Hôm qua, Bộ Thương mại Mỹ thông báo tăng trưởng GDP quý III đạt tới 33,1% (tính theo cơ sở năm). Trên Twitter, ông chủ Nhà Trắng viết: "Con số GDP vừa được công bố. Lớn nhất và tốt nhất trong lịch sử đất nước. Năm tiếp theo sẽ CỰC KỲ TUYỆT VỜI. Thật tốt vì con số này được công bố trước ngày bầu cử 3/11".
Đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump cũng lập tức tung một loạt quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, ca ngợi "tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất trong lịch sử", "sự trở lại vĩ đại của nước Mỹ" và "một nền kinh tế đang bùng nổ".
"Nhưng nền kinh tế có thực sự lớn nhất và tốt nhất? Sự thật đằng sau là gì?", nhà báo Annalyn Kurtz của CNN đặt câu hỏi.
Ông Trump khẳng định tăng trưởng quý III của nền kinh tế Mỹ "lớn nhất và tốt nhất trong lịch sử". Ảnh: Reuters. |
Câu chuyện nửa vời
Trước tiên, đúng là tăng trưởng GDP của nền kinh tế Mỹ trong quý III năm nay đạt mức tốt nhất được ghi nhận kể từ năm 1947. Nhưng ăn mừng về con số đó giống như chỉ kể một nửa câu chuyện.
Chúng ta không thể bỏ qua những gì xảy ra trước đó. Quý trước, nền kinh tế Mỹ sụt giảm với tốc độ 31,4% (tính theo cơ sở năm). Đó là mức suy thoái sâu nhất trong lịch sử. Nguyên nhân chính giúp kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng GDP kỷ lục ở quý này là sự sụt giảm kỷ lục trong quý trước.
Khi lùi lại và nhìn rộng hơn, thực tế cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn hoạt động dưới mức đỉnh trước khi đại dịch diễn ra. Tổng hoạt động kinh tế Mỹ vẫn thấp hơn 670 tỷ USD so với mức cuối năm 2019, tương đương 3,5%.
Quá trình phục hồi bắt đầu hiển nhiên là một tin tốt. Điều đó đã được thể hiện ở sự hồi sinh của các doanh nghiệp, người lao động có việc làm và thu nhập trở lại. Nhưng tin xấu là đà phục hồi nhanh chóng đã bị đình trệ vào mùa thu.
Các dữ liệu cho thấy gần đây, nền kinh tế Mỹ đã mất đà tăng trưởng. Tăng trưởng việc làm chậm lại, mức giảm tỷ lệ thất nghiệp cũng không đáng kể.
GDP Mỹ dưới chính quyền tổng thống Trump và những người tiền nhiệm. Ảnh: CNN. |
Một phần nguyên nhân là tác dụng của các gói kích thích kinh tế đã cạn kiệt. Trước đó, khoản tiền 1.200 USD từ chính phủ và 600 USD trợ cấp thất nghiệp mỗi tuần đã giúp nhiều gia đình vượt qua khủng hoảng.
Cùng với đó là các khoản vay từ Chương trình Bảo vệ Tiền lương cũng hỗ trợ doanh nghiệp. Ban đầu, những nỗ lực đó giúp thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ vào mùa hè. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ hiện bế tắc trong việc thảo luận về gói kích thích kinh tế mới.
Các ca nhiễm Covid-19 cũng đang gia tăng trở lại, gây nguy cơ lớn cho sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế. Giới chuyên gia nhận định trước những thách thức này, nền kinh tế Mỹ khó có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm nay.
Vết sẹo kinh tế
Nếu đào sâu hơn vào từng lĩnh vực cụ thể, không khó để nhận ra các vết thương kinh tế vẫn còn lở loét. Theo thống kê của OpenTable, số thực khách đến nhà hàng chỉ bằng 50% so với hồi đầu tháng 3. Khách du lịch đi thông qua các trạm kiểm soát TSA giảm hơn 50% so với một năm trước đó.
Khả năng lấp đầy phòng khách sạn cũng giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, theo STR. Doanh thu phòng vé do Box Office Mojo theo dõi cũng chỉ bằng chưa đầy 10% so với mức trước đại dịch. Số giờ làm việc của nhân viên tại các doanh nghiệp nhỏ thấp hơn 20% so với mức đầu tháng 3, theo Homebase.
Chỉ số Trở lại Bình thường, được tạo bởi CNN Business và Moody's Analytics, cho thấy các hoạt động kinh tế gần như không khả quan hơn tháng trước. "Nếu đã làm việc tại một nhà hàng, hãng hàng không, rạp chiếu phim, khách sạn hay doanh nghiệp nhỏ, bạn chẳng cần đến dữ liệu để biết điều đó", nhà báo Annalyn Kurtz của CNN viết.
Trong khi đó, một số công ty cũng bắt đầu làn sóng sa thải mới. Tập đoàn United Airlines, Disney, American Airlines và Charles Schwab mới thông báo cắt giảm việc làm hàng loạt.
Hàng triệu người vẫn bị mất việc làm vì ảnh hưởng của đại dịch. Ảnh: Reuters. |
Theo khảo sát của Census Pulse, hàng triệu gia đình tiếp tục phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực. Tính đến giữa tháng 10, khoảng 23 triệu hộ gia đình "đôi khi" hoặc "thường xuyên" không có đủ thức ăn trong suốt một tuần. Trước khi đại dịch bùng phát vào đầu tháng 3, con số này là 14 triệu hộ gia đình. Tính đến tuần trước, 7,8 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp từ tuần thứ hai trở lên.
Nhưng cũng giống như khi làm với các số liệu GDP, Tổng thống Trump thường chỉ nói một phần về thị trường việc làm. Trong các buổi vận động tranh cử, ông liên tục nhấn mạnh rằng số việc làm đã tăng kỷ lục 11,4 triệu kể từ tháng 5, như thể đó là một dấu hiệu của sức mạnh kinh tế.
Tuy nhiên, câu chuyện đầy đủ là trước khi thêm hàng chục triệu việc làm, các nhà tuyển dụng đã cắt giảm 22 triệu việc làm chỉ trong tháng 3 và tháng 4. Chỉ bằng một phép toán đơn giản cũng có thể suy ra rằng vẫn có 10 triệu việc làm bị mất đi trong thời kỳ đại dịch. "Hay nói các khác, việc khôi phục nền kinh tế lại như trước dịch Covid-19 là điều còn rất xa", cây bút của CNN viết.