Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự thật đằng sau 'mác' vải ngoại cao cấp ở chợ

Một tiểu thương bán vải ở chợ Tân Định nói, hàng chợ rất hiếm có vải cao cấp nhập từ Anh, Ý. Dòng chữ trên biên vải không thể bảo chứng cho xuất xứ thật của vải. Nhiều khúc trên biên ghi của Anh nhưng là của Ấn Độ, chưa kể hàng lậu của Trung Quốc cũng dệt Anh dệt Ý trên biên vải như chơi.

Do tính chất công việc phải tiếp xúc nhiều đối tác “cấp cao”, nên ông Đức Vương, giám đốc một công ty tư vấn đầu tư rất chú trọng đến trang phục. Với quần tây và áo vest, gần 20 năm nay, ông chỉ lui tới một nhà may quen trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Nhà may này luôn có sẵn nhiều loại vải cao cấp cho khách hàng chọn. Những lần đầu, ông còn hỏi xuất xứ nhưng về sau, chỉ đơn giản chọn theo ý thích, khoản chất lượng vải, ông hoàn toàn phó thác cho chủ tiệm. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều khách hàng khi đến với các nhà may lớn và uy tín, bởi “vải vóc trùng trùng, hàng trung cấp hoặc hàng Trung Quốc, nhưng người bán cứ nói hàng cao cấp thì cũng khó mà biết được”, ông Vương nói.

Tại một số nhà may trên đường Lê Thánh Tôn và khu vực chợ Bến Thành, TP.HCM, các thương hiệu vải của Anh và Ý như Scabal, Cerruti, Vitale Barberis Canonico, Zegna, Dormeuil... thường được giới thiệu khi có khách muốn may hàng cao cấp. Tuy nhiên, phân khúc vải cao cấp khá hẹp, người tiêu dùng (đã qua sử dụng) có thể kể vanh vách tên nhà may, nhưng tên thương hiệu của chất liệu mình đang mặc thì rất ít quan tâm, dù các thương hiệu vải này đã có mặt ở Việt Nam từ rất lâu như Zegna và Dormeuil. Dòng sản phẩm may quần âu và vest này hầu hết đều có khổ 1,5m. Giá từ 80-3.000 USD/m.

Khách hàng đang chọn vải may vest cuới trong một shop vải cao cấp.
Phong, người phụ trách shop may và bán vải cao cấp Dati trên đường Chu Mạnh Trinh cho biết, đối tượng khách người Việt của shop hơi ít và thường là giới doanh nhân. Tuy nhiên, shop cũng đã có lần bán cho một vị khách người Việt một bộ vest, giá vải là 2.500 USD/m, tức gần 200 triệu đồng một bộ cả công và vải.

Giải thích vì sao giá vải lại cao như thế, Phong đưa ra vài lý do: thứ nhất, đây là hàng độc quyền (về tỷ lệ sợi), số lượng sản xuất giới hạn. Đặc biệt, trừ nhãn Dormeuil, vải lót vest thường bán với giá trên 20 USD/m. Vài nhà sản xuất, mức độ chiều chuộng khách rất cao, mua 0,5m cũng nhận đơn hàng.

Do giá cao, nhà kinh doanh không dám nhập nhiều hàng, nên việc khách hàng phải đợi từ bảy đến mười ngày mới có hàng sau khi chọn mẫu là chuyện bình thường. Mỗi mùa (khoảng ba tháng) một lần, nhà sản xuất tung ra bộ mẫu mới. Đối với vải sơmi với chất liệu cao cấp là mặc vào phải thoáng, mát, độ mịn và độ bền màu cao, một số hàng có tính năng chống nhăn. Hàng của Ý có hiệu Thomas Mason, hiệu Getzner của Áo sản xuất cũng được nhiều người quen dùng. Giá vải sơmi thường từ 20-40 USD/m.

Theo chân Hoàng Oanh, một cô gái trẻ sắp làm đám cưới vào chợ An Đông, khi ngỏ ý với người bán muốn mua loại vải cao cấp để may vest cưới thì sạp nào cũng hào hứng giới thiệu rất nhiều mẫu vải giá từ 500.000-600.000 đồng/m và hầu hết “đây là vải nhập từ Anh hoặc Ý”.

