Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự suy tàn của đế chế WikiLeaks và ông trùm Julian Assange

Người sáng lập phải xin tị nạn, WikiLeaks bị công kích tứ bề… Sự sụp đổ của Julian Assange và đế chế bí mật của ông ta là do nhiều nguyên nhân sâu xa, tích tụ.

Sự suy tàn của đế chế WikiLeaks và ông trùm Julian Assange

Người sáng lập phải xin tị nạn, WikiLeaks bị công kích tứ bề… Sự sụp đổ của Julian Assange và đế chế bí mật của ông ta là do nhiều nguyên nhân sâu xa, tích tụ.

Người sáng lập WikiLeaks, Julian Assange, mắc vào vòng lao lý.  Ảnh Foreign Policy

Câu chuyện của WikiLeaks - một câu chuyện thú vị một thời về việc dũng cảm tiết lộ những bí mật chính phủ và trao quyền cho các nhà hoạt động trực tuyến - hiện thời lại rẽ sang một hướng khác, chủ yếu liên quan đến quyền  miễn trừ ngoại giao, quan hệ Anh - Ecuador và luật pháp Thụy Điển về xâm hại tình dục.

Đây chính là điều mà Julian Assange không thể ngờ được, khi ông ta sáng lập ra WikiLeaks – một trang web phơi bày những hành động thiếu minh bạch cách đây 6 năm. Giữa lúc WikiLeaks đang chật vật về vấn đề tiền bạc và gồng mình chống trả các cuộc tấn công đến từ “bốn phương, tám hướng”, người ta tự hỏi vì sao một diễn đàn từng tự phong tương lai của báo chí này lại bị biến thành một thứ diễn đàn độc diễn mất giá như hiện nay?   Thực ra, việc WikiLeaks bị sa sút như hiện nay là có những nguyên nhân sâu xa của nó.

1.

Sai lầm đầu tiên của WikiLeaks là trong 6 năm qua nó đã từ bỏ tôn chỉ trung lập và gắn liền với một chương trình nghị sự chính trị và đó là chương trình của ông trùm Julian Assange. Các vụ tiết lộ động trời từ video “Collateral Murder”, Nhật ký chiến tranh Afghanistan đến hàng chục ngàn điện tín mật Bộ Ngoại giao Mỹ… đã khiến cho WikiLeaks trở thành một diễn đàn đáng gờm phơi bày mặt trái của chiến tranh.

Thế nhưng, kể từ năm 2010, WikiLeaks không còn là một hệ thống truyền tải trung lập. Hầu như tất cả các hoạt động chủ yếu của WikiLeaks đều nhắm vào chính phủ Mỹ hoặc các công ty Mỹ. Chính phủ Mỹ luôn coi Julian Assange là một mối đe dọa, nhưng người dân Mỹ có thể đã sẵn sàng để nghe Julian Assange, nếu anh ta không tỏ ra là một người chống Mỹ một cách cực đoan. Ngay cả những người Mỹ vốn chống đối chính sách đối ngoại của Washington cũng khó có thể “cùng hội cùng thuyền” với Julian Assange, người thề “hủy diệt hoàn toàn chế độ hiện nay ở Mỹ”.

2.

Ngộ nhận về tầm quan trọng của WikiLeaks cũng như quá khoe khoang về năng lực bản thân chính là sai lầm thứ hai của Julian Assange và diễn đàn mà ông ta sáng lập. Trong năm nay, WikiLeaks tung lên mạng 5 triệu email của hãng phân tích tư nhân Stratfor và gán cho hãng này cái tên “CIA tư nhân”.

Ngay cả thành tựu Cablegate (vụ công bố hàng trăm nghìn các bức điện tín mật của sứ quán Mỹ) của WikiLeaks có thể khiến cho Bộ Ngoại giao Mỹ bẽ bàng, nhưng lại không thể vạch trần các hoạt động bất chính của ngành ngoại giao Mỹ. Đó là chưa kể vụ công bố này từng khiến cho một số nguồn cung cấp tin cho WikiLeaks bị lâm nguy.

WikiLeaks nhiều lần tỏ ra không đáng tin cậy trong việc xử lý các tài liệu mật. Trong một email công bố năm 2009, WikiLeaks tiết lộ danh tính 58 người ủng hộ. Thậm chí WikiLeaks còn khiến cho người cung cấp các tài liệu mật về chiến tranh Iraq, Afghanistan và Cablegate là quân nhân Mỹ Bradley Manning bị bắt và bị đưa ra xét xử trước tòa án binh. Không những thế, WikiLeaks còn cho phép một tờ báo Na Uy (vốn không phải là 1 trong 5 tờ báo lớn ký thỏa thuận đối tác) được đăng tải một số tài liệu mà diễn đàn này được các nguồn tin cung cấp. Có tin nói Julian Assange còn cho phép một tình nguyện viên người Iceland (chưa qua thử thách) có quyền tiếp cận toàn bộ kho dữ liệu. Đó là chưa kể WikiLeaks còn quay lưng lại với các đối tác báo chí chính (trong đó có tờ The Guardian, The New York Times, Der Spiegel…) và tự mình công bố toàn bộ một tư liệu mà không hề biên tập lại họ tên và gây nguy hiểm cho các nguồn cung cấp thông tin.

3.

Nhưng vấn đề lớn nhất của WikiLeaks là quá phụ thuộc vào “gã điên khùng tóc bạc người Australia”, như có lần quân nhân người Mỹ Bradley Manning từng gọi Julian Assange. Trong một email viết cho một tình nguyện viên Herbert Snorrason (người Iceland), Julian Assange tự vỗ ngực: “Tôi chính là trái tim và linh hồn của tổ chức, là người sáng lập, nhà tư tưởng, phát ngôn viên, nhà tổ chức và là tất cả những gì còn lại của WikiLeaks. Nếu anh muốn gây sự với tôi, hãy cút đi”. Sau đó, Herbert Snorrason rời bỏ WikiLeaks với lời than thở: “Tôi cho rằng trên thực tế, Julian (Assange) đã xua đuổi hiền tài”.

Trong số những người chia tay với WikiLeaks có phát ngôn viên người Đức Daniel Domscheit-Berg, người sau này đã lập ra một trang web cạnh tranh mang tên OpenLeaks và xóa 3.500 bức điện tín chưa được công bố. Vốn cùng Julian Assange “chia ngọt sẻ bùi” từ thủa ban đầu thành lập WikiLeaks, Daniel Domscheit-Berg sau này trở thành một trong những người chỉ trích Julian Assange kịch liệt nhất.

Đã có thời, WikiLeaks từng là một diễn đàn động trời và thú vị nhất trên chính trường quốc tế, trong giới truyền thông và hàng triệu độc giả háo hức chờ đợi những tiết lộ mới mỗi ngày. Với việc công bố 250.000 bức điện tín ngoại giao mật và khả năng công bố những tài liệu động trời khác, WikiLeaks xem ra trở thành một tổ chức có thể “đảo ngược cuộc chơi và đi trước thời đại nhiều năm.

Thế nhưng, WikiLeaks lại rẽ sang một hướng khác. Với việc ông trùm sáng lập Julian Assange bị Thụy Điển truy tố về tội xâm hại tình dục, bị tòa án Anh quyết định dẫn độ sang Stockholm và buộc phải chạy vào Đại sứ quán Ecuador để xin tị nạn, không ít người cho rằng khó có thể WikiLeaks trở thành một động lực thay đổi thế giới theo hướng công khai, minh bạch và lành mạnh hơn.

Theo Đất Việt

Theo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm