Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự tái sinh của những chiếc Boeing 747 lỗi thời

Số phận của những chiếc tàu bay từng được mệnh danh là "Nữ hoàng của bầu trời" tưởng chừng sẽ kết thúc tại bãi phế liệu thì nay các hãng bay lại đang săn lùng những chiếc 747 cũ.

Một điều thú vị đã xảy ra khi thế hệ máy bay Boeing 747 cũ tưởng chừng sẽ han gỉ tại một bãi đáp phế liệu. Thay vì bị phá dã, dòng phản lực lưng gù này đang được ưa chuộng trở lại bởi những đơn vị vận chuyển hàng hóa.

Thương mại bùng nổ đang khiến nhu cầu với những chiếc máy bay lớn, tầm bay xa để vận chuyển những loại hàng hóa cần chuyển nhanh, từ những chiếc iPhone của Apple hay hoa tươi từ Mỹ Latin, tăng vọt.

747 cu hoi sinh anh 1
Một chiếc 747-400 đang được dọn bỏ ghế hành khách để cải hoán thành máy bay chở hàng. Ảnh: Bloomberg.

Nhu cầu mua dòng Boeing 747-400 đã tăng trở lại từ năm ngoái, dù đây cũng là thời điểm các hãng hàng không lớn của Mỹ tổ chức sự kiện chia tay dòng máy bay mang tính biểu tượng này.

Với việc Boeing đã hết hàng với mẫu này tới năm 2021, các hãng bay chở hàng đang lùng mua mọi chiếc 747 có thể tìm thấy, nhất là những chiếc được sản xuất trong giai đoạn 1993-2009.

"Tình hình đang rất căng thẳng", ông William Flynn, CEO của Atlas Air, hãng điều hành máy báy chở hàng lớn nhất thế giới cho hay. Hãng cho thuê máy bay này đang trong quá trình mua thêm 6 chiếc 747-400. Tuy nhiên theo ông Flynn,  "Số lượng máy bay loại này rất có hạn".

Theo ông George Dimitroff, trưởng bộ phận định giá của Flight Ascend Consultancy, nhu cầu mạnh nhất là với dòng 747 được sản xuất để chở hàng vì loại này có mũi máy bay lật được để chuyển hàng trực tiếp từ mũi máy bay hay có thể chở được những hàng hóa ngoại cỡ như thiết bị khoan khai thác dầu mỏ. Giá thuê loại máy bay này đang tăng trở lại trong khi số lượng máy bay lại giảm dần đến mức bất kỳ chiếc nào còn bay được đều rất quan trọng.

Cơn sốt 747 thậm chí còn đang lan sang máy bay 747 cải hoán từ chở khách sang chở hàng, loại máy bay nặng nề hơn và chỉ có thể chất hàng từ cửa hông máy bay. Từng được báo chí cho rằng đã lỗi thời và đã "chết", những chiếc 747 cải hoán đang hồi sinh trong 9 tháng vừa qua. Dù không trở lại như trước, nhưng giá thuê những chiếc cũ này đã tăng lên theo ông Dimitroff.

747 cu hoi sinh anh 2
Nhân viên của UPS đang chất hàng lên một chiếc 747-400 hoán cải. Ảnh: Bloomberg.

"Chúng tôi còn ghi nhận có những chiếc nằm trong kho rất lâu, chuẩn bị được tháo dỡ hoàn toàn thì nay lại được hồi sinh để chở hàng", ông Dimitroff cho hay. Chi phí bảo dưỡng hạng nặng để hồi sinh một chiếc máy bay rơi vào khoảng 3 triệu USD.

Tuy nhiên, chỉ có một lượng nhỏ trong số 1.544 chiếc 747 từng được Boeing xuất xưởng. Không có dấu hiệu tương tự với những dòng như 747-8 hay Airbus A380.

Một cuộc chiến tranh thương mại quy mô toàn cầu có thể xóa sạch nhu cầu với những chiếc máy bay cũ. Tương tự là khả năng giá dầu tăng cao.

"Nếu giá dầu tăng lên mức 90 USD một thùng, chuyện sử dụng những chiếc 747 cũ với 4 động cơ sẽ không khả thi về mặt kinh tế", ông Brian Postel, Phó chủ tịch của Unical Aviation, hãng chuyên cung cấp phụ tùng và dịch vụ bảo dưỡng máy bay, cho hay. Trước đó trong tháng 5/2018 giá dầu đã lần đầu vượt mốc 70 USD kể từ năm 2014.

Hàng không chở khách đã chuyển sang sử dụng các dòng máy bay 2 động cơ nhằm tiết kiệm nhiên liệu và những chiếc 4 động cơ như dòng 747 phủ bụi cũng vì nguyên nhân đó.

"Để không máy bay là cách khiến chúng hỏng từ từ", chuyên gia của Bloomberg bình luận về những chiếc máy bay "nghỉ hưu" tại những bãi đỗ nằm ở sa mạc.

Tuy nhiên với sự bùng nổ của thương mại toàn cầu, một chiếc 747 cũ giá khoảng 50 triệu USD, rẻ gấp 8 lần so với giá mua mới, đang trở thành món hời. "Giá rẻ như vậy thì tiêu tốn nhiên liệu không còn là chuyện quan trọng", Unical Postel nhận định.

Theo dự đoán, nhu cầu vận tải hàng không sẽ còn tăng 4-5% trong năm nay theo số liệu từ tổ chức Vận tải hàng không quốc tế (IATA), một con số tốt lành với những máy bay chở hàng của Boeing, trong đó có cả những chiếc máy bay cũ.

Mỹ - Iran căng thẳng, Boeing mất hợp đồng máy bay 20 tỷ USD

Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran đã khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ lo lắng, trong đó có hãng sản xuất máy bay Boeing.



Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm