Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự thật về hội chứng fan cuồng Kim Tan

Cụm từ “Kim Tan” đã tạo nên cơn sốt, làm khuynh đảo cộng đồng mạng. Cùng tìm hiểu cơn sốt thần tượng được nhìn nhận dưới con mắt khoa học.

Thần tượng là gì?

Không có một khái niệm chính xác tuyệt đối cho cụm từ “thần tượng”. Hiểu một cách đơn giản, thần tượng là những cá nhân hay tập thể được nhiều người biết đến và hâm mộ. Thần tượng có thể xuất thân trong nhiều lĩnh vực như giải trí, y tế, khoa học, chính trị, thể thao…

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, truyền thông, hình ảnh của các ca sĩ, diễn viên, người mẫu, cầu thủ… xuất hiện khắp nơi và tới gần với khán giả, công chúng hơn. Hệ quả tất yếu của hiện tượng trên là sự ra đời của văn hóa thần tượng cũng như hội chứng fan cuồng.

Những cấp độ thần tượng…

Thần tượng không chỉ thu hút mối quan tâm của giới truyền thông mà còn nhận được sự nghiên cứu, để mắt của giới khoa học, chuyên gia. Năm 2002, ba nhà nghiên cứu McCutcheon, Rense Lange và James Houran đã khái niệm hóa sự tôn thờ thần tượng (celebrity worship) và phát triển một thang đo thái độ thần tượng (celebrity attitude scale) với 3 cấp độ:

- Cấp độ đầu tiên, đó là mức “giải trí - xã hội”. Ở mức này, người hâm mộ chỉ đơn giản là thích và thảo luận về những điều thần tượng làm.

- Cấp độ thứ 2, người hâm mô thường xuyên nghĩ về thần tượng, có thể là hàng ngày, hàng giờ, được gọi là cấp độ “mãnh liệt - cá nhân”. Những người ở mức này thường tham gia vào các fan club, có tính hướng nội và hành động cảm tính.

- Cuối cùng là mức “ranh giới - bệnh lý”, ám chỉ những người hâm mộ sẵn sàng làm mọi việc phạm pháp nếu được thần tượng yêu cầu. Người ở mức này có biểu hiện cực đoan như ảo tưởng thần tượng yêu mình (erotomania), chủ động theo dõi thần tượng, thậm chí viết thư từ với nội dung không phù hợp cho thần tượng.

Năm 2006, hai chuyên gia North và Hargreaves còn thêm vào thang đo trên mức độ hâm mộ thứ tư, gọi là “bắt chước tai hại”. Người hâm mộ ở mức độ này sẵn sàng bắt chước mọi hành vị của thần tượng, dù là nhỏ nhất. Bất cứ ai rơi vào hai mức độ cuối cùng trong thang này có thể được gọi là một “fan cuồng”.

Nguyên nhân của hội chứng "fan cuồng"…

Theo nhà nghiên cứu McCutcheon, Rense Lange và James Houran, bản chất hướng nội và sự thiếu vắng các mối quan hệ xã hội trong thực tế khiến người hâm mộ mải mê tập trung sự chú ý vào thần tượng, dẫn đến việc nhanh chóng trở thành cuồng tín. Tình trạng fan cuồng diễn ra đặc biệt nhiều ở lứa tuổi vị thành niên, khi nhân cách chưa phát triển hoàn chỉnh và dễ chịu tác động của bạn bè cùng trang lứa.

Khi trở thành fan cuồng, con người bắt đầu có những hành động quá khích. Động cơ hành động của họ có nguyên tắc khá giống các chất gây nghiện. Họ có xu hướng xây dựng bản thân theo hình mẫu của thần tượng, thậm chí tưởng tượng thần tượng yêu mình và phụ thuộc vào mình…

Những tác hại tiềm ẩn từ hội chứng fan cuồng…

Một cách khách quan, văn hóa thần tượng là một điều hoàn toàn tốt đẹp nếu ở mức độ phù hợp. Một nghiên cứu với 75 sinh viên Canada cho thấy, 57% người tin rằng, thần tượng có ảnh hưởng tới thái độ, lòng tin và đã tạo cảm hứng cho họ làm một việc gì đó.

Tuy nhiên, những lợi ích ít ỏi trên không là gì nếu đem so sánh với những tác hại khủng khiếp mà hội chứng fan cuồng gây ra đối với sức khỏe và tâm lý của người hâm mộ.

Một chuyên gia từng công bố số liệu gây sốc: Một tháng sau sự kiện nữ minh tinh màn bạc Marilyn Monroe tự tử, hơn 363 ca tự tử vì thần tượng của mình, tương đương với mức tăng 12,04% số người tự tử ở Mỹ và 9,83% ở Anh.

Một nhà nghiên cứu khác cũng khẳng định, những fan cuồng thường có tình trạng sức khỏe tâm lý kém và bất ổn hơn người không tôn thờ thần tượng. Họ có xu hướng dễ mắc các hội chứng rối loạn tâm lý, tâm thần, trầm cảm…

Khảo sát tiến hành trên 833 thanh thiếu niên Trung Quốc chỉ ra rằng, những fan cuồng thần tượng nhạc Pop và vận động viên thể thao có hiệu quả làm việc, lòng tự trọng và sự thấu hiểu bản thân thấp hơn những người bình thường. Tình trạng trên càng trầm trọng hơn ở những đối tượng tiếp xúc nhiều với giọng nói và hình ảnh của thần tượng qua truyền hình, radio.

Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, nếu trở thành fan cuồng sẽ rất có hại cho việc phát triển tính cách sau này. Thậm chí, không ít những trường hợp fan cuồng nhỏ tuổi sẵn sàng thực hiện các việc làm phi pháp như ăn trộm, hành hung, giết người chỉ vì có người nhận xét không tốt về thần tượng của mình.

Theo Tri Thức Trẻ

Bạn có thể quan tâm