Tuy nhiên, một tiểu thương bán vải ở chợ Tân Định lại nói, hàng chợ rất hiếm có vải cao cấp thật sự nhập từ Anh, Ý. Dòng chữ ghi xuất xứ trên biên vải không thể bảo chứng cho xuất xứ thật của vải. Nhiều khúc trên biên ghi của Anh nhưng thực chất là của Ấn Độ, chưa kể, hàng lậu của Trung Quốc cũng dệt Anh dệt Ý trên biên vải như chơi. Nói vậy không có nghĩa là chợ không có hàng cao cấp, chính xác là rất ít, nếu may, người tiêu dùng có thể mua được đúng hàng hiệu.

Hàng này thường là hàng qua đợt, bán sale đến 50% ở các stock của Singapore và Hong Kong, nên thỉnh thoảng có tình trạng thủng vài nốt. Về giá, hoàn toàn tuỳ vào người bán muốn lãi bao nhiêu chứ không thể so sánh được với giá nhập khẩu chính thức của các nhà nhập khẩu.

Từ tiết lộ của một tiểu thương giấu tên ở chợ Tân Định, có thể thấy rằng người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng vải cao cấp cho những bộ lễ phục thì dường như buộc phải mua vải nhập khẩu tại các nhà may. Một số nhà may thậm chí không nhận may cho vải khách mua ở ngoài mang vào. Hàng trong nước dường như chưa thật sự hoà nhập được trong dòng chảy của phân khúc vải cao cấp cho nam này.

Đối với vải sản xuất trong nước thường thiên về người tiêu dùng nữ, giá cả tương đối ổn định ở tầm trung và chấp nhận được. Cửa hàng của Thái Tuấn hiện còn một số mẫu thuộc bộ sưu tập Dáng lụa giá 3 triệu đồng/bộ, những mẫu khác cùng chất liệu lụa in cao cấp giá từ 1,5 triệu đồng/bộ, còn lại hàng lẻ, vải lụa tơ tằm giá cao nhất là 320.000 đồng/m. Hàng của Toàn Thịnh loại có in hoa văn đắt hơn loại trơn, giá đũi in hoa khoảng 455.000 đồng/m, satin 398.000 đồng/m, lụa hai da 313.000 đồng/m. Taffeta Toàn Thịnh có thể may vest, váy công sở giá 450.000 đồng/m. Bà Thuận Thị Trụ, quản lý công ty dệt may thổ cẩm Chăm Inrahani cho biết, do giá tơ tằm tự nhiên khá cao, nên tuỳ theo nhu cầu của khách, cơ sở sẽ tìm mua nguyên liệu sợi tương ứng để dệt. Giá 1m vải tơ tằm tự nhiên giá từ 1,5-2 triệu đồng tuỳ độ phức tạp của hoa văn.

Nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng, “Ở Việt Nam, những loại vải như lụa, thổ cẩm cũng được xem là vải cao cấp nhưng hầu hết không có quy trình công nghệ và thiết bị hiện đại. Vì thế, chất lượng không ổn định và quan trọng hơn là không có những nhà thiết kế tạo ra vải theo khuynh hướng thời đại, và đó cũng là nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều nhà thiết kế sử dụng vải nhập khẩu trôi nổi, không rõ nguồn gốc... đa số nhập từ Trung Quốc. Điều này có thể giải thích được rằng ngành dệt Việt Nam không phát triển kịp theo nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, và kéo theo sự hạn chế phát triển ngành thời trang”.

Khái niệm về vải cao cấp của nhà thiết kế Minh Hạnh: Vải cao cấp là loại vải được dệt từ sợi tự nhiên, quy trình dệt được hoàn thiện bởi những thiết bị tối tân hiện đại nhất và có những màu sắc và họa tiết theo đúng khuynh hướng của thời đại. Loại vải này có cấu trúc đặc biệt được sản xuất với số lượng hạn chế độc quyền cho những thương hiệu thời trang cao cấp trên thế giới. Khi sử dụng loại vải này phải có hướng dẫn như giặt ủi như thế nào và treo trong điều kiện nào.

 

 

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Bạn có thể quan tâm