiếng tiếp tục đặt ra tiền lệ về phim tài liệu âm nhạc.
Theo Vulture, trong thập kỷ qua, nhiều bộ phim tài liệu về những ngôi sao tăng mạnh và xuất hiện ồ ạt. Giờ đây nhiều nghệ sĩ trẻ đang cố gắng tạo ra phiên bản Truth or Dare cho riêng mình.
Song, những ngôi sao như Beyonce, Taylor Swift, Lady Gaga, Demi Lovato… không thể vượt qua cái bóng của Madonna. Họ vẫn làm phim tài liệu, kể về những điều chưa từng được biết đến. Song, để tạo tiếng vang, trở thành khác biệt và được các thế hệ đàn em noi theo thì chưa ai làm được.
Madonna luôn là nguồn cảm hứng của nhiều thế hệ đàn em. Ảnh: Miramax. |
Đạo diễn Keshishian cho rằng bộ phim không thuần túy là phim chiếu rạp. Đó là một tác phẩm kỳ lạ, lời tường thuật trầm ngâm của Madonna cũng khiến bộ phim trở nên khác biệt.
Một điều khiến ai cũng khao khát được như Madonna là cô hiếm khi than khổ trong phim tài liệu. Khác với ngày nay, các ngôi sao nhạc pop thường xuyên nhấn mạnh vào sự cô độc, đấu tranh vươn lên trong cuộc sống. Cô luôn bình thường hóa mọi thứ, nhưng khán giả tự cảm nhận được điều đó, nhất là giọng đọc và hình ảnh cô đi viếng mộ mẹ trong phim.
Theo Vulture, rất lâu khi mạng xã hội “thống trị” giới giải trí, Madonna hiểu cơ chế của sự nổi tiếng và làm điều những đồng nghiệp của cô không thể. Cô tự hào về điều đó và từng có phát ngôn thách thức dư luận.
“Ngay cả khi máy quay theo tôi suốt cuộc đời, làm sao bạn biết được mọi thứ về tôi?”, cô nói với Kurt Loder của MTV.
Thời điểm đó, sự huyền bí được xem là thước đo của sự nổi tiếng. Warren Beatty - bạn trai lúc bấy giờ của Madonna - từng nói với truyền thông rằng nữ ca sĩ không muốn xuất hiện trước ống kính.
Vulture nhận định rằng câu nói của Warren Beatty không sai. Nữ ca sĩ là người theo chủ nghĩa “sẽ tự phơi bày mọi thứ trước khi mọi người xuất hiện trước ống kính nói về mình”. Kết quả là Truth or Dare trở thành khuôn mẫu và là bộ phim tài liệu có doanh thu cao nhất mọi thời đại, tính đến năm 2004.
Di sản của nữ hoàng nhạc pop
Tính đến cuối tháng 5/1991, Madonna: Truth or Dare giành nhiều suất chiếu trên tổng cộng 652 cụm rạp, nhanh chóng trở thành bộ phim tài liệu có doanh thu cao nhất lịch sử.
Đến ngày nay, thành công của bộ phim khiến nhiều người bất ngờ.
“Khi chúng tôi ở Cannes, tôi gặp Sean Penn (chồng cũ Madonna) lần đầu. Tôi sợ rằng anh ấy mắng tôi. Nhưng cuối cùng anh chỉ nói tôi đã làm được và thực sự hiểu Madonna”, Keshishian nói với Vulture.
Nhà sản xuất Jay Roewe lại cho rằng thành công của bộ phim phần lớn dựa trên sự chân thật. “Madonna thể hiện bản thân là người hài hước, dễ bị chế giễu. Điều đó làm bộ phim trở nên đáng tin cậy. Bộ phim không phải kiểu ‘Tôi sẽ kể cho bạn câu chuyện của Madonna’ mà là ‘Các bạn sẽ nhìn thấy mặt mộc của Madonna, những hành động kỳ quái của ngôi sao’ - những điều mà chưa ai làm vào thời điểm đó”, ông nói.
Chris Moukarbel, đạo diễn của bộ phim tài liệu Gaga: Five Foot Two, cho biết ông phải xem lại Truth or Dare trong thời gian thực hiện bộ phim về Lady Gaga.
Ngôi sao nhạc pop đặt ra quy chuẩn mới cho các bộ phim tài liệu âm nhạc, chân dung nghệ sĩ. Ảnh: Allstar. |
“Phim của Madonna ra đời trong bối cảnh mạng xã hội chưa phát triển. Trước đó có nhiều phim tài liệu về ngôi sao, nhưng tôi cho rằng phim của Madonna thực sự giúp người hâm mộ tiếp cận với cuộc sống của ngôi sao toàn cầu”, Moukarbel nói với Vulture.
Sau khi giúp Madonna làm nên thành công của Truth or Dare, Keshishian cho biết anh không muốn thực hiện phim tài liệu về ngôi sao nào khác nữa.
“30 năm nay tôi nói không với các phim tài liệu âm nhạc. Tôi có thể đã kiếm được rất nhiều tiền và sự nghiệp thăng tiến nhưng tôi không muốn làm điều đó. Madonna từng khuyến khích tôi nhận việc nhưng tôi không muốn lặp lại chính mình và đánh mất Truth or Dare”, đạo diễn khẳng định.
Về phía Madonna, tuy tạo ra bộ phim tài liệu mang tính cách mạng, bà khẳng định sợ phải xem lại tác phẩm của chính mình. “Tôi nghĩ rằng bản thân mình giống người phụ nữ điên loạn, Điều đó làm tôi sợ”, nữ ca sĩ nói với Entertainment Weekly.
The Guardian cho rằng Madonna: Truth or Dare là kỳ tích của bộ phim tài liệu về chân dung nghệ sĩ. Nhiều năm nay, nghệ sĩ muốn tạo ra điều đó nhưng không thể. Khán giả đang chờ đợi Truth or Dare phiên bản gen Z ra đời, nhưng điều đó khá xa vời và khó trở thành hiện thực